Chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng

Lý Nguyễn| 29/07/2014 08:55

Tại tỉnh ta, tính đến ngày 13/7, có 210 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 112 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Điều đó cho thấy, bệnh tay chân miệng đang bước vào đỉnh dịch và có thể bùng phát nếu không có các biện pháp phòng chống tích cực, chủ động và kịp thời.

ADQuảng cáo

Đắk Nông đang vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm, mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân chưa tốt và khoa học cũng là nguyên nhân khiến bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh chóng.

Tay chân miệng là bệnh dễ mắc phải trong thời gian gần đây và thường gặp chủ yếu ở nhóm trẻ từ 1-5 tuổi. Khi mới mắc bệnh, trẻ thường có biểu hiện sốt nhẹ, chán ăn, đau họng, sưng miệng, chảy nước dãi, buồn nôn, nôn, nổi bong bóng nước to khoảng đầu đũa, màu xám, đỏ hình ô van ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau...

Khi bệnh nặng trẻ sẽ sốt cao, nôn nhiều, hay giật mình, run tay chân, mạch nhanh không tương ứng với nhiệt độ thân người. Những chấm đỏ xuất hiện từ 1 - 2 ngày sau khi sốt, tiến triển thành bóng nước và vỡ ra thành vết loét. Đa phần trẻ nổi bóng nước nhiều ở tay chân miệng lại bị nhẹ trong khi một số trẻ khác chỉ nổi bóng nước trong miệng nhưng lại có diễn tiến nặng, thậm chí tử vong.

Nếu trẻ bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà, giảm đau, hạ sốt bằng thuốc Paracetamol; cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, hạn chế vận động, đồng thời tăng cường chế độ dinh dưỡng cho trẻ (chú ý, để trẻ dễ ăn thì thức ăn cần chế biến lỏng, mềm, thiên về chất hơn là lượng và nên không ép trẻ ăn nhiều như lúc khỏe).

ADQuảng cáo

Ngoài ra, cần vệ sinh răng miệng, thân thể, không làm bể các bóng nước để tránh nhiễm trùng (bệnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày). Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó ngủ, sốt cao, quấy khóc, giật mình lúc thức hay nói nhảm, các chi run và co giật, nôn ói nhiều,… cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.

Bệnh tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã khẳng định, một biện pháp vừa đơn giản vừa hữu hiệu có thể phòng chống tay chân miệng đó là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày (kể cả người lớn và trẻ nhỏ).

Bên cạnh đó, các hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà…

Người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Ngoài ra, thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Theo dõi thường xuyên sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly và điều trị, tránh lây bệnh cho trẻ khác.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO