Công tác phòng, chống HIV/AIDS: Còn nhiều việc phải làm

Nguyễn Hiền| 30/06/2015 09:28

Nếu năm 2005 toàn tỉnh có 153 người bị nhiễm HIV, chiếm 0,37%o dân số thì đến năm 2014, đã tăng lên 685 người, chiếm 1,22%o dân số. Hiện nay, cả 8/8 huyện, thị xã, với 64/71 xã, phường, thị trấn đều đã có người nhiễm HIV/AIDS.

ADQuảng cáo

Cán bộ y tế tuyên truyền về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cho người dân huyện Đắk R’lấp

Để cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 13-CTr/TU về “Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện. Nhờ đó, công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS ngày càng được quan tâm thực hiện. Dịch vụ khám và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS bằng thuốc kháng ARV tại các cơ sở được mở rộng hơn trước đây với khoảng 176 bệnh nhân được tiếp cận, giúp cho người nhiễm HIV/AIDS nâng cao sức khỏe, tự lao động, tăng thu nhập, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống. Bằng việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nên nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống HIV/AIDS ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Qua tìm hiểu thực tế thì hiện tại, toàn tỉnh vẫn chưa thành lập được câu lạc bộ sinh hoạt dành cho người nhiễm HIV/AIDS. Cùng với đó, các biểu hiện kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người nhiễm HIV còn nhiều, gây khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ xã hội.

Hiện nay, số người nhiễm HIV/AIDS được điều trị thuốc ARV còn thấp và chỉ đạt được 60% số người nhiễm nên chưa đạt được mục tiêu đề ra. Toàn tỉnh vẫn chưa xây dựng được mô hình lao động, tổ chức dạy nghề cho người nhiễm HIV/AIDS. Điều đáng nói là tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trong 10 năm qua vẫn có chiều hướng gia tăng.

Nếu năm 2005 toàn tỉnh có 153 người bị nhiễm HIV, chiếm 0,37%o dân số thì đến năm 2014, đã tăng lên 685 người, chiếm 1,22%o dân số. Hiện nay, cả 8/8 huyện, thị xã, với 64/71 xã, phường, thị trấn đều đã có người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất là Chư Jút với 155 người, tiếp đến là huyện Đắk R’lấp: 149 người, thị xã Gia Nghĩa: 87 người và Đắk Song: 83 người.

ADQuảng cáo

Theo nhận định của ngành Y tế thì tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn đang ở giai đoạn tập trung và có xu hướng tăng. Trong đó, tỷ lệ nam giới nhiễm  HIV/AIDS cao gấp 2,8 lần so với nữ giới, với 74% trong tổng số người nhiễm. Có nhiều con đường lây nhiễm HIV, trong đó, số người nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất với 54%; tiếp đến là lây nhiễm qua đường máu với 35%; từ mẹ sang con chiếm 2% và có 7% là không rõ đường lây truyền.

Đối tượng nhiễm HIV/AIDS lại tập trung chủ yếu ở nhóm độ tuổi từ 20-39 tuổi, chiếm đến 78,8%. Đây là lực lượng lao động chính trong xã hội, nếu không có biện pháp can thiệp mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tương lai giống nòi.

Qua thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS nên chưa cụ thể hóa thành chỉ tiêu trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đơn vị mình. Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của các cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên.

Mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, nhưng lại thiếu tính đồng bộ. Ban chỉ đạo phòng, chống ma túy, mại dâm ở cấp xã hoạt động chưa thường xuyên. Nguồn nhân lực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở cấp huyện và xã còn mỏng. Cán bộ chuyên trách tuyến huyện, xã lại thường xuyên thay đổi và kiêm nhiệm nhiều chương trình, dự án nên ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở.

Trước thực tế trên, để phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng không tăng, theo chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, giáo dục truyền thông về đường lây nhiễm HIV/AIDS và các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS đến cộng đồng dân cư, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cụm khu công nghiệp.

Các ngành liên quan cần tăng cường công tác quản lý đối tượng HIV/AIDS tại cộng đồng cũng như việc quản lý nhân, hộ khẩu, nhất là đối với những đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi trong việc thành lập tổ, nhóm, câu lạc bộ của những người nhiễm HIV/AIDS. Tỉnh cũng sẽ xây dựng các chính sách phù hợp giúp người nhiễm HIV/AIDS có việc làm, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác phòng, chống HIV/AIDS: Còn nhiều việc phải làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO