Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Thanh Nga| 01/02/2021 09:03

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhờ đó, tỉ lệ hộ có nhà tiêu hợp về sinh hàng năm tăng dần, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

ADQuảng cáo

Nhà tiêu - vệ sinh và sức khỏe

Đắk Nông hiện có hơn 640.000 người, trong đó tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm tới 31,5% số dân. Theo thống kê, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hiện đạt gần 90%, trong đó tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh trên 67%.

Tuy nhiên,  trong tỉnh vẫn có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh giữa các vùng. Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình, trường học, bệnh viện, bến xe, nơi công cộng... không có nhà vệ sinh hoặc có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn.

Điều kiện vệ sinh kém là nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ người mắc bệnh tiêu chảy, viêm phổi, các bệnh giun sán. Theo Tổ chức Cứu trợ Nước quốc tế, mỗi năm có khoảng 289.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh tiêu chảy do sử dụng nước bẩn và vệ sinh kém.

Hàng năm, tiêu chảy và các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa làm mất đi sự sống của gần 140.000 trẻ em từ 5-14 tuổi. Tiêu chảy cũng là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Mít tinh hưởng ứng "Ngày nhà tiêu thế giới" năm 2020.

Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân, cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, mà nguyên nhân chủ yếu liên quan tới nước sạch và vệ sinh môi trường.

Trước thực tế trên, năm 2019, tỉnh Đắk Nông triển khai Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, trong đó xây dựng 8 công trình cấp nước và 15 công trình vệ sinh tại các trường học. Tỉnh cũng hỗ trợ người dân xây mới 982 nhà tiêu hợp vệ sinh.

ADQuảng cáo

Theo ông Trần Quang Hào, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, ngành Y tế và Hội Nông dân luôn phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức truyền thông về vệ sinh cá nhân, hướng dẫn sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân.

Hiện nay nhiều gia đình chú trọng xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và nâng cao ý thức bảo vệ vệ sinh môi trường, trong đó có các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại diện các cấp Hội Nông dân ký cam kết vận động hội viên nông dân ở cơ sở xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe và giữ gìn môi trường sống.

Năm 2001, Tổ chức Nhà tiêu thế giới công bố lấy ngày 19/11 hàng năm làm "Ngày nhà tiêu thế giới” để tăng cường nhận thức và hành động toàn cầu về cuộc đấu tranh của 2,6 tỷ người không được tiếp cận, sử dụng nhà tiêu sạch sẽ, đúng quy cách.

"Ngày nhà tiêu thế giới” cũng mang đến các thông điệp ưu tiên về y tế, sức khỏe, các hậu quả về tâm sinh lý mà người nghèo chịu đựng vì hệ thống vệ sinh kém chất lượng.

Nước ta phấn đấu đến năm 2025 chấm dứt tình trạng đi tiểu bừa bãi và đến năm 2030, hầu hết các hộ gia đình đều có nhà tiêu hợp vệ sinh như cam kết của Chính phủ Việt Nam với Liên Hợp Quốc. Hiện nay, cả nước, trong đó có Đắk Nông đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ người dân, các địa phương để hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO