Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết: Cần tiếp tục duy trì có hiệu quả các hoạt động

Vũ Trang| 24/09/2014 10:00

Theo Sở Y tế, ngay từ đầu năm, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã chú trọng triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, bệnh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết (SXH).

ADQuảng cáo

Vì vậy, số trường hợp mắc bệnh SXH đã giảm đáng kể, qua thống kê, tính đến ngày 7/9, toàn tỉnh chỉ có 47 trường hợp mắc SXH rải rác ở các địa phương, giảm 416 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.

Cán bộ y tế huyện Đắk Glong hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường để phòng, chống bệnh SXH

Theo đó, một trong những giải pháp được chú trọng triển khai thường xuyên là tuyên truyền, vận động, giáo dục sức khỏe cho người dân ngay tại cộng đồng dân cư. Cùng với việc tăng cường truyền thông lưu động, cung cấp tờ rơi, treo panô, áp phích… thì công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp thông qua đội ngũ nhân viên y tế thôn, bon và cộng tác viên chương trình phòng, chống bệnh SXH đã được chú trọng. Đội ngũ y tế thôn, bon thường xuyên phối hợp với các đoàn thể ở địa phương lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh SXH đến tận người dân và cả cộng đồng.

Chị Võ Thị Vân ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) cho biết: “Hiện nay, thông qua nhiều “kênh” thông tin, những kiến thức về phòng, chống bệnh SXH ngày càng trở nên quen thuộc với người dân địa phương. Nhận thức được sự nguy hiểm của căn bệnh này cũng như được cán bộ y tế hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh, gia đình tôi đã thường xuyên dọn vệ sinh môi trường sống bằng việc loại bỏ các dụng cụ chứa nước không cần thiết, phát quang bụi rậm, nơi ở thông thoáng; đồng thời, dùng nhang chống muỗi, bình xịt, vợt điện để xua đuổi muỗi và ngủ màn bất kể ban ngày hay ban đêm…”.

ADQuảng cáo

Cùng với công tác truyền thông, nhiều hoạt động khác cũng được triển khai hiệu quả, nhất là công tác giám sát, xử lý môi trường. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, ngành y tế đã tổ chức được 7 đợt giám sát công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại các địa phương; 12 đợt giám sát tình hình bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu Đắk Per (Đắk Mil) và Bu Prăng (Tuy Đức); 10 đợt giám sát, điều tra các chỉ số véctơ tại các xã phường trọng điểm và nguy cơ cao trên địa bàn toàn tỉnh; 2 đợt phun hóa chất chủ động và vệ sinh môi trường phòng, chống SXH tại 6 xã trọng điểm trên địa bàn tỉnh với 118 ha và 2.744 nhà được phun; điều tra xử lý 2.342 dụng cụ chứa nước các loại và 303 ổ bọ gậy, lăng quăng…

Cũng theo Sở Y tế thì mặc dù số trường hợp mắc bệnh SXH đã giảm đáng kể, nhưng các cơ sở y tế các địa phương cũng như người dân không nên vì vậy mà chủ quan, lơ là, nhất là hiện thời tiết đang vào giữa mùa mưa, là điều kiện thuận lợi để bệnh gia tăng.

Theo đó, cùng với việc tiếp tục duy trì hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh SXH thì công tác truyền thông, giáo dục vẫn phải được ưu tiên hàng đầu, nhất là ở những địa bàn trọng điểm, có nguy cơ mắc bệnh cao. Các hoạt động giám sát chỉ số côn trùng, chỉ số bệnh nhân tại các địa phương, xử lý môi trường, phun hóa chất chủ động ở những vùng trọng điểm… cần được tiếp tục chú trọng.

Đội ngũ cán bộ y tế và nhân viên y tế thôn, bon thường xuyên bám sát địa bàn dân cư để giám sát, phát hiện kịp thời những ca bệnh mới, tránh để bệnh lây lan trong cộng đồng. Các bệnh viện, phòng khám đa khoa tăng cường lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ mắc SXH và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ.

Theo khuyến cáo của ngành y tế thì hiện nay, bệnh SXH vẫn chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, nên biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là loại trừ các tác nhân gây bệnh. Do đó, người dân cần chú ý thực hiện một số biện pháp phòng bệnh như: ngủ màn, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, san lấp ao tù, vũng nước, khơi thông dòng chảy… để diệt loăng quăng. Những trường hợp có dấu hiệu sốt cao phải đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị kịp thời, không để lây lan bệnh ra cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết: Cần tiếp tục duy trì có hiệu quả các hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO