Không nên chủ quan, lơ là phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Vũ Trang| 13/05/2019 09:43

Thời gian gần đây, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có xu hướng tăng. Vì vậy, ngành Y tế khuyến cáo các cơ sở y tế, người dân không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh SXH.

ADQuảng cáo

Bệnh nhân điều trị bệnh SXH tại Trung tâm Y tế huyện Cư Jút

Có xu hướng tăng mạnh

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 6/5, toàn tỉnh ghi nhận có 311 ca mắc bệnh SXH, tăng 252 ca so với cùng kỳ năm trước. Các ca mắc SXH xuất hiện rải rác tại 8 huyện, thị xã; trong đó tập trung nhiều nhất là tại huyện Đắk R’lấp 127 ca, Tuy Đức 50 ca và Krông Nô 39 ca.

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, bệnh SXH trở thành bệnh lưu hành thường xuyên tại địa phương với khoảng 500 ca/năm. Tuy nhiên, bệnh thường có xu hướng tăng theo chu kỳ khoảng 3 năm và khoảng 6 năm thì xuất hiện dịch. Trong năm nay, bệnh bắt đầu gia tăng tại một số địa phương từ đầu tháng 4, dự kiến “đỉnh” bệnh sẽ vào khoảng tháng 8”.

Bác sĩ Đặng Thành cũng cho rằng, mặc dù SXH là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành thường xuyên tại địa phương, nhưng người dân vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống bệnh, nhất là thiếu kiến thức về bệnh cũng như cách phòng, tránh bệnh.

Cụ thể như việc người dân nhầm lẫn về loại muỗi truyền bệnh SXH và muỗi truyền bệnh sốt rét, hay muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Đặc điểm của muỗi vằn truyền bệnh SXH là ưa đẻ trứng ở những vùng nước sạch như lọ hoa trong nhà, bể chứa nước mưa, dụng cụ chứa nước sinh hoạt không đậy nắp hoặc những dụng cụ phế thải xung quanh nhà có chứa nước mưa...Chính vì vậy mà một số thói quen sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân như trữ nước sinh hoạt, không xử lý các dụng cụ phế thải, phế liệu dẫn đến tình trạng đọng nước đã tạo môi trường để muỗi sinh sản, phát triển.

Tăng cường các hoạt động phòng, chống bệnh

Riêng đối với ngành Y tế, hàng năm, công tác phòng, chống bệnh SXH luôn được triển khai thường xuyên cùng với các loại bệnh truyền nhiễm khác. Đặc biệt, từ đầu năm 2019, ngành dự báo bệnh SXH sẽ có xu hướng tăng nên đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các hoạt động phòng, chống bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc.

ADQuảng cáo

Theo đó, cùng với việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, định kỳ hàng tuần, hàng tháng, ngành đều triển khai các hoạt động giám sát dịch tễ, giám sát véc tơ truyền bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ... để đánh giá tình hình biến động véc tơ truyền bệnh SXH tại vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao, các ổ dịch cũ... Từ đầu năm đến nay, ngoài việc cung ứng đầy đủ vật tư, hóa chất, ngành còn tăng cường cho mỗi trung tâm y tế huyện, thị xã 2 đến 3 máy phun hóa chất để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh.

Cũng theo khuyến cáo của ngành Y tế, trong điều kiện thời tiết đang bước vào mùa mưa cộng với sự lưu hành thường xuyên của véc tơ truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti thì bệnh SXH có thể sẽ diễn biến phức tạp, có nguy cơ bệnh lan rộng trong cộng đồng.

Để phòng, chống bệnh hiệu quả, điều quan trọng nhất hiện nay là người dân cần phải phối hợp tốt với ngành Y tế trong việc vệ sinh môi trường, diệt trừ loăng quăng, bọ gậy và các tác nhân truyền bệnh, tránh bị muỗi đốt. Đặc biệt, mỗi người phải nâng cao cảnh giác với bệnh. Khi phát hiện có các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, phát ban hoặc có các biểu hiện xuất huyết dưới da, xuất huyết chân răng... người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh biến chứng nặng và tử vong.

Về phía ngành Y tế vẫn đang tiếp tục tập trung thông tin, tuyên truyền, giám sát véc tơ truyền bệnh, phun hóa chất diệt muỗi tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ổ bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan ra cộng đồng.

Giúp người dân nhận thức đúng

Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có Văn bản số 1957 ngày 4/5/2019 về việc tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các sở, ban ngành, đoàn thể, các địa phương cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, Sở Y tế tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH.

Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở tăng cường giám sát phát hiện sớm các ca bệnh cũng như bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, thuốc, trang thiết bị để sẵn sàng điều trị sớm cho các trường hợp SXH, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Sở Y tế, các sở, ban ngành, các huyện, thị xã phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống dịch bệnh SXH để người dân nhận thức đúng, chủ động tự thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho gia đình, cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không nên chủ quan, lơ là phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO