Trẻ em mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có xu hướng tăng

Vũ Trang| 23/12/2015 09:31

Theo đánh giá của ngành Y tế, trong những năm gần đây, do tác động của các yếu tố nguy cơ thuộc về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu..., nên số lượng trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính đang có xu hướng tăng theo từng năm.

ADQuảng cáo

Trong năm 2015, tổng số trẻ mắc mới toàn tỉnh là 28.026 trẻ, tăng 5% so với năm 2014; trong đó, trẻ mắc các bệnh về tai mũi họng chiếm hơn 23.500 ca. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh, số lượng trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính luôn chiếm 50-60% tổng số trẻ đến khám và điều trị.

Trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế ngày càng tăng

Đáng chú ý, trong khi số ca bệnh ngày càng gia tăng thì sự hiểu biết về dấu hiệu, xử trí nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính của bà mẹ có con dưới 5 tuổi còn hạn chế. Nhiều phụ huynh không biết phát hiện dấu hiệu của bệnh nên chuyển đến cơ sở y tế khi bệnh của trẻ đã nặng. Thêm vào đó, tình trạng lạm dụng kháng sinh đang diễn ra khá phổ biến.

Chị Trần Thị Bích Phương ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) có con trai hơn 3 tuổi đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, con chị nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật, thở khò khè, kết quả khám, xét nghiệm cho thấy cháu bị viêm phổi. Theo chị Phương thì khi thấy con bị ho, chị đã đến hiệu thuốc tây tự mua thuốc về cho con uống nhưng không khỏi. Sau 1 tuần, bé ho nhiều hơn, thở khò khè, gia đình đưa con đến bệnh viện khám mới biết cháu đã bị viêm phổi.

Tương tự, do chủ quan nên mỗi khi thấy con có dấu hiệu ho, sổ mũi là chị Phạm Thị Oanh ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) lại đến hiệu thuốc tây mua thuốc cho con uống. Dần dần, chị nhận thấy, con mình thường xuyên bị bệnh hơn, uống thuốc cũng dài ngày hơn. Mới đây, sau nhiều ngày uống thuốc mà bệnh của con không khỏi, chị mới đưa con đến bệnh viện khám mới biết bị viêm phổi nặng.

ADQuảng cáo

Theo các bác sĩ chuyên khoa thì các triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính khá đa dạng và ở nhiều mức độ khác nhau; trong đó, ho là triệu chứng hay gặp nhất. Đa số trẻ bị ho kèm theo sốt, chảy nước mũi là do bị viêm đường hô hấp trên thường do siêu vi đường hô hấp gây nên. Trẻ có thể khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần mà không phải dùng kháng sinh.

Một số trẻ có thể bị viêm phổi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có biến chứng như: suy hô hấp, tràn dịch mủ màng phổi... Ngoài ra, đối với những trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh còn có thể gặp biến chứng nhiễm trùng máu do sức đề kháng còn quá kém. Việc để xảy ra biến chứng rất nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng rất nặng nề cho trẻ.

Với mục đích nâng cao hiểu biết cho các bà mẹ về cách phát hiện, chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, ngành Y tế đã triển khai chương trình phòng, chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em (ARI). Tuy nhiên, do một số nguyên nhân như cán bộ chuyên trách chương trình ở tuyến cơ sở thiếu, sự luân chuyển cán bộ, kinh phí hạn hẹp... nên việc triển khai các hoạt động của chương trình còn nhiều khó khăn.

Để chương trình được triển khai ngày càng hiệu quả, trước mắt ngành đang xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác ARI từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn về kiến thức chuyên môn, quản lý cũng như kỹ năng giám sát truyền thông.

Ngoài ra, ngành tập trung duy trì hệ thống cung cấp thuốc và giám sát chặt chẽ chất lượng thuốc để bảo đảm đủ thuốc thiết yếu cho tuyến cơ sở xử trí trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, ưu tiên những vùng khó khăn, có độ lưu hành bệnh cao. Ngoài ra, ngành cũng tranh thủ các nguồn lực để đầu tư mua sắm trang thiết bị, nhất là các trang bị cấp cứu cho tuyến huyện và các phương tiện chẩn đoán, xử trí viêm phổi cho tuyến xã để quản lý những trường hợp không cần chuyển lên tuyến trên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ em mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có xu hướng tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO