Bệnh bạch hầu tại huyện Krông Nô cơ bản đã được kiểm soát, khống chế

Ngô Đồng| 19/06/2020 14:03

Tính đến ngày 19/6, tại huyện Krông Nô đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu nhưng tất cả các bệnh nhân đã và đang được điều trị, chăm sóc tích cực, sức khỏe dần ổn định.

ADQuảng cáo

Về cơ bản, bệnh bạch hầu đã được khống chế, đẩy lùi nhờ ngành Y tế tỉnh đã nhanh chóng triển khai hàng loạt các biện pháp kịp thời, hiệu quả như phát hiện, khoanh vùng và điều trị dự phòng tích cực…

Bác sĩ tiến hành lấy mẫu dịch phẩm để xét nghiệm cho các học viên tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May Mắn

Cụ thể, ngày 7/6, trường hợp dương tính với bạch hầu đầu tiên được phát hiện tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May Mắn ở xã Đắk Sôr (Krông Nô). Bệnh nhân là học viên đang theo học tại đây, với những dấu hiệu khởi đầu như có triệu chứng sốt cao, đau, loét vùng họng, có giả mạc trắng ở ổ loét. Nghi ngờ có liên quan đến bạch hầu, học viên được lấy mẫu gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm và đã cho kết quả dương tính với bạch hầu.

Đến ngày 12/6, ngành Y tế tiếp tục phát hiện và công bố thêm 3 ca dương tính với bạch hầu. Như vậy, đã có 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu được xác định và có liên quan đến nhau là 3 học viên tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May Mắn và 1 người thân của học viên mắc bệnh nói trên.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm,  lây lan qua đường hô hấp. Cộng thêm các triệu chứng của bệnh giống với cảm lạnh thông thường. Do đó, việc phát hiện, xác định sớm ca bệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp khống chế không để bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đặng Thành cho biết: "Vì là bệnh truyền nhiễm nên bệnh bạch hầu có khả năng lây lan rất cao và trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm. Sau khi nhận được những thông tin nghi ngờ có ca bệnh đầu tiên, Trung tâm lập tức triển khai hàng loạt hoạt động điều tra, giám sát cũng như chủ động xây dựng các phương án phòng, chống sao cho hiệu quả, tránh tạo thành những ổ bệnh lớn, nhất là việc khoanh vùng ngăn chặn và điều trị dự phòng".

ADQuảng cáo

Cũng theo bác sĩ Đặng Thành, hiện cả 4 trường hợp nhiễm bệnh bạch hầu đều đang được theo dõi, điều trị chặt chẽ. Trong đó, 2 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, 2 trường hợp đang điều trị tại Trung tâm Y tế Krông Nô. Tình trạng sức khỏe của cả 4 bệnh nhân đều ổn định, không ghi nhận yếu tố nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, cách tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu là tiêm vắcxin cho trẻ theo lịch tiêm chủng. Trẻ nên tiêm vắcxin 3 lần khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau 1 tháng, sau đó 1 năm sau nhắc lại và sau 5 năm nhắc lại một lần nữa. Tiêm vắcxin không phải bao giờ cũng có kết quả hoàn toàn nhưng nếu đã tiêm phòng thì khi nhiễm bệnh sẽ nhẹ hơn và ít biến chứng hơn. Riêng đối với người nhiễm bệnh bạch hầu, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Ngoài ra cần vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi... bằng dung dịch sát khuẩn.

Tiến hành tiêm liều Td phòng bệnh bạch hầu cho tất cả học viên, nhân viên tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May Mắn

Có được kết quả nói trên, ngành Y tế đã triển khai hiệu quả công tác phòng, chống bệnh. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Krông Nô và Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May Mắn tập trung rà soát, xác minh, khoanh vùng, lấy 144 mẫu bệnh phẩm từ những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, tổ chức phun hóa chất toàn bộ khu vực khuôn viên trung tâm. Đối với các gia đình có con em theo học tại trung tâm trở về nhà vào dịp cuối tuần cũng được ngành Y tế địa phương tiến hành phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khuôn viên nhà ở của các hộ gia đình.

Ngoài ra, để hạn chế mức độ lây lan của bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hỗ trợ, cùng Trung tâm Y tế huyện Krông Nô tiến hành điều trị dự phòng cho 435 người, bao gồm tất cả các cán bộ, học viên đang làm việc và theo học lại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May Mắn và những người đã tiếp xúc gần với các bệnh nhân. Trung tâm cũng tiến hành tiêm 240 liều vắc xin Td (vắc xin phòng bệnh uốn ván -bạch hầu) các cán bộ, học viên.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền được các cơ quan chuyên môn liên quan triển khai mạnh mẽ nhằm cung cấp đến người dân tình hình bệnh, các dấu hiệu nhận biết cũng như các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Tờ rơi, áp phích có nội dung tuyên truyền về phòng, chống bệnh bạch hầu được cán bộ y tế cấp phát đến tay người dân. Hệ thống loa đài từ huyện đến xã, thôn, bon thường xuyên phát sóng các thông điệp tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống bệnh.

Về cơ bản bệnh bạch hầu tại Krông Nô đã được khống chế. Tuy nhiên, không thể chủ quan, lơ là, các hoạt động giám sát, phát hiện vẫn đang tiếp tục được thực hiện nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, hạn chế mức thấp nhất. Người dân cần chủ động, nhanh chóng khai báo cho các cơ sở y tế gần nhất nếu phát hiện thấy các trường hợp mắc bệnh hoặc có triệu chứng nghi ngờ. Khi cần thiết phải đưa người bệnh đến khám, điều trị và cách ly tại ở các bệnh viện, nhất là khi đã có chẩn đoán bằng các xét nghiệm. Điều quan trọng nhất là phải kịp thời phát hiện, điều trị sớm và đúng cách, tránh các biến chứng và tử vong.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh bạch hầu tại huyện Krông Nô cơ bản đã được kiểm soát, khống chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO