Tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh lao: Vẫn còn nhiều việc phải làm

Vũ Trang| 14/06/2018 10:11

Với việc triển khai tích cực nhiều giải pháp, công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, để đạt mục tiêu loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng cần phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả cộng đồng.

ADQuảng cáo

Nhân viên y tế tư vấn cho người dân cách phòng, chống bệnh lao tại Trạm Y tế thị trấn Ea T'ling (Chư Jút)

Phát hiện, điều trị sớm để tránh lây lan

Hơn 5 tháng trước, chị N.T.C. ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) thường xuyên bị mệt mỏi, chán ăn, sốt về chiều và đi khám bệnh thì biết mình bị bệnh lao. Từ đó, hàng ngày, chị C. đều đặn đến trạm y tế xã lấy thuốc uống đúng giờ, đúng hẹn. Hàng tháng, chị lại đến trung tâm y tế xét nghiệm lại một lần để theo dõi tiến triển của bệnh. Toàn bộ thuốc và chi phí xét nghiệm của chị được miễn phí hoàn toàn theo chương trình phòng, chống lao quốc gia.

Chị C. cho biết: “Sau hơn 5 tháng được phát hiện, điều trị bệnh, tôi đã cảm thấy khỏe hơn nhiều, ăn ngủ được, sức khỏe ổn định. Theo tư vấn của các bác sĩ, tôi chỉ cần điều trị khoảng 1 tháng nữa là có thể dừng thuốc”.

Tương tự, ông H. X. N. ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) được các bác sĩ phát hiện mắc bệnh lao trong một lần đi khám sàng lọc tại cộng đồng và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị.

Ông N. cho biết: “Lúc mới biết mình bị mắc bệnh lao, tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, trong thời gian điều trị, tôi đã được bác sĩ động viên, tư vấn, giải thích, nên đã nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh và tích cực hơn trong việc phối hợp điều trị, luôn bảo đảm lộ trình, dùng thuốc đúng, đủ liều, uống vào một giờ nhất định, uống liên tục hàng ngày và kiểm tra định kỳ theo lịch hẹn…Đến nay, sức khỏe của tôi đã trở lại bình thường”.

Thực tế hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh lao hiện không còn là một trong “tứ chứng nan y” như quan niệm trước đây. Nhiều bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh đã được điều trị khỏi, sự gia tăng của bệnh lao cũng được khống chế.

Bác sĩ Trần Thị Vân Anh, Trưởng khoa Lao (Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh) cho biết: “Bệnh lao là bệnh dễ lây lan trong cộng đồng, nên việc phát hiện sớm bệnh nhân lao để quản lý, điều trị dứt điểm rất quan trọng. Những năm qua, mạng lưới phòng, chống lao trên địa bàn đã được duy trì hoạt động hiệu quả, nền nếp ở tất cả các tuyến”.

Theo thống kê, đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 308 bệnh nhân lao các thể được phát hiện, thu nhận và điều trị. Hàng quý, Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh đều phân phối thuốc và các vật tư y tế cần thiết để bảo đảm việc điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, hiện nay, các trung tâm y tế đều đã có phòng xét nghiệm riêng nên các hoạt động xét nghiệm được thực hiện đúng quy định và luôn duy trì thường xuyên.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

ADQuảng cáo

Mặc dù công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng hiện nay, nhiều nguồn lây nhiễm bệnh lao vẫn còn tiềm ẩn trong cộng đồng. Hàng năm, số lượng bệnh nhân lao thống kê được chỉ chiếm khoảng 70-80% số lượng người mắc bệnh trong thực tế. Sở dĩ như vậy là do sự hiểu biết của người dân về bệnh còn hạn chế, cộng với tâm lý e ngại, sợ kỳ thị nên nhiều bệnh nhân không dám đến các cơ sở y tế để khám, điều trị. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác xác định nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

Cũng xuất phát từ việc nhận thức chưa đầy đủ về bệnh lao nên không ít bệnh nhân đã tự ý bỏ điều trị giữa chừng hoặc điều trị không đúng phác đồ về thời gian hoặc liều lượng. Đây là nguyên nhân chính làm xuất hiện các vi khuẩn lao đa kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác phòng, chống lao trên địa bàn.

Một khó khăn nữa là hiện nay, nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động của Chương trình phòng, chống lao ngày càng bị cắt giảm, dẫn đến các hoạt động truyền thông phòng, chống lao hiện không được duy trì thường xuyên.

Thực tế, các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh lao chủ yếu chỉ tập trung trong chiến dịch truyền thông nhân Ngày thế giới phòng chống lao (24/3) và phát tờ rơi tuyên truyền tại các cơ sở y tế. Chính vì vậy, số lượng người dân được tiếp cận với các thông tin về phòng, chống bệnh lao cũng giảm sút. Số lượng người được khám, phát hiện bệnh lao trên địa bàn chưa cao.

Ngoài ra, tình trạng “khoán trắng” công tác phòng, chống bệnh lao cho ngành Y tế cũng như đội ngũ bác sĩ chuyên khoa còn ít, cán bộ chuyên trách tại tuyến cơ sở lại thường xuyên thay đổi… cũng tác động không nhỏ đến việc tầm soát và loại trừ bệnh lao theo mục tiêu đề ra của chương trình phòng, chống lao quốc gia được triển khai tại tỉnh Đắk Nông.

Tuyên truyền về phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng

Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Chiến lược Phòng, chống bệnh lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131/100.000 người; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10/100.000 người; khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Đến năm 2030 sẽ tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh lao.

Theo Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh, hiện nay, Trung tâm vẫn đang tiếp tục tập trung nhiều nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống lao. Trước mắt, Trung tâm ưu tiên thực hiện các giải pháp như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; giám sát bệnh tại cộng đồng; duy trì, mở rộng chương trình hóa điều trị ngắn ngày với quản lý điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS)... Đặc biệt, công tác truyền thông về phòng, chống bệnh lao sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là ở những địa phương có tỷ lệ phát hiện bệnh thấp.

Tuy nhiên, cùng với quyết tâm của ngành Y tế, điều quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Có như vậy, công tác phòng, chống lao trên địa bàn mới thực sự đạt kết quả bền vững, góp phần thực hiện tốt mục tiêu Chiến lược phòng, chống lao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh lao: Vẫn còn nhiều việc phải làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO