Chống dịch bạch hầu ở nơi “nhiều không” (kỳ 1): Khó khăn chồng vất vả

Phóng sự của Ngô Đồng| 22/07/2020 08:43

Bên cạnh được xem là “vùng lõm tiêm chủng”, cụm dân cư 12, xã Đắk R’Măng (Đắk Glong) còn là nơi “nhiều không”, khiến công tác phòng, chống dịch bạch hầu càng thêm khó khăn bội phần…

ADQuảng cáo

Cung đường "nín thở"

Khác với lần vào "tâm dịch" bạch hầu ở xã Quảng Hòa, lần này chúng tôi được lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong thông báo trước ngày giờ xuất phát vào cụm 12 để tiêm vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu cho bà con. Do có kinh nghiệm vào "tâm dịch" lần trước nên tâm lý phóng viên báo chí đi theo đoàn khá bình tĩnh.

Có mặt tại Trung tâm Y tế huyện đúng 11 giờ trưa để cùng xuất phát, đoàn công tác lần này có 20 người gồm y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong, Trạm y tế xã Đắk R’Măng, công an xã và mấy phóng viên chúng tôi. Để đến được cụm 12, chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy vì đường sá hết sức khó khăn. 

Đoàn tập trung tại thôn 1, xã Đắk Som chuẩn bị lên đường tiến vào cụm 12, xã Đắk R'Măng bằng xe máy

Theo xe chở quà tặng cho bà con trong cụm 12, cả đoàn hẹn nhau tại thôn 1, xã Đắk Som để cùng tiến sâu vào vùng lõi của rừng phòng hộ Đắk Măng là nơi ở của 71 hộ người Mông đang làm ăn, sinh sống. Cụm 12 nằm cách xa trung tâm huyện Đắk Glong khoảng 50 km, cách trung tâm xã Đắk R’Măng 70 km và cách thôn 1, xã Đắk Som nơi đoàn tập kết 25 km.

Thế nhưng, để băng qua hết đoạn đường 25 km ấy đến với bà con, đoàn công tác phải mất gần 3 giờ đồng hồ băng đèo, lội suối, vượt qua bao con dốc dựng đứng, trơn trượt, sình lầy bởi cơn mưa từ đêm hôm trước. 

Dọc con đường mòn luôn xuất hiện những con suối vắt ngang

Có lẽ vì là nữ duy nhất của đoàn nên tôi được ưu tiên để bác sĩ Phạm Anh Trà, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đắk R’Măng-người được xem là thông đường, thuộc lối như một tay đua xe địa hình thứ thiệt chở đi. Trước khi vào đoạn đường đất, bác sĩ Trà dặn dò: “Nhà báo chuẩn bị tinh thần nhé, vịn cho chắc, không lại rớt xuống vực lại sớm hồi hương nhé”.

Tưởng anh nói đùa nhưng không, trước mắt tôi là những con đường mòn sống lưng trâu, ngoằn ngoèo men theo sườn đồi, một bên là vực sâu hun hút, lên dốc rồi lại xuống dốc, băng suối rồi lại lội sình lầy trơn trượt, có những đoạn thót tim, gần như tôi chỉ biết nhắm mắt và nín thở… Vậy mà bác sĩ Trà vẫn đi lái xe đi phăng phăng như chưa hề có đèo có dốc.

Đến đoạn dễ đi, anh cười hỏi: “Cảm giác thế nào phóng viên, cung đường nín thở chứ hả? Lâu nay, mỗi lần chuẩn bị vào cụm, chúng tôi phải theo dõi thời tiết sít sao, nắng hửng là phải lên đường ngay còn kịp, chứ chỉ cần một trận mưa rào thì coi như đành cắm chốt, không thì dắt bộ xe giữa rừng là chuyện bình thường. Đường sá khó đi là vậy nhưng đều đặn tháng nào anh em dưới trạm cũng chia nhau đi vào tiêm chủng cho bà con trong cụm”.

Bò trên đường trơn trượt

Vào được đến nơi, chúng tôi mới thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả và cả sự hiểm nguy mà mỗi cán bộ y tế huyện Đắk Glong phải đối mặt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

"Cụm nhiều không”

Sau gần 3 giờ đồng hồ vượt 25 km băng rừng lội suối, vượt qua bao con dốc dựng đứng, bao sình lầy trơn trượt, chúng tôi cũng vào được đến nơi. Cụm 12 nằm tách biệt hẳn với bên ngoài và nằm ngay giữa lõi rừng phòng hộ Đắk Măng. Đúng với nghĩa tách biệt vì đây là cụm dân cư tự phát do bà con người Mông di cư tự do khai hoang, lập xóm nên chưa được công nhận và đồng nghĩa với việc chưa được đầu tư xây dựng.

Sở dĩ gọi là “cụm nhiều không” vì nằm sâu trong rừng nên nơi đây “không điện, không đường, không trường, không trạm”. Khi mặt trời tắt nắng, toàn cụm dân cư chìm vào màn đêm, thi thoảng có vài đốm lửa lập lòe của vài nhà đang nấu cơm tối hay ánh sáng mờ mờ của những nhà có đèn năng lượng mặt trời.

ADQuảng cáo

Dừng nghỉ chân ở trạm bảo vệ rừng

Một điểm đáng lưu tâm, tỷ lệ trẻ đến trường ở cụm khá thấp vì trong cụm không có trường nên gia đình nào có điều kiện hơn một chút thì thuê nhà trọ cho con học ở xã Đắk Som. Những gia đình khó khăn thì con cái ở nhà làm rẫy, phụ cha mẹ mò ốc bắt cua bên suối, dưới ruộng. Do nơi ở nằm sâu trong rừng nên môi trường vô cùng ẩm thấp, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút xâm nhập gây dịch bệnh.

Ông Giàng A Pao, một người dân chia sẻ: "Vào đây sống đã nhiều năm nhưng gia đình tôi cũng như nhiều nhà khác vẫn chưa có hộ khẩu. Các con, các cháu đứa nào thích học thì cũng chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ vì do không làm được giấy khai sinh". Hỏi vì sao không làm được hộ khẩu, ông Giàng A Pao cho biết: "Vì mình đang sống ở trong rừng phòng hộ nên chưa làm được giấy tờ mà giờ chuyển đi thì cũng chẳng biết chuyển đi đâu".

Anh Giàng A Bi, một người dân khác cho biết: "Đường sá đi lại rất khó khăn, xe cộ không có nên hầu như khi ốm đau chúng tôi có gì chữa nấy, phải ốm nặng lắm thì mới đưa ra trạm y tế để khám thôi. Hôm vừa rồi, khi cháu G. A. P bị ốm rồi mất vì bệnh bạch hầu, hơn 30 người  phải ra tận đầu đường nhựa để khiêng cháu về trên con đường rừng trơn trượt trong đêm tối, vô cùng vất vả, thương tâm".

Hình ảnh quen thuộc dọc đường vào cụm 12

“Vùng lõm" tiêm chủng

Chị Giàng Thị Dủa, hiện sinh sống tại cụm 12 cho biết, nhà có 3 đứa con song chị chỉ nhớ mang mang có tiêm chủng cho bé mới sinh, còn 2 bé đầu gần như không tiêm. Khi chúng tôi hỏi lý do thì chị thật thà cho biết, đường sá khó đi, lại xa xôi cách trở nên không đưa các con đi tiêm phòng đầy đủ.

Chúng tôi tiếp tục hỏi thế khi trạm y tế đưa vắc xin đến tận nơi để tiêm sao gia đình không cho bé tiêm, chị Dủa ngại ngùng: “Phần thì ngày cán bộ vào tiêm cả gia đình mình đi làm trên nương, trên rẫy nên không biết, phần thì thấy con nhà hàng xóm tiêm xong quấy khóc, sốt quá nên sợ con đau mình không dám cho tiêm”.

Xóm Mông khi chiều buông

Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong chia sẻ: “Đường sá khó khăn là vậy, song anh em y tế tuyến trạm rất nhiệt tình, hàng tháng đều mang thuốc, vắc xin đến từng nhà trong cụm dân cư 12 để tiêm cho các cháu. Chúng tôi cũng tuyên truyền giải thích, vận động hết lời, song có nhà thì cho tiêm, có nhà thì nhất quyết không cho tiêm vì sợ con đau quấy khóc… Những lúc như vậy anh em phải đành mang thuốc về lại”.

Những ngôi nhà tạm bợ, lụp xụp, thiếu tất cả điều kiện sinh hoạt

Qua câu chuyện mới biết, những năm gần đây ngành Y tế huyện đã đồng hành, phối hợp chính quyền địa phương trong công tác truyên truyền, vận động, thậm chí mang vắc xin đến tận nơi. Thế nhưng, do ý thức của người dân chưa cao, đời sống lại quá nhiều khó khăn, vất vả nên tỷ lệ tiêm chủng tại cụm 12 chỉ đạt khoảng 50%.

Thực tế này không những gây khó khăn trong việc nâng cao sức khỏe người dân mà còn gây suy yếu hệ miễn dịch cộng đồng, tạo nhiều áp lực cho ngành Y tế…

Đốt lửa sưởi ấm tại "cụm nhiều không" sau cơn mưa chiều

>> Kỳ 2: Quyết tâm dập dịch

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống dịch bạch hầu ở nơi “nhiều không” (kỳ 1): Khó khăn chồng vất vả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO