Phòng, chống sốt xuất huyết ở Đắk R'lấp: Người dân còn chủ quan, lơ là

Vũ Trang| 08/06/2016 09:49

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp, tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện ghi nhận có 66 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng gần 97% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã Nghĩa Thắng, Kiến Thành và thị trấn Kiến Đức.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, thời gian gần đây, bình quân mỗi tuần phát hiện thêm 3-4 trường hợp mắc bệnh mới. Hiện 11/11 xã, thị trấn trên địa bàn đều có bệnh nhân mắc bệnh SXH. Điều đáng nói, trong khi bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng thì công tác phòng, chống tại địa phương lại chưa thực sự hiệu quả, người dân còn chủ quan, lơ là.

Công tác phòng, chống bệnh SXH ở Đắk R’lấp còn “khoán trắng” cho ngành  Y tế. (Ảnh: Phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn trọng điểm)

Thực tế cho thấy, ngoài các nguyên nhân như biến động dân cư, yếu tố dịch tễ, thời tiết diễn biến thất thường thích hợp cho sự phát triển của các tác nhân truyền bệnh thì ý thức chủ quan, lơ là của người dân cũng chính là yếu tố quan trọng làm cho bệnh SXH gia tăng.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, chuyên trách Chương trình phòng, chống SXH của huyện thì tại nhiều địa bàn dân cư, mọi hoạt động phòng, chống bệnh SXH gần như đều “khoán trắng” cho ngành Y tế. Người dân hầu như chưa quan tâm đến các thông tin về bệnh cũng như công tác phòng, chống bệnh hiệu quả.

Ngoài ra, một số thói quen sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân như trữ nước sinh hoạt dài ngày, không xử lý các dụng cụ phế thải, phế liệu dẫn đến tình trạng đọng nước... từ đó tạo ra môi trường để muỗi sinh sản, phát sinh ổ bọ gậy...  Khi nhân viên y tế đến thực hiện nhiệm vụ truyền thông, vận động thì hộ dân nào cũng lắng nghe, cũng đồng ý, cũng hứa sẽ tích cực diệt lăng quăng, trừ muỗi, nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy.

Về phía người dân, qua tìm hiểu thực tế tại một số địa bàn dân cư cho thấy, kiến thức về bệnh vẫn còn khá mơ hồ.

ADQuảng cáo

Chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Quảng Thuận, xã Nghĩa Thắng nói: “Tôi đi làm cả ngày, tối về lại lo chuyện con cái, nhà cửa nên không còn thời gian theo dõi thông tin về bệnh.  Gần đây, khi cán bộ y tế đến phun hóa chất diệt muỗi và nói trên địa bàn có nhiều trường hợp mắc bệnh, tôi mới nhận thấy bản thân đã quá thờ ơ với việc tìm hiểu cũng như chăm sóc sức khỏe cho gia đình”.

Không riêng chị Tuyết mà nhiều người dân khác trong huyện cũng không hề hay biết đến tình hình diễn biến của bệnh SXH. Đặc biệt, tại các khu nhà trọ tập trung đông dân cư, công tác làm vệ sinh, khơi thông cống rãnh để phòng, chống bệnh đều không được chú trọng.

Bà Lê Thu Hà, chủ một nhà trọ ở thị trấn Kiến Đức cho biết: “Cả khu nhà trọ có hơn 10 phòng với khoảng trên dưới 30 người thuê trọ, nhưng chẳng ai quan tâm đến việc dọn vệ sinh khu dân cư. Một phần do công việc ai nấy đều bận rộn, nhưng không ít người có tư tưởng coi thường căn bệnh này."

Cũng theo Trung tâm Y tế huyện, một khó khăn khác trong công tác phòng, chống bệnh SXH đó là vấn đề kinh phí. Mặc dù đã qua tháng 6, bước vào thời điểm mùa mưa, một số loại bệnh truyền nhiễm dự báo sẽ có nguy cơ tăng và dễ bùng phát thành dịch, trong đó có bệnh SXH, nhưng kinh phí bố trí cho hoạt động phòng, chống bệnh vẫn chưa có. Do chưa có kinh phí nên các hoạt động phòng, chống bệnh từ truyền thông, giáo dục sức khỏe đến giám sát, kiểm tra gần như chỉ được thực hiện cầm chừng.

Bác sĩ Tuấn cho biết thêm: “Trước đây, ở các địa bàn dân cư đều có cộng tác viên về phòng, chống bệnh SXH, nhưng gần đây, do không có kinh phí hỗ trợ nên họ đã nghỉ hết. Các hoạt động tuyên truyền đều dựa vào nhân viên y tế thôn, bon. Đội ngũ này lại phụ trách rất nhiều chương trình nên hoạt động chưa thực sự tích cực, hiệu quả”.

Để phòng, chống bệnh SXH hiệu quả, điều quan trọng nhất hiện nay là người dân phải kết hợp tốt với ngành Y tế trong việc vệ sinh môi trường, diệt trừ lăng quăng, bọ gậy và các tác nhân truyền bệnh, nhất là phải nâng cao cảnh giác với bệnh. Khi phát hiện có các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, phát ban hoặc có các biểu hiện xuất huyết dưới da, xuất huyết chân răng..., người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà nhằm tránh biến chứng nặng cũng như lây lan trong cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống sốt xuất huyết ở Đắk R'lấp: Người dân còn chủ quan, lơ là
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO