Chủ động phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng

Minh Nhạn| 10/12/2019 09:32

Bệnh tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm lưu hành tại tỉnh Đắk Nông, xảy ra quanh năm và thường ghi nhận số mắc tăng cao vào các tháng 9, 10, 11. Từ đầu năm đến nay, bệnh đã ghi nhận tại 45/71 xã, phường, thị trấn, thuộc 8/8 huyện, thị xã trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Tính đến đầu tháng 12/2019, toàn tỉnh ghi nhận 513 ca bệnh tay - chân - miệng, giảm 80 ca so với cùng kỳ năm 2018. Hầu hết các ca bệnh ghi nhận được tập trung tại các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình. Trước tình hình này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động  phòng chống dịch nhằm khống chế ca bệnh, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Chủ động triển khai các hoạt động giám sát dịch tễ, giám sát ca bệnh; phân tích, dự báo sự phát triển của bệnh để khống chế kịp thời, hỗ trợ chuyên môn cho 8/8 huyện, thị xã.

Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với phòng giáo dục các huyện, thị xã trong công tác khai báo các trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn tại môi trường học tập, vui chơi của học sinh.

Đến thời điểm hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật  tỉnh đã giám sát, phát hiện và xử lý 17 ổ dịch tay chân miệng; hướng dẫn cách ly ca bệnh nhằm tránh lây lan cho cộng đồng; cấp phát và hướng dẫn các cho hộ gia đình sử dụng Chloramin B để khử khuẩn bề mặt, lau chùi nền nhà, đồ chơi của trẻ.

ADQuảng cáo

Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cũng được chú trọng với 60 lượt phát thanh tại đài truyền thanh xã, phường về các biện pháp phòng chống tay - chân - miệng; tư vấn trực tiếp tại 430 hộ gia đình; lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh tay - chân - miệng vào các buổi họp thôn, khối, các buổi sinh hoạt cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Ly Sắc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật  tỉnh cho biết: “Bệnh tay - chân - miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng, phỏng bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông... Bệnh thường diễn biến nhẹ, tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Do đó, khi thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh, gia đình cần theo dõi để đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời. Trẻ mắc bệnh cần được cách ly, không đến lớp ít nhất 10 ngày để tránh lây bệnh cho trẻ khác”.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật  tỉnh cũng khuyến cáo các trường mầm non, nhà trẻ, hộ gia đình cần chủ động phòng chống bệnh tay - chân - miệng cho trẻ bằng cách thường xuyên vệ sinh nhà ở, đồ chơi, nền nhà, các vật dụng bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, rửa tay bằng xà phòng...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO