Chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm khi giao mùa

Tường Nhiên| 04/08/2022 08:41

Do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng mạnh. Do đó, mọi người chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm và đến ngay cơ sở y tế nếu có dấu hiệu bất thường, tránh để bệnh chuyển nặng.

ADQuảng cáo

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 30/7, có 724 trường hợp mắc SXH tại 68/71 xã, phường, thị trấn; chưa ghi nhận ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 số ca mắc tăng gấp 3,6 lần và số xã có ca mắc SXH tăng 23 xã, trong đó cao nhất là huyện Cư Jút với 212 ca mắc, các địa phương khác như Đắk Mil, Đắk Song cũng có số ca mắc bệnh cao.

Bác sĩ Bùi Thị Minh Nghĩa, Giám đốc TTYT huyện Cư Jút cho biết: “Mưa nắng thất thường nên tình hình dịch bệnh SXH diễn biến khá phức tạp. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Cư Jút ghi nhận 212 ca SXH. Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngành Y tế đang tập trung chữa trị cũng như phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, huy động các tầng lớp Nhân dân triển khai các biện pháp diệt bọ gậy và các hoạt động phòng, chống SXH”.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số ca điều trị do mắc SXH đang tăng. Bác sĩ Cao Thị Tài, Trưởng Khoa Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, khoa đã điều trị cho hơn 55 bệnh nhân mắc SXH. Hiện tại khoa đang điều trị 11 bệnh nhân SXH, với nhiều độ tuổi; trong đó nhiều ca khi nhập viện tình trạng bệnh tương đối nặng”.

Cũng theo bác sĩ Tài, hiện nay thời tiết diễn biến thất thường, là thời điểm dễ bị mắc bệnh SHX. Do đó các gia đình nên chú ý chăm lo cho sức khỏe các thành viên, nhất là trẻ em, người già, cần tăng sức đề kháng với bệnh SXH.

ADQuảng cáo

Người dân dọn dẹp vệ sinh loại bỏ nơi sinh sản của muỗi - tác nhân gây sốt xuất huyết

Các gia đình phát quang bụi rậm, loại bỏ nước đọng trong những vật dụng không dùng đến. Vật dụng chứa nước phải đậy nắp, thậm chí có thể thả cá diệt loăng quăng. Đồng thời, cho trẻ mặc đồ dài tay, ngủ màn. “Khi trẻ mắc bệnh phải cho trẻ uống hạ sốt, đưa trẻ đến cơ sở y tế để xác định nguyên nhân, hướng dẫn điều trị phù hợp, tránh để bệnh nặng”, bác sĩ Tài lưu ý.

Trước tình hình số ca mắc SXH có dấu hiệu tăng dần, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức kiểm tra, giám sát cộng đồng tại 8 huyện, thành phố. Qua đó nhận thấy các đơn vị đã chủ động triển khai điều tra xử trí kịp thời các ổ dịch.

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: “Để phòng, chống SXH, các TTYT phải giám sát thường xuyên để chủ động xử trí ngay khi chỉ số côn trùng, nhất là mật độ muỗi và bọ gậy vượt trên ngưỡng an toàn cũng như xử lý tất cả ổ dịch trong vòng 48 giờ. Hàng năm vào thời điểm bắt đầu bước vào mùa mưa, các địa phương nên xây dựng và triển khai các biện pháp xử trí chủ động bệnh SXH cũng như các bệnh truyền nhiễm khác”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm khi giao mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO