Phòng ngừa ung thư cổ tử cung, nâng cao chất lượng cuộc sống phụ nữ

Ngô Đồng| 06/04/2020 06:20

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, có khoảng 4.200 người mắc mới và hơn 2.400 người tử vong vì ung thư cổ tử cung. Đây là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Nhưng phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, thực sự là một thực trạng rất đáng báo động ở Việt Nam hiện nay.

ADQuảng cáo

Theo bác sĩ H’Vinh Niê, Phó Giám Đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vi rút HPV là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung với tỷ lệ trên 95% và xâm nhập lây truyền qua đường tình dục và ngoài đường tình dục. Ngoài ra, những đồ dùng như đồ lót, găng phẫu thuật... cũng là những vật lây truyền. Vì vậy, tất cả mọi phụ nữ đang có sinh hoạt tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV và người mẹ cũng có thể lây vi rút  HPV cho con lúc sinh nở.

Khám sàng lọc, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ

Bác sĩ H’Vinh cũng khuyến nghị, phụ nữ nên đi khám khi thấy một số dấu hiệu như ra máu âm đạo bất thường, ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu hay đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu. Kinh nguyệt kéo dài, không đều, mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân…

ADQuảng cáo

Bác sĩ Phạm Thị Thu Huyền, Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) chia sẻ: "Bệnh ung thư cổ tử cung của phụ nữ là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất cần thiết, giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro, giảm thời gian điều trị, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn chị em lại thường nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn trong việc điều trị cũng như dễ để lại nhiều biến chứng, thậm chí gây tử vong.

Theo các bác sĩ chuyên khoa khám sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao. Phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sĩ. Với những trẻ em gái nên tiêm phòng vắc xin phòng HPV; đồng thời, quan hệ tình dục an toàn và sàng lọc sớm khi có các triệu chứng bệnh.

Mới đây, với mục đích nâng cao việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, Bộ Y tế đã đưa dự phòng ung thư cổ tử cung là một trong những nội dung triển khai thuộc Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030 (Đề án 818 mở rộng) và Dự án thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp sản phẩm, dịch vụ dự phòng và sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu của dự án là hướng tới ít nhất 90% người dân có nhu cầu được cung cấp kiến thức về nguy cơ và dự phòng ung thư cổ tử cung và ít nhất 30% phụ nữ từ 30-54 tuổi có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ sàng lọc, dự phòng ung thư cổ tử cung phù hợp với khả năng chi trả theo phân khúc thị trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung, nâng cao chất lượng cuộc sống phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO