Người dân chưa tiếp cận thông tin đầy đủ về tiêm vắc xin sởi-rubella

Vũ Trang| 17/10/2014 09:16

Thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella (MR) mở rộng đợt 1, từ ngày 7/10, Sở Y tế đã phát động, triển khai tiêm thí điểm, rút kinh nghiệm tại huyện Đắk Mil và từ ngày 15/10 triển khai tại tất cả các huyện, thị xã còn lại.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, đến nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là công tác truyền thông chưa thực sự sâu rộng nên một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn vẫn chưa tiếp cận thông tin đầy đủ về việc tiêm phòng.

Không được hướng dẫn, tư vấn kỹ nên phụ huynh lúng túng trong khi bế trẻ, gây nguy hiểm trong quá trình tiêm phòng

Đơn cử như trong đợt triển khai thí điểm tại huyện Đắk Mil, tại điểm tiêm chủng Trường Mầm non Hướng Dương, thị trấn Đắk Mil, nhiều phụ huynh không được tuyên truyền, tư vấn kỹ về tư thế bế trẻ khi tiêm nên còn lúng túng. Một số trường hợp phụ huynh để trẻ vung tay, gây nguy hiểm trong quá trình tiêm…

Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil cho rằng, để chuẩn bị cho chiến dịch, Trung tâm đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Tại các trường học, ngành phối hợp với ban giám hiệu phát giấy mời đến tận tay phụ huynh học sinh.

Đội ngũ nhân viên y tế thôn, bon cũng thông báo kế hoạch tiêm chủng đến các địa bàn dân cư, đồng thời, rà soát số lượng trẻ tại cộng đồng. Tuy nhiên, do thời gian gấp rút, kinh phí truyền thông hạn hẹp và còn chậm nên công tác thông tin, tuyên truyền vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

ADQuảng cáo

Không chỉ huyện Đắk Mil mà ngay như thị xã Gia Nghĩa, địa phương được xem là có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai chiến dịch thì đến nay, không ít người dân vẫn chưa tiếp cận được với các thông tin về việc tiêm chủng vắc xin MR.

Khi được hỏi về việc tiêm phòng, chị Đỗ Thị Tâm có con trai gần 20 tháng tuổi ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung chia sẻ: “Tôi có nghe nói về việc tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng, tại địa phương, tôi vẫn chưa nghe thông tin gì về kế hoạch tiêm như thời gian tiêm, địa điểm… Đặc biệt, tôi cũng băn khoăn vì con tôi đã được tiêm 2 mũi vắc xin sởi trước đó thì có thể tiếp tục tiêm vắc xin sởi-rubella trong đợt này không?”.

Nhiều phụ huynh có con đang học tại các trường mầm non trên địa bàn cũng còn khá mơ hồ về vấn đề này. Theo quy trình tiêm chủng, trẻ em dưới 6 tuổi đến tiêm chủng phải có người bảo hộ, nhưng nhiều phụ huynh cho biết, ngoài việc được nhà trường thông báo về lịch tiêm chủng, thì họ không hề biết trong khi tiêm chủng, trẻ phải có người bảo hộ…

Theo Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe tỉnh thì sở dĩ công tác thông tin, tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng một phần là do các địa phương còn thiếu chủ động, linh hoạt. Còn về phần kinh phí, thì tổng kinh phí được bố trí để thực hiện chiến dịch là 350 triệu đồng, trong đó, kinh phí cho công tác truyền thông là 51 triệu đồng. Nếu chia đều cho hơn 230 điểm tiêm thì mỗi điểm tiêm chỉ được bố trí hơn 200.000 đồng, chỉ đủ treo một chiếc băng rôn. Vì vậy, muốn làm tốt công tác truyền thông, các địa phương phải linh động hơn trong việc triển khai cũng như phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể.

Có thể nói, để đạt được mục tiêu của chiến dịch là có trên 95% số trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm vắc xin MR, không để sót đối tượng; 100% trẻ được tiêm vắc xin MR đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế, thì điều quan trọng trước tiên là phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về tầm quan trọng của việc tiêm chủng cũng như biết cách chăm sóc trẻ tốt sau khi tiêm.

Chiến dịch tiêm vắc xin MR mới bước vào giai đoạn đầu, còn nhiều vấn đề khó lường có thể xảy ra. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là ngành Y tế cần xây dựng kế hoạch truyền thông một cách chủ động, tích cực, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân chưa tiếp cận thông tin đầy đủ về tiêm vắc xin sởi-rubella
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO