Cần có sự thay đổi về chính sách đãi ngộ cho phù hợp thực tiễn để “giữ chân” và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế

Phan Tân thực hiện| 14/06/2019 09:15

Ngày 16/7/2014, HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết 09 về việc quy định chính sách thu hút, đãi ngộ đối với bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học về công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2015-2020. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đỗ Ngọc Ảnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức về việc thực hiện Nghị quyết 09 tại địa bàn.

ADQuảng cáo

Bác sĩ Đỗ Ngọc Ảnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức

PV: Bác sĩ có thể cho biết tình hình thực hiện Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh tại huyện Tuy Đức?

BS Đỗ Ngọc Ảnh: Nguồn nhân lực luôn là vấn đề quan trọng đối với tất cả các đơn vị nói chung, ngành Y tế nói riêng. Bởi vì, dù có được xây dựng cơ sở khang trang, trang bị máy móc, thiết bị mới, hiện đại mà không có người biết sử dụng thì cũng giống như cục đất, cục đá, vô dụng mà thôi. Do đó, khi Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh ra đời, chúng tôi rất phấn khởi, hy vọng sẽ thu hút được nhiều bác sĩ, dược sĩ giỏi, chất lượng cao về công tác, phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. Trong 5 năm qua, Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức đã đăng ký nhu cầu 7 vị trí với Sở Y tế, gồm những bác sĩ chuyên khoa I ở các chuyên môn sản, nhi, hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh.  

Tuy nhiên, do Tuy Đức là huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, đời sống kinh tế - xã hội kém phát triển, nên việc thu hút đội ngũ bác sĩ, dược sĩ giỏi, chất lượng cao về công tác gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, mức đãi ngộ của tỉnh đối với bác sĩ, dược sĩ loại giỏi, khá còn khá  thấp so với các tỉnh đồng bằng có vị trí địa lý, điều kiện xã hội tốt hơn. Do đó, từ khi Nghị quyết 09 ra đời, các đơn vị y tế công lập trên địa bàn huyện Tuy Đức chưa thu hút được một bác sĩ, dược sĩ nào tốt nghiệp đại học hay sau đại học về công tác.

PV: Vậy Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức đã có giải pháp gì để giải quyết bài toán nhân lực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thưa bác sĩ?

BS Đỗ Ngọc Ảnh: Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về không được, nên chúng tôi đã tranh thủ mọi chính sách, dự án, tạo điều kiện cho đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ đi đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn huyện. Đơn cử, đối với nguồn bác sĩ, dược sĩ đã có trước đó, đơn vị tạo điều kiện, hỗ trợ để họ tham gia các khóa đào tạo chuyên môn sâu. Còn nguồn bác sĩ, dược sĩ đào tạo hệ đại học cử tuyển, đơn vị đưa đi đào tạo lại.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, hiện nay đơn vị cũng đang gặp khó khăn, bất cập trong thực hiện giải pháp này. Thứ nhất, theo quy định hiện nay bác sĩ, dược sĩ về công tác phải trên 3 năm trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ mới được học lên cao. Thứ hai, nếu cho đi học thì hụt nguồn nhân lực ở lại thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan. Thứ ba, hiện nay chi phí để hỗ trợ cho người đi học đều từ nguồn của đơn vị mà tỉnh chưa có nguồn, chính sách nào để hỗ trợ thêm.

PV: Để bảo đảm cho Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh phát huy hiệu quả, theo bác sĩ, tỉnh cần có giải pháp gì?

BS Đỗ Ngọc Ảnh: Để có nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo tôi cần có 3 điều kiện gồm: Thu hút, đãi ngộ và duy trì. Trên thực tế, việc Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh ra đời đã đáp ứng nhu cầu thu hút, nâng cao chất lượng nhân lực ngành Y tế tỉnh nói chung và Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức nói riêng thời gian qua. Cụ thể, tuy không thu hút được nhưng đội ngũ bác sĩ, dược sĩ của huyện đã được hưởng chính sách ưu đãi từ nghị quyết, góp phần tạo động lực, thúc đẩy sự tin tưởng, an tâm công tác, nỗ lực cống hiến.

Tuy nhiên, tỉnh cần có sự thay đổi về chính sách đãi ngộ cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Theo đó, tỉnh nên có chính sách để “giữ chân” và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bác sĩ, dược sĩ sau đại học, tốt nghiệp đại học tại chỗ hiện có. Trong đó, trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi để họ nâng cao chuyên môn, yên tâm công tác. Cụ thể, tỉnh cần thay đổi tiêu chuẩn thời gian đủ điều kiện đi học chuyên khoa sâu, thậm chí thay vì phải trên 3 năm thì ngay khi ra trường tiếp nhận về đơn vị có thể tạo điều kiện cho đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đi học chuyên khoa sâu luôn, nhất là ưu tiên, hỗ trợ kinh phí.

Mặt khác, muốn “giữ chân” bác sĩ, dược sĩ, ngoài chính sách đãi ngộ, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cũng cần vào cuộc, tạo điều kiện cấp đất ở, ổn định việc làm cho vợ hoặc chồng đi theo để họ “an cư lạc nghiệp”. Khi có chính sách, môi trường, đời sống của bác sĩ, dược sĩ của tỉnh tốt lên thì sẽ thu hút được nhân lực chất lượng cao tới làm việc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có sự thay đổi về chính sách đãi ngộ cho phù hợp thực tiễn để “giữ chân” và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO