Mỗi người cần thay đổi thói quen ăn thừa muối để bảo vệ sức khỏe

Ngô Đồng thực hiện| 27/01/2021 09:18

Việc sử dụng quá nhiều muối trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, nên cần giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày. Vậy giảm muối ăn như thế nào trong khẩu phần ăn là hợp lý, khoa học? Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này với bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

ADQuảng cáo

PV: Thưa bác sĩ, việc giảm lượng muối trong chế độ ăn mang lại lợi ích gì trong bảo vệ sức khỏe?

Bác sĩ Đặng Thành: Muối có vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể do có chứa natri là một loại điện giải giúp điều chỉnh, cân bằng dịch thể, dẫn truyền tín hiệu thần kinh - cơ, điều hòa huyết áp, hỗ trợ hấp thu các chất dinh dưỡng và bảo đảm chức năng bình thường của tế bào.

Nhưng ăn thừa muối lại là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và nhiều bệnh lý khác. Ước tính của WHO, mỗi năm có khoảng 4,1 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh liên quan ăn thừa muối.

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tại Việt Nam, ăn thừa muối cũng đang là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh không lây nhiễm phổ biến.

Một chế độ ăn với lượng muối phù hợp sẽ giúp giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh không lây nhiễm nêu trên. Đối với người đang mắc các bệnh mạn tính về tim mạch và thận thì việc áp dụng chế độ ăn nhạt sẽ giúp giảm các đợt bệnh cấp và làm chậm quá trình tiến triển bệnh. Do đó, người dân cần bảo đảm lượng muối phù hợp trong mỗi bữa ăn để tránh gây nguy hại cho sức khỏe.

PV: Xin bác sĩ cho biết chế độ ăn với lượng muối như thế nào là phù hợp?

Bác sĩ Đặng Thành: “Muối” được hiểu là để chỉ tất cả các loại gia vị chứa nhiều natri như muối trắng, bột canh, hạt nêm, nước mắm, xì dầu, bột ngọt... Chế độ ăn với lượng muối phù hợp là cung cấp đủ lượng muối (natri) mà cơ thể cần. Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày từ tất cả các nguồn. Trong đó, muối được đưa vào cơ thể qua bữa ăn hàng ngày từ 3 nguồn chính: 70% từ sơ chế, nấu và khi ăn; 20% từ thực phẩm chế biến sẵn; 10% có sẵn trong thực phẩm tự nhiên.

Ước tính 5 gam muối sẽ tương đương với: 1 thìa cà phê muối trắng = 1,5 thìa cà phê bột canh = 2 thìa cà phê hạt nêm = 2,5 thìa canh nước mắm = 3,5 thìa canh xì dầu.

Hiện tại, đa số người Việt Nam trưởng thành đang ăn lượng muối hàng ngày nhiều gấp 2 lần so với khuyến cáo. Bởi vậy, người bình thường khỏe mạnh cũng nên ăn giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Những nhóm đối tượng sau cần ăn ít muối hơn nữa: Trẻ dưới 1 tuổi: không cho gia vị chứa muối vào khi chế biến thức ăn bổ sung cho trẻ; trẻ 1 - 10 tuổi: < 2,3 - 4g muối/ngày; người cao tuổi (trên 50 tuổi): <3,2g muối/ngày; bệnh nhân mắc bệnh thận, cao huyết áp, suy tim… ăn nhạt tùy trường hợp cụ thể theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

ADQuảng cáo

PV: Vậy những thực phẩm nào được khuyến cáo có lượng muối phù hợp nên ăn và thực phẩm có nhiều muối không nên hoặc hạn chế ăn, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đặng Thành: Để bảo đảm chế độ ăn với lượng muối vừa đủ, tốt cho sức khỏe, chúng ta nên ưu tiên những thực phẩm có lượng muối ít như: rau xanh, trái cây, các loại thịt nạc…

Các loại thực phẩm nhiều muối nên hạn chế ăn như: thực phẩm muối, lên men (dưa muối, cà muối, mắm tép, mắm cá); thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, lạp xưởng, giò chả…); thực phẩm khô (cá khô, tôm khô, mực khô…); thức ăn kho, rang, rim (cá kho, thịt kho…); thực phẩm công nghiệp (mì ăn liền, bim bim, thịt hộp, cá hộp…).

PV: Làm thế nào để giảm muối trong chế độ ăn, thưa bác sĩ?

Bs Đặng Thành: Để tránh ăn thừa muối ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nhưng vẫn bảo đảm cơ thể được cung cấp đủ muối (natri) cần thiết, chúng ta cần phải nhớ và thực hiện thông điệp truyền thông của ngành Y tế đó là “Cho bớt muối – Chấm nhẹ tay – Giảm ngay đồ mặn”.

Khi chế biến thực phẩm, nấu ăn hãy giảm dần lượng muối và gia vị chứa nhiều muối cho đến khi giảm một nửa so với hiện tại; nếm thức ăn trước khi cho thêm mắm, muối; tự nấu ăn tại nhà để kiểm soát lượng muối sử dụng…

Hạn chế hoặc không chấm các loại gia vị như nước mắm, nước tương, muối trong bữa ăn; bỏ thói quen chấm ngập thức ăn vào nước chấm; pha loãng nước mắm để chấm; hạn chế để nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn…

Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn đóng hộp chứa nhiều muối. Tăng cường ăn thực phẩm tự nhiên, ăn thực phẩm luộc rau luộc, thịt luộc… thay cho thực phẩm chiên, xào, kho, rim nên chọn những loại thực phẩm có lượng muối ít.

Hiện nay, ngành Y tế đang đẩy mạnh hoạt động "Truyền thông giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác".

Các cơ sở y tế, nhất là trạm y tế xã, phường tăng cường kiểm tra chỉ số huyết áp cho mọi người dân từ 18 tuổi trở lên, kết hợp với hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn giảm muối cho người bệnh đang được quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh mạn tính khác.

Mỗi người dân hãy cùng thay đổi thói quen ăn thừa muối, đồng thời phổ biến, hướng dẫn người xung quanh để phòng chống bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỗi người cần thay đổi thói quen ăn thừa muối để bảo vệ sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO