Có những lúc lực bất tòng tâm, thật day dứt khó tả !

Tường Nhiên| 17/01/2022 09:05

Tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa được UBND tỉnh tổ chức mới đây, một số y, bác sĩ đã chia sẻ những câu chuyện cảm động trong quá trình truy vết, lấy mẫu, điều trị bệnh nhân Covid-19.

ADQuảng cáo

Cả hội trường chợt lặng đi khi nghe bác sĩ Lê Văn Thương hiện đang công tác tại Khoa Hồi sức tích cực-chống độc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh mở đầu bài tham luận của mình: “Hôm nay, tôi rất vinh dự khi được có mặt tại đây để chia sẻ đôi điều về sự nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ y bác sĩ hệ điều trị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh”.

Với sự khiêm tốn, bác sĩ Thương cho rằng bản thân đã rất “vinh dự”, nhưng phải nói rằng, chính những người có mặt tại hội trường mới thật sự “vinh dự” khi được nghe, được chứng kiến một chiến sĩ áo trắng suốt bao nhiêu tháng qua ngày đêm âm thầm cùng với bệnh nhân chống chọi Covid-19 mà chẳng ai biết mặt, biết tên.

Hàng ngày đối mặt với nỗi nguy hiểm nhưng bác sĩ Thương lại khiêm tốn: “Kể từ khi Đắk Nông xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, trong những tháng qua, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực hết sức mình trong cuộc chiến chống dịch, với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân. Riêng tôi chỉ nghĩ đơn giản, hơn bao giờ hết, người thầy thuốc phải luôn có mặt ở tuyến đầu chống dịch bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm, với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết”.

Các y bác sĩ điều trị cho những bệnh nhân nặng trong Khu điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Theo bác sĩ Thương, từ khi đại dịch vừa bùng phát, với việc dự báo và để chuẩn bị đội ngũ nhân lực y tế cho cuộc chiến chống dịch trên địa bàn tỉnh, ngay từ năm 2020, anh đã được lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện cử đi đào tạo, tiếp cận với kỹ thuật “lọc máu liên tục” tại Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP. HCM).

Đợt đào tạo theo hình thức “cầm tay chỉ việc” này đã giúp anh và đồng nghiệp có thêm rất nhiều kiến thức về chuyên môn để chống chọi với vi rút SARS-CoV-2. Qua đó, tỉnh hình thành được đội ngũ chuyên sâu trong việc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Đến giữa năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đỉnh điểm là các tỉnh phía Nam và TP.HCM, với số lượng ca bệnh tăng đột biến lên đến con số báo động, dẫn đến tình trạng quá tải về nhiều mặt, nhất là nguồn nhân lực. Vì vậy, hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ của Bộ Y tế, TP.HCM, bác sĩ Thương cùng các y bác sĩ trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tình nguyện tham gia chống dịch tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

ADQuảng cáo

Bên cạnh góp sức với TP. HCM chống dịch, các bác sĩ có thêm điều kiện để tiếp thu được nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong phòng và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Riêng bản thân bác sĩ Thương, cùng với việc ứng dụng kiến thức đã học trước đây, anh đã cố gắng học hỏi, trau dồi thêm kỹ thuật “lọc máu liên tục” để có thể triển khai tại Đắk Nông khi cần thiết.

Sau hơn 1 tháng tham gia chống dịch tại TP. HCM cùng các đồng nghiệp trở về, đến tháng 9/2021, bác sĩ Thương tiếp tục tình nguyện tham gia chống dịch tại Khu điều trị Covid-19 nặng và nguy kịch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bác sĩ Lê Văn Thương cùng các y bác sĩ lên đường tham gia chống dịch tại TP. HCM

Trước tình hình bệnh nhân nặng và nguy kịch tăng nhanh, đối diện với nhiều nguy cơ tử vong, được sự quan tâm và đồng ý của lãnh đạo ngành, anh cùng các đồng nghiệp đã mạnh dạn triển khai ngay quy trình kỹ thuật “lọc máu liên tục” cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch lần đầu tiên vào ngày 15/9/2021.

Bác sĩ Thương tâm sự: “Về khía cạnh chuyên môn, “lọc máu liên tục” là kỹ thuật khá phức tạp, ngoài thiết bị máy móc cần thiết thì đòi hỏi rất nhiều về khả năng, trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc. Nói sao cho hết những vất vả, khó khăn, cảm xúc của chúng tôi khi ngày đêm cùng với bệnh nhân Covid-19 chống chọi, giành giật sự sống nơi cửa tử. Điều đáng mừng, tính đến nay, nhờ ứng dụng kỹ thuật “lọc máu liên tục”, chúng tôi đã điều trị và cứu sống thành công hàng chục bệnh nhân nặng nguy kịch qua cơn bão cytokine, trở về cuộc sống bình thường”.

Hội trường lặng đi khi nghe bác sĩ Thương tham luận mà như bày tỏ nỗi lòng: “Có những lúc vì nhiều lý do, chúng tôi đành lực bất tòng tâm, không thể cứu sống bệnh nhân, cảm thấy trong lòng thật day dứt khó tả. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa biết khi nào mới kết thúc. Vì vậy, đội ngũ y bác sĩ chúng tôi chỉ biết tự nhủ lòng mình là phải luôn vững vàng hơn nữa trên mặt trận chống dịch, góp một phần công sức của mình vào công tác phòng, chống dịch, giành giật sự sống cho bệnh nhân, bà con thân yêu của mình”.

Ðằng sau sự hồi sinh kỳ diệu của các bệnh nhân Covid-19 nặng là dấu ấn không nhỏ của đội ngũ y bác sĩ khi sẵn sàng gác lại niềm riêng để có thể đem lại sự sống cho bệnh nhân. Trong cuộc chiến chống chọi với kẻ thù “vô hình” mang tên Covid-19, những chiến sĩ áo trắng đã và đang ngày đêm thầm lặng giành giật sự sống cho bệnh nhân mà không đòi hỏi sự đãi ngộ, biết ơn nào.

Gần 1 năm qua kể từ khi bước vào mặt trận chống dịch với bao nỗi khó khăn, vất vả, họ cảm nhận được rằng, trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, người thầy thuốc phải luôn vững vàng, thực sự là chỗ dựa tinh thần, tạo niềm tin cho bệnh nhân lúc nguy nan nhất. Khi ở “lằn ranh sinh tử”, tình người, tình đồng loại mới thật cao cả, họ chỉ biết cố gắng dốc hết sức lực, khả năng cao nhất có thể để cứu sống đồng loại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có những lúc lực bất tòng tâm, thật day dứt khó tả !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO