Kỳ vọng mô hình bác sĩ gia đình

Bài, ảnh: Vũ Trang| 02/01/2019 13:55

Từ năm 2019, ngành Y tế bắt đầu triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) trên địa bàn tỉnh. Mô hình được kỳ vọng sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng y tế tại địa phương.

ADQuảng cáo

Người dân được khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và cập nhật vào phần mềm quản lý sức khỏe người dân tại các trạm y tế. Trong ảnh: Khám sàng lọc bệnh tiểu đường ở xã Nghĩa Thắng (Đắk R'lấp)

Tranh thủ các nguồn lực

Theo Sở Y tế, tại tỉnh Đắk Nông, mô hình phòng khám BSGĐ sẽ được triển khai lồng ghép với mạng lưới y tế có sẵn như: Hệ thống phòng khám thuộc các cơ sở khám, chữa bệnh công lập; trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám tư nhân… Để mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, trong năm 2018, ngành Y tế đã tranh thủ nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nhất là ưu tiên đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: “Trong giai đoạn 2017-2020, ngành Y tế triển khai thực hiện Dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (gọi tắt là Dự án HPET). Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ. Việc triển khai dự án sẽ giúp đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tuyến y tế cơ sở và đầu tư cung cấp trang thiết bị cơ bản cho cơ sở đào tạo, cơ sở thực hành lâm sàng, các trạm y tế xã. Đặc biệt, các chương trình đào tạo của Dự án HPET về chăm sóc sức khỏe đều tuân theo nguyên lý y học gia đình”.

Với tinh thần đó, đến nay, 100% trạm y tế trên địa bàn bảo đảm về nhân lực để triển khai được mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; 50% nhân viên y tế tại các trạm đã được đào tạo dài hạn, ngắn hạn về chuyên ngành y học gia đình. Sở Y tế cũng phối hợp với các đơn vị triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân. Hiện nay, 100% trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý sức khỏe người dân…

Mô hình phòng khám BSGĐ được kỳ vọng sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho người dân.

ADQuảng cáo

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thanh Hương, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cũng là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ việc quản lý, xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động can thiệp về y tế. Mỗi người dân sẽ được lập một hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân duy nhất kèm theo một mã ID (mã định danh cá nhân) và cập nhật trên hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Trong hồ sơ bao gồm những thông tin về cá nhân, gia đình, bảo hiểm y tế, tiền sử bản thân, dị ứng, nhóm máu, lịch tiêm chủng, lịch sử khám chữa bệnh, khám thai, sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình, tai nạn thương tích, bệnh nghề nghiệp...

Ngoài ra, trong năm 2018, Sở Y tế cũng ký kết chương trình hợp tác với Văn phòng đại diện Công ty Novo Nordisk Pharma Operations A/S Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) để triển khai các hoạt động khám sàng lọc bệnh đái tháo đường và cao huyết áp tại cộng đồng. Hiện nay, 8/8 huyện, thị xã đã tổ chức hoạt động khám sàng lọc và cập nhật vào phần mềm quản lý sức khỏe người dân tại các trạm y tế. 

Mô hình hướng đến mục tiêu như: Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ban đầu; giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, tích cực; giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan; giải quyết tình trạng “quá tải” bệnh viện và tiết kiệm được chi phí nằm viện, điều trị cho người bệnh; tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế...

Thêm cơ chế để hoạt động hiệu quả

Theo đánh giá của ngành Y tế, hiện nay, các bệnh truyền nhiễm, suy dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức cao. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng đang ở mức cao và ngày càng tăng. Điều này dẫn đến nhu cầu khám sàng lọc, theo dõi, quản lý và điều trị bệnh tại cộng đồng của người dân cũng tăng theo. Do đó, việc triển khai mô hình phòng khám BSGĐ trong giai đoạn này là cần thiết.

Tuy nhiên, để mô hình hoạt động thực sự hiệu quả, cùng với việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực… thì việc xây dựng thêm các cơ chế và định mức chi trả cho các dịch vụ đặc thù của BSGĐ cũng rất cần thiết. Bác sĩ Phạm Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp cho biết: “Việc khám, chữa bệnh theo mô hình phòng khám BSGĐ vẫn chưa có cơ chế, chính sách riêng và cũng chưa có quy định chế độ chi trả thù lao cụ thể cho BSGĐ khi đến tận nhà hoặc tư vấn thường xuyên qua điện thoại. Nhiều trường hợp bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe mà không thể đến bệnh viện thì BSGĐ sẽ đến tận nhà để chăm sóc, hướng dẫn hoặc thường xuyên nhận được điện thoại xin tư vấn của bệnh nhân, thậm chí cả người nhà bệnh nhân… Vì vậy, một BSGĐ phải thực sự tâm huyết và có trách nhiệm với nghề thì thế mới có thể toàn tâm toàn ý khi thực hiện nhiệm vụ”.

Về phía người dân, mô hình phòng khám BSGĐ là một mô hình khá mới mẻ. Vì vậy, điều quan trọng trước mắt là phải tuyên truyền để người dân hiểu và phân biệt được sự khác nhau của BSGĐ với các bác sĩ ở phòng khám tư nhân, bác sĩ ở bệnh viện. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để đưa đến thành công của mô hình BSGĐ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng mô hình bác sĩ gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO