Nâng cao nhận thức, tập trung phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh

Ngô Đồng| 25/11/2019 11:03

Trước tình hình dịch bệnh dự báo tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp trong thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 575/KH-UBND ngày 15/11, với việc chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường các hoạt động, biện pháp để kịp thời khống chế dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra.

ADQuảng cáo

Số ca mắc bệnh truyền nhiễm tăng đột biến

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận có 23/43 bệnh truyền nhiễm xuất hiện, với 8.566 ca mắc; trong đó, có 2 trường hợp tử vong (1 trường hợp uốn ván sơ sinh và 1 trường hợp sốt xuất huyết). So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc tăng 5.080 ca; tử vong tăng 2 trường hợp. Số ca mắc tập trung chủ yếu vào bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue (tăng 4315 ca), sởi tăng 937 ca, thủy đậu tăng 16 ca.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho bệnh nhân mắc SXH

Đáng chú ý nhất là bệnh SXH tăng đột biến trên diện rộng, với 4.545 ca mắc tại 71/71 xã, phường, thị trấn. Tổng cộng có 146 ổ dịch SXH xảy ra tại 40 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc SXH tăng 18,34 lần. Tình hình mắc SXH trên địa bàn tỉnh năm 2019 khá nặng nề, với tỷ lệ 704,21 người/100.000 dân. So với trung bình giai đoạn 2011-2015, số mắc/100.000 dân tăng gấp 10,5 lần. Hiện tại số ca mắc SXH có xu hướng giảm nhưng số ổ dịnh đang hoạt động vẫn còn cao (62 ổ dịch), nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiếp tục kéo dài và lan rộng.

Qua đó cho thấy, mặc dù toàn tỉnh đã tăng cường các công tác, hoạt động phòng, chống nhưng trong năm 2019, tình hình dịch bệnh trên toàn tỉnh diễn biến phức tạp. Ngoài một số bệnh đã được dự phòng bằng vắc xin nhưng vẫn mắc rải rác như ho gà, uốn ván sơ sinh, sởi, viêm não Nhật Bản, các bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, liên cầu lợn cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập và bùng phát, đe dọa đến sức khỏe người dân trên địa bàn.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, ngành chức năng thì với diễn biến thời tiết thất thường cũng như công tác tiêm chủng mở rộng còn đạt thấp ở một số địa phương, dự báo trong những tháng tiếp theo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn còn gia tăng. Trong đó, dịch bệnh sẽ tập trung vào các bệnh SXH, sởi, tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người và nhóm bệnh lây qua đường tiêu hóa.

ADQuảng cáo

Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên hội ý, thảo luận để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh nhân

Không để dịch lớn xảy ra

Từ thực tế trên, UBND tỉnh yêu cầu chính quyền, các ngành chức năng và người dân cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức, tập trung phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh. Mục tiêu chung là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

Cụ thể, toàn tỉnh phấn đấu phát hiện và xử lý kịp thời 100% ổ dịch bệnh truyền nhiễm mới phát sinh theo quy định; kiểm soát và khống chế không để bệnh SXH gia tăng và lan rộng trong cộng đồng. Cùng với tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được tiếp nhận thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tất cả các thôn, bon, tổ dân phố triển khai chiến dịch diệt loăng quăng. Các ngành, các cấp bảo đảm hiệu quả hoạt động phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Một trong những hoạt động mà UBND tỉnh yêu cầu cần tập trung thực hiện là thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh chủ động tại các tuyến, các cơ sở y tế và các cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó, phát hiện và khắc phục kịp thời những thiếu sót, hạn chế, đáp ứng tốt về chuyên môn trong công tác sẵn sàng ứng phó khi có bệnh dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ở tuyến tỉnh, Sở Y tế chủ trì và chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác phòng, chống bệnh SXH và các dịch bệnh khác tại các huyện, thị xã và một số xã, phường, thị trấn có số ca mắc cao. Ở tuyến huyện, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng phòng, chống bệnh SXH và các dịch bệnh khác; đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập đoàn kiểm tra cấp xã.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao nhận thức, tập trung phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO