Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong tăng cường phòng, chống, khống chế dịch sốt xuất huyết

Ngô Đồng| 05/11/2019 09:25

Theo Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong (Đắk Nông), tính từ tháng 4/2019 đến nay trên địa bàn huyện có 672 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, xã Quảng Sơn là địa bàn có số người mắc SXH nhiều nhất, với 463 trường hợp.

ADQuảng cáo

Trung bình mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận khoảng 6 lượt bệnh nhân SXH đến khám và điều trị, lúc cao điểm có khi lên đến 10 -15 lượt.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong thăm khám cho trẻ bị SXH đang điều trị

Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong đứng chân trên địa bàn xã Quảng Khê chịu trách nhiệm tiếp nhận và điều trị cho cả những bệnh nhân tại các xã trong toàn huyện. Anh K’Bình, trú tại xã Đắk Som được đưa đến Trung tâm trong tình trạng sốt cao, tiểu cầu giảm, huyết áp thấp rất nguy hiểm. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã điều trị tích cực, giúp anh dần hồi phục sức khỏe.

Anh K’ Bình tâm sự: Nghi mình bị SXH nhưng vì đi đường khó khăn vất vả nên tôi chủ quan ở nhà tự mua thuốc điều trị nên bệnh không khỏi mà còn nặng thêm. May mà ra nhập viện kịp thời, nhờ các bác sĩ điều trị, không thì nguy mất.

ADQuảng cáo

Bà Thị Sen, trú tại thôn 2, xã Đắk R’măng cho biết: Tôi đã điều trị SXH ở đây 4 ngày và thấy đỡ nhiều rồi. Bác sĩ rất nhiệt tình, chu đáo chăm sóc, hướng dẫn người bệnh trong quá trình điều trị sao cho nhanh khỏi bệnh.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong, trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, với trách nhiệm của mình, Trung tâm đã tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện, điều trị kịp thời cho các trường hợp mắc bệnh. Các hoạt động giám sát dịch tễ, véc tơ truyền bệnh, yếu tố nguy cơ được tăng cường nhằm phát hiện, khoanh vùng, phun hóa chất. Qua đó, Trung tâm đã xử lý được 20 ổ dịch SXH cũng như đẩy mạnh triển khai chiến dịch diệt loăng quăng tại tất cả các thôn, bon. Tính đến thời điểm này, Trung tâm đã khống chế được hầu hết các ổ dịch, chỉ còn 2 ổ dịch nhưng tình trạng SXH xem ra vẫn đáng báo động so với năm trước.

Nguyên nhân một phần lớn là do người dân còn chủ quan, lơ là với dịch SXH, không có biện pháp diệt muỗi, loăng quăng, thậm chí nhiều người ngủ còn không mắc màn. Một số người dân đến khi bị SXH rồi vẫn chủ quan ở nhà mua thuốc tự điều trị, không có biện pháp cách ly, dẫn đến lây bệnh cho cả gia đình và người dân sinh sống xung quanh.

Cũng theo bác sĩ Huynh, dịch SXH lây lan nhanh và nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng, chống được thông qua việc tiêu diệt mầm bệnh, muỗi truyền bệnh và thực hiện nếp sống vệ sinh. Vì vậy, quan trọng nhất, ngoài trách nhiệm của cơ sở y tế, các địa phương, đoàn thể cũng cần góp sức đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp tổ chức vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu, không để cho muỗi truyền bệnh SXH có nơi cư trú, sinh sản. Về phía người dân cần áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy như thau rửa dụng cụ chứa nước, đậy nắp bể, thả cá vào các dụng cụ chứa nước, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh.

Các hộ gia đình, các cơ quan, trường học cũng cần phải có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để chiến dịch vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi đạt hiệu quả. Quan trọng nhất, người dân khi có những triệu chứng mắc SXH phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị sớm nhất, không tự ý điều trị tại nhà nhằm giảm bớt gánh nặng cho cơ sở y tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong tăng cường phòng, chống, khống chế dịch sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO