Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ là vô cùng cần thiết

Ngô Đồng| 03/12/2019 09:42

Hiện nay, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mặc dù có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ rất cao, đứng thứ 3 trong cả nước. Số trẻ bị suy dinh dưỡng chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo

Nguyên nhân một phần là do trẻ thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Điều đáng lo ngại là nhiều bậc cha mẹ không nhận ra con mình bị suy dinh dưỡng, cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Các chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn thực hành nấu một bữa ăn đầy đủ chất cho trẻ. Ảnh: Ngô Đồng

Trường hợp bé Thị Hiền, con chị Thị Lan ở xã Quảng Trực (Tuy Đức) là một ví dụ. Bé ăn uống tốt nhưng không hiểu sao tăng cân rất chậm. Nghĩ rằng chỉ cần con không đau ốm, bệnh tật là được nên chị không đưa con đi khám. Nhưng khi cháu bắt đầu đi học lớp 1 thì thể lực kém hẳn, hay ốm vặt và mỗi lần ốm thì rất lâu khỏi. Chị Thị Lan đưa con đi khám thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể lực kém dẫn đến hệ miễn dịch cũng suy giảm.

Chị H'Uyên ở xã Đắk P'lao (Đắk Glong) cũng cho biết: Sau sinh bé K'Vinh được 5 tháng, tôi bắt đầu cho con ăn dặm kết hợp bú sữa mẹ ban đêm. Bé ăn rất khỏe và nhiều nhưng không hiểu sao cứ còi cọc chậm lớn, đến giờ bé đã hơn 3 tuổi nhưng chỉ nặng 10,5 kg.

ADQuảng cáo

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không, các bậc cha mẹ cần theo dõi cân nặng của trẻ hàng tháng dựa trên biểu đồ tăng trưởng. Khi đường vẽ biểu đồ chiều cao, cân nặng của trẻ có xu hướng đi ngang và đi xuống là trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Cụ thể, suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, có thể xảy ra ở trẻ em từ khi còn trong bào thai cho đến sau khi sinh. Các trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: Viêm đường hô hấp, tiêu chảy, các bệnh ký sinh trùng mãn tính cũng có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Đồng thời, chế độ nuôi dưỡng không hợp lý khi trẻ bị bệnh càng làm cho tình trạng suy dinh dưỡng nặng nề hơn ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ em không được tiêm phòng đầy đủ, ăn ở không hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước không sạch để nấu ăn, tắm giặt cho trẻ, hoặc xử lý nước thải, phân, rác không bảo đảm cũng là những yếu tố khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.

Để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, các gia đình cần chú ý chăm sóc bà mẹ ngay trong thời kỳ mang thai. Theo đó, người mẹ cần được ăn uống đủ chất dinh dưỡng, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, quản lý thai nghén và tiêm ngừa đầy đủ. Đối với trẻ, tùy theo lứa tuổi có thể cho trẻ ăn bột, cháo, cơm. Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng hơn so với trẻ thường. Bữa ăn bổ sung cho trẻ cần có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, như: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Khi trẻ bị suy dinh dưỡng, cần được bổ sung vi chất dinh dưỡng. Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng như thế nào thì cần có sự tư vấn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý bổ sung các loại thuốc bổ cho trẻ.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em dù ở hình thức nào như nhẹ cân, thấp còi, béo phì và phù cũng đều đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, là nguyên nhân chính dẫn đến kém phát triển về trí tuệ, thể lực và đặc biệt khiến trẻ dễ bị bệnh tật thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, các gia đình cần chú trọng bổ sung dinh dưỡng cho trẻ là vô cùng cần thiết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ là vô cùng cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO