Tập trung nguồn lực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân

Bài, ảnh: Vũ Trang| 30/12/2018 10:12

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong năm 2018, ngành Y tế đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới toàn diện hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong giai đoạn mới.

ADQuảng cáo

Hoàn thiện hệ thống y tế tuyến tỉnh

Đầu tháng 11/2018, sau một thời gian chuẩn bị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 trung tâm trực thuộc Sở Y tế gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội.

Đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tập trung ổn định tổ chức bộ máy, sắp xếp và phân công lại nhiệm vụ cho cán bộ, viên chức và người lao động phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ đã được đào tạo, nhằm phát huy thế mạnh của mỗi người trong công tác y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh.

Việc sắp xếp, đổi mới toàn diện hệ thống y tế góp phần khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ trong các cơ sở điều trị. Ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk R'lấp thực hiện siêu âm cho bệnh nhân

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Việc các đơn vị cùng chức năng sáp nhập lại sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi tiến hành các chương trình, hoạt động y tế dự phòng. Sau khi sáp nhập, hầu hết các khoa, phòng đặc thù của mỗi đơn vị được giữ lại để làm đúng chức năng từ trước tới nay. Đối với các bộ phận khác như kế hoạch, kế toán... thì gộp chung. Như thế bộ máy sẽ gọn nhẹ hơn nhiều”.

Cũng theo bác sĩ Thành, việc sáp nhập các trung tâm tuyến tỉnh có cùng chức năng dự phòng là một thay đổi lớn, phù hợp với xu hướng hội nhập trong khu vực và quốc tế. Tuy bước đầu còn nhiều khó khăn, song đơn vị sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, cung cấp dịch vụ y tế cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, ngành Y tế cũng tiến hành chuyển giao chức năng, nhiệm vụ hệ điều trị của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội về Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở

Trong năm 2018, ngành Y tế tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc thành lập và đưa vào vận hành hoạt động của các Trung tâm Y tế tuyến (TTYT) huyện để thực hiện song song hai nhiệm vụ điều trị và dự phòng. Trên cơ sở sáp nhập bệnh viện đa khoa huyện, trung tâm y tế huyện và trung tâm dân số-kế hoạch hóa gia đình huyện, mô hình TTYT mới đã khắc phục được những bất cập trong hoạt động trước đó.

ADQuảng cáo

Tuy Đức là địa phương đầu tiên thực hiện sáp nhập các cơ sở y tế tuyến huyện. Với mô hình hoạt động mới, TTYT huyện có 2 phòng và 9 khoa. Đội ngũ cán bộ, viên chức của đơn vị từng bước được sắp xếp, bố trí công việc phù hợp theo năng lực, trình độ chuyên môn.

Bác sĩ Đỗ Ngọc Ảnh, Giám đốc TTYT huyện Tuy Đức cho biết: “Ưu điểm lớn nhất sau khi sáp nhập không chỉ là tinh gọn bộ máy, mà quan trọng hơn là thống nhất trong công tác quản lý, chỉ đạo. TTYT huyện hoàn toàn có thể chủ động, linh hoạt trong công tác điều động nhân viên, phương tiện, ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh hoặc công tác dự phòng trong những thời điểm nhất định”.

Tương tự, tại huyện Đắk R’lấp, sau khi sáp nhập các đơn vị, bộ máy y tế cơ sở đã giảm được khá nhiều đầu mối. Đáng nói hơn, việc sáp nhập đã giúp cho mảng dự phòng và điều trị được quản lý, chỉ đạo phối hợp thực hiện đan xen, bổ trợ nhau, mang lại hiệu quả cao hơn.

Theo bác sĩ Phạm Khánh Tùng, Giám đốc TTYT huyện Đắk R’lấp, sau khi sáp nhập, TTYT huyện đã tăng cường thêm 10 bác sĩ cho công tác khám, chữa bệnh và thành lập thêm phòng quản lý bệnh mạn tính. Đây không chỉ là nơi tiếp nhận điều trị, quản lý cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính mà còn là môi trường để hỗ trợ, đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ y tế công tác tại các trạm y tế xã, thị trấn, góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở tại địa phương.

Bác sĩ Sử Tuyết Anh ở TTYT huyện Đắk R’lấp chia sẻ: “Trước khi sáp nhập, tôi và các cán bộ, nhân viên không khỏi băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, sau một thời gian sáp nhập, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo mô hình mới, hầu hết đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ đều được sắp xếp lại theo trình độ chuyên môn được đào tạo, bảo đảm phù hợp với công việc, vị trí việc làm, không phân biệt điều trị hay dự phòng. Đây là điều làm cho cán bộ, viên chức cảm thấy yên tâm, phấn khởi, thực hiện nhiệm vụ với ý thức, trách nhiệm cao hơn”.

Theo đánh giá của Sở Y tế, việc sắp xếp, đổi mới hệ thống y tế không chỉ giảm các bộ phận không cần thiết, tinh gọn bộ máy, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ mà còn tăng cường lực lượng chuyên môn để phục vụ hiệu quả hơn công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Cụ thể, sau khi sắp xếp, sáp nhập, toàn ngành đã giảm từ 28 đơn vị đầu mối xuống còn 9 đơn vị; số phòng chức năng giảm từ 63 phòng còn 38 phòng; số khoa chuyên môn giảm từ 110 khoa còn 88 khoa. Ngoài ra, ngành cũng giảm được 34 vị trí giám đốc, phó giám đốc, 43 người làm hành chính-kế toán, 17 văn thư-lưu trữ…

Hiệu quả lâu dài, bền vững

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ưu điểm của việc sáp nhập là tập trung được nguồn lực, trang thiết bị, nguồn kinh phí, tiết kiệm cho việc chi thường xuyên và biên chế cho ngành. Đặc biệt, đối với tuyến huyện, ngành Y tế giảm được số lượng bác sĩ trước đây làm quản lý để tập trung cho công tác chuyên môn, khắc phục phần nào tình trạng thiếu bác sĩ trong các cơ sở điều trị. Bên cạnh đó, khi có dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm. việc điều phối công việc có phần thuận tiện hơn”.

Trong thực tế triển khai, đổi mới tổ chức bộ máy là việc rất phức tạp, liên quan trực tiếp đến việc làm, đời sống và nhất là tâm tư của từng cán bộ, viên chức, người lao động. Do đó, lãnh đạo ngành Y tế đã thực hiện tốt việc làm công tác tư tưởng và bảo đảm quyền lợi, chế độ cho cán bộ, viên chức theo đúng quy định. Cùng với đó, ngành cũng chú trọng công tác tuyên truyền đến công chức, viên chức về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy vai trò trách nhiệm của đảng viên trong từng chi bộ. Nhờ đó, tổ chức bộ máy các đơn vị không có nhiều xáo trộn và cán bộ, viên chức, người lao động cũng yên tâm công tác ở vị trí mới.

Có thể nói, dẫu còn nhiều bộn bề, trăn trở nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, ngành Y tế tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để từng bước điều chỉnh, khắc phục khó khăn trong từng giai đoạn cụ thể trên cơ sở dân chủ, công khai, minh bạch nhằm thực hiện tốt mục tiêu đề ra cả về trước mắt và lâu dài, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung nguồn lực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO