Tiêm vắc xin để phòng chống bệnh sởi

Nhật Minh| 05/12/2019 09:08

Hiện nay, toàn quốc đã có 59/63 tỉnh, thành ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi. Đối tượng mắc tập trung chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, tuy nhiên, hiện nay cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc sởi ở người lớn; trong tổng số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% bệnh nhân có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi.

ADQuảng cáo

Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại các địa phương vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp và những vùng đô thị có biến động lớn về dân cư.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, tính đến ngày 20/11, toàn tỉnh ghi nhận 939 ca mắc sởi, tăng 936 ca so với cùng kỳ năm 2018. Số ca mắc tập trung cao tại các huyện như Tuy Đức 269 ca, Cư Jút 241 ca, Krông Nô 161 ca, Đắk Mil 65 ca, Đắk R’lấp 61 ca, những ca mắc còn lại nằm rải rác tại các xã thuộc huyện Đắk Song (36 ca) và thị xã Gia Nghĩa (32 ca).

Tình hình mắc bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang diễn biến ngày càng phức tạp, số ca mắc dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân, do nhận thức của một số bộ phận người dân còn e dè, lo ngại không đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin dẫn đến tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ không được bao phủ 100%. Đặc biệt, tại một số địa phương xuất hiện “vùng lõm” tiêm chủng, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh sởi tại cộng đồng. Đồng thời, việc dân di cư biến động cũng dẫn đến bỏ sót một số đối tượng trẻ nhỏ trong độ tuổi được tiêm phòng vắc xin sởi.

ADQuảng cáo

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể bùng phát thành dịch và lây lan trên diện rộng. Bệnh sởi cũng là nguyên nhân dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ, đặc biệt, trẻ dưới 5 tuổi. Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi như sốt cao, ho, hắt hơi, phát ban ở đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân.

Sau khi mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, bệnh nhân dễ bị một số biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ suy dinh dưỡng, trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải. Đối với phụ nữ nếu mắc bệnh sởi trong quá trình mang thai có thể gây sẩy thai, đẻ non.

Vì vậy, để phòng, chống bệnh sởi và giảm số ca mắc trên địa bàn tỉnh, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là tiêm phòng vắc xin sởi. Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin sởi. Mũi thứ nhất được tiêm phòng khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi thì tỷ lệ bảo vệ phòng tránh bệnh sởi cho trẻ sẽ đạt 90 – 95%. Đối với những trường hợp phát hiện ca mắc sởi cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời; đồng thời, thực hiện vệ sinh môi trường sạch sẽ, thông thoáng tránh để bệnh lây lan và bùng phát thành dịch tại cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêm vắc xin để phòng chống bệnh sởi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO