Tạo được nguồn lực đủ mạnh để từng bước nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng

Vũ Trang thực hiện| 11/01/2019 09:34

Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, hiện nay, Sở Y tế Đắk Nông đã tiến hành sắp xếp, thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở sáp nhập 5 trung tâm trực thuộc. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với Ths-Bs Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xung quanh việc tổ chức hoạt động theo mô hình mới này.

ADQuảng cáo

Ths-Bs Đặng Thành

PV: Việc sáp nhập các trung tâm cùng chức năng thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mang lại những lợi ích gì, thưa ông?

Ths. Bs Đặng Thành: Lâu nay, tại tỉnh Đắk Nông cũng như các địa phương khác trong cả nước, tuyến tỉnh có nhiều đơn vị y tế dự phòng làm đầu mối về kiểm soát, phòng, chống bệnh tật tại cộng đồng, dẫn đến trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 trung tâm trực thuộc Sở Y tế gồm: Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội.

Việc thành lập Trung tâm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý ngành ở địa phương cũng như yêu cầu về tinh giản tổ chức, bộ máy biên chế của tỉnh. Cụ thể, sau sáp nhập, đầu mối lãnh đạo, chỉ đạo được tập trung về một mối, qua đó tinh gọn bộ máy, giảm các vị trí việc làm chưa phù hợp, tập trung được nguồn lực và giảm sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ phận, hướng tới xây dựng một hệ thống kiểm soát bệnh tật thống nhất, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh.

PV: Sau khi sáp nhập, bộ máy được sắp xếp, tinh gọn như thế nào?

Ths. Bs  Đặng Thành: Việc sáp nhập, thành lập Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh giúp ngành Y tế tiết kiệm được nhân lực trong công tác hành chính và đối tượng hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ do giảm cơ sở làm việc. Cụ thể, trước đây, mỗi trung tâm cũ có từ 5-7 khoa chuyên môn thì hiện nay đã được gộp lại thành 12 khoa. Số phòng chức năng cũng giảm từ 10 phòng còn 3 phòng.

Thực tế, số cán bộ, nhân viên công tác tại các khoa chuyên môn cơ bản không có nhiều thay đổi. Sự thay đổi lớn nhất là cán bộ, nhân viên ở các bộ phận hỗ trợ, gián tiếp như: Tài chính, kế hoạch, hành chính, tổ chức... Đối với những cán bộ, nhân viên làm ở các phòng chức năng có trình độ chuyên môn y, dược đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm đều được bố trí, tăng cường qua làm công tác chuyên môn.

ADQuảng cáo

PV: Việc giảm đầu mối có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của hệ thống y tế dự phòng không, thưa ông?

Ths. Bs  Đặng Thành: Mục tiêu của việc sắp xếp, sáp nhập là tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động. Hiện nay, mô hình dịch tễ đang có xu hướng thay đổi. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng đang ở mức cao và ngày càng tăng. Vì vậy, ngành Y tế rất trăn trở hiệu quả hoạt động của công tác y tế dự phòng, nhất là giữa yêu cầu thực tiễn và khả năng đáp ứng về nguồn lực. Việc sáp nhập, thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực sự đã tạo được nguồn lực đủ mạnh để từng bước nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành sắp xếp, bố trí nhân lực phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ

PV: Thời gian tới, Trung tâm có những định hướng gì để nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân?

Ths. Bs  Đặng Thành: Giai đoạn đầu sáp nhập, việc thay đổi từ cách quản lý, điều hành đơn vị nhỏ, chuyên sâu một vài lĩnh vực sang đơn vị lớn, điều hành tổng thể có thể sẽ lúng túng. Một số nhiệm vụ thực hiện lồng ghép nên gặp nhiều trở ngại. Do đó, thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung triển khai một số biện pháp về sắp xếp, bố trí nhân lực, trong đó chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động.

Đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, luân chuyển các vị trí chuyên môn để trau dồi kỹ năng, rèn luyện tay nghề thích ứng với nhiều vị trí công tác khác nhau, nhằm đáp ứng với mọi công việc của hệ y tế dự phòng trong giai đoạn hiện nay. Về lâu dài, đơn vị sẽ tranh thủ các nguồn lực để đầu tư máy móc, trang thiết bị, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về làm việc để từng bước mở rộng các dịch vụ y tế nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo được nguồn lực đủ mạnh để từng bước nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO