Ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát thuốc

Vũ Trang thực hiện| 05/10/2018 09:36

Từ tháng 10/2018, Sở Y tế Đắk Nông bắt đầu triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối cơ sở cung ứng thuốc nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát thuốc trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế

PV: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Hà Văn Hùng: Những năm gần đây, mạng lưới kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 4 công ty dược, khoảng 40 nhà thuốc, 217 quầy thuốc và 375 đại lý thuốc, hoạt động rộng khắp đến tận vùng sâu, vùng xa. Mạng lưới đã cung ứng khá đầy đủ nguồn thuốc, vật tư y tế cho các cơ sở y tế và người dân.

Mặc dù phát triển về số lượng, song hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điều phải bàn. Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh dẫn đến nguy cơ kháng sinh ngày càng trở nên đáng báo động. Việc mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường vẫn còn diễn ra… Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc kiểm soát, quản lý tình trạng này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã triển khai Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017- 2020” và xây dựng hệ thống CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc. Sau khi triển khai thí điểm tại 4 tỉnh gồm: Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, đến nay, cả nước đã có 25 tỉnh, thành phố tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Từ tháng 10/2018, tỉnh Đắk Nông cũng bắt đầu triển khai hệ thống này trên địa bàn tỉnh.

PV: Người dân sẽ được hưởng lợi gì từ việc ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc, thưa ông?

Ông Hà Văn Hùng: Hệ thống ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc bao gồm: Hệ thống quản lý nhà thuốc; Cơ sở dữ liệu dược quốc gia; Cổng tra cứu trên web và Ứng dụng tra cứu thuốc trên di động cho người dân. Theo đó, việc triển khai hệ thống sẽ giúp cơ quan chức năng có thêm dữ liệu để quản lý thuốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc. Các cơ sở bán thuốc sẽ có thêm công cụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Cụ thể, hệ thống sẽ giúp các cơ sở bán thuốc tin học hóa toàn bộ hoạt động quản lý bán hàng, kho, hóa đơn điện tử, doanh thu, quản lý triệt để hoạt động của nhân viên, tránh thất thoát hàng hóa, giảm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả hoạt động.

Đặc biệt, người dân cũng được hưởng lợi nhiều, bởi có thể thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, công dụng, hạn sử dụng của từng loại thuốc… và cũng có thể so sánh giá của các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn.

ADQuảng cáo

PV: Quá trình triển khai tại tỉnh Đắk Nông có gặp những khó khăn gì không, thưa ông?

Ông Hà Văn Hùng: Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, việc triển khai ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh sẽ gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Cụ thể, số lượng các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh lớn, nhiều cơ sở ở vùng sâu, vùng xa. Trình độ sử dụng công nghệ thông tin, tiếp nhận thông tin thuốc của nhiều cơ sở kinh doanh còn hạn chế, chưa đồng đều. Một số cơ sở chưa có đường truyền internet, chưa có máy tính để kết nối.

Việc ứng dụng CNTT làm tăng thêm chi phí trong quá trình kinh doanh, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ nên một số cơ sở chưa có thiện chí thực hiện. Việc duy trì sử dụng phần mềm quản lý nhà thuốc sau khi cài đặt, việc cập nhật đầy đủ danh mục thuốc tại các nhà thuốc khó kiểm soát…

Ngành Y tế phối hợp với Chi nhánh Viettel Đắk Nông tập huấn sử dụng phần mềm quản lý nhà thuốc PMS cho các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh

PV: Thưa ông, ngành Y tế sẽ tổ chức thực hiện như thế nào để hệ thống được triển khai có hiệu quả?  

Ông Hà Văn Hùng: Để triển khai hiệu quả việc ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch một cách chi tiết, cụ thể. Theo đó, ngành đang phối hợp với Chi nhánh Viettel Đắk Nông tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng mạng, tư vấn, lắp đặt đường truyền kết nối internet tại các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn.

Việc tập huấn sử dụng phần mềm quản lý nhà thuốc PMS cũng được tăng cường nhằm bảo đảm 100% các cơ sở cung ứng thuốc sử dụng thành thạo phần mềm. Trước mắt, phần mềm và đường truyền internet sẽ do Chi nhánh Viettel Đắk Nông cung cấp và cơ sở bán lẻ thuốc phải trả tiền. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, các cơ sở có quyền lựa chọn nhà cung cấp khác nếu thấy tiện ích và giá cả phù hợp.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là phải bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của các cơ sở cung ứng thuốc. Điều quan trọng là công tác thông tin, tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dược đối với việc thực hiện kết nối cũng như nhận thức của người dân trong việc sử dụng, tra cứu thông tin thuốc, thực hiện việc kê đơn, mua bán và sử dụng thuốc theo đơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát thuốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO