“Bệnh từ miệng mà vào”

Va Ly| 22/05/2015 10:11

Việc sử dụng thực phẩm sạch chính là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho người dân, cộng đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, việc sử dụng thực phẩm, nhất là những thực phẩm hàng ngày như thịt, các sản phẩm từ thịt và rau, củ, quả vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh tật cho người sử dụng. Có thể gọi nôm na là “bệnh từ miệng mà vào”.

ADQuảng cáo

Vì lợi nhuận

Buôn bán phải có lợi nhuận là điều hiển nhiên, vì chạy theo lợi nhuận mà nhiều tiểu thương đã coi nhẹ vấn đề sức khỏe của cộng đồng.

 Quán ăn ở các vỉa hè đường phố thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất VSATTP

Chị Nguyễn Thị Hằng ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cho biết: “Lâu nay vẫn nghe báo chí nói nhiều về chuyện trái cây tẩm hóa chất để bảo quản lâu, các loại rau, thịt cũng được ngâm hóa chất làm tươi lại để bán, nhưng tôi không nghĩ là chuyện này lại đang diễn ra một cách “vô tư” ngay chính ở chợ mà hàng ngày mình vẫn hay mua”.

Theo lời chị Hằng kể, một hôm chị đi chợ sớm để mua thức ăn thì vô tình nhìn thấy “công nghệ” tẩm hóa chất làm cho những con mực “tươi” lại. Bà chủ hàng để một thùng nước bên cạnh, đổ những rổ mực đã xỉn màu ngâm vào, rồi dùng tay đeo găng tay quậy đều, khi vớt ra, những con mực xỉn màu lúc nãy bỗng chốc trở nên “tươi tắn, hấp dẫn” hơn. Trước đó, bà chủ hàng không quên bảo một số người đi chợ đứng xung quanh là tránh xa khu vực để hàng hóa của mình. Từ khi nhìn thấy cảnh tượng đó, chị đã không dám mua mực để ăn và nhất là các sản phẩm khác của bà chủ hàng này.

Còn chị Nguyễn Thị Hà, ở khu nhà công vụ, phường Nghĩa Đức cũng chia sẻ: “Tôi mua nửa ký cà chua về nấu canh, nhưng lại để sót một quả vì bị rơi dưới gầm bếp, gần hai tháng sau phát hiện ra thì quả cà chua vẫn còn cứng nguyên. Nếu cà chua nhà trồng thì chỉ cần để nhiều nhất 1 tuần đã bị hư. Nghĩ lại số cà chua mà tôi đã nấu cho gia đình ăn mà rùng mình. Phải ăn những thực phẩm như thế này thì đúng là dễ gây ra bệnh tật lắm”.

Nguy cơ tiềm ẩn không chỉ ở các loại thịt, rau, củ quả bán ở chợ mà cả ở những quán thức ăn đường phố như quán bún, cháo, xiên nướng… Chúng tôi đã có dịp chứng kiến một số quán bán thức ăn đường phố và thấy được nhiều điểm chung đáng lo ngại. Hầu hết các quán ăn này đều không có tủ lưu mẫu thức ăn, đồ ăn sống và chín để gần nhau, nguồn nước hạn chế, vệ sinh xung quanh khu vực bán không đảm bảo… Còn đối với các quán lớn hơn và có đăng ký kinh doanh cũng không tránh khỏi việc vi phạm các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Qua các đợt kiểm tra VSATTP, nhất là đối với các quán ăn, lò giết mổ gia súc, gia cầm của các đoàn liên ngành gần đây cho thấy,  phần lớn các cơ sở đều vi phạm với mức độ khác nhau như: chưa có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, giấy xét nghiệm nguồn nước; giấy khám sức khỏe hết hạn; cơ sở chế biến chưa đảm bảo vệ sinh, nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng…  

Khó quản lý, kiểm tra?

Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục Trưởng Chi cục VSATTP tỉnh thì những quán thức ăn đường phố hay những sản phẩm rau, củ, quả, thịt bán rong hầu như là không quản lý được về chất lượng. Những quán này thường không có giấy đăng ký kinh doanh, không đóng thuế môn bài nên khi vi phạm cũng rất khó để xử lý.

Đối với các hàng rau, củ, quả, ngoài những hộ bán trong ky ốt theo đăng ký thì người dân cũng chủ yếu bán nhỏ lẻ, tự phát, mang tính chất trao đổi nên thường không ai quản lý và đảm bảo được về chất lượng. Người có ý thức thì làm rau sạch, nhưng cũng có người chạy theo lợi nhuận mà sử dụng hóa chất hay các loại phân bón tươi chưa qua xử lý.

ADQuảng cáo

Điều đáng nói là những quán bán hàng thức ăn đường phố và bán các loại rau, củ quả nhỏ lẻ lại chiếm số lượng rất lớn ở các chợ, vỉa hè và nguy cơ tiềm ẩn mất VSATTP là rất lớn. Tuy nhiên, số lượng các quán ăn hè phố hay quán bán thịt, rau, củ quả hình thức này lại luôn được duy trì và có xu hướng ngày càng tăng về số lượng. Nguyên nhân sâu xa một phần là do cách buôn bán này không phải mất tiền thuê mặt bằng nhiều, không phải nộp thuế, vốn bỏ ra lại ít.

Cùng với đó, hầu hết người mua vẫn có tâm lý thích rẻ, thuận tiện nên ít khi mua các hàng ở trong ki ốt hay ăn ở các quán lớn hơn. Một thực tế nữa là việc chịu trách nhiệm về sản phẩm nông nghiệp ở các chợ vẫn còn nhiều bất cập, và hầu như “bỏ ngõ” khâu quản lý chất lượng.

Cụ thể, ngành Công thương cho rằng, nhiệm vụ của mình là quản lý chợ, chịu trách nhiệm về sắp xếp hệ thống, nền nếp chợ, quản lý về giá cả… Còn ngành Nông nghiệp cũng cho rằng, chỉ quản lý chất lượng sản phẩm khi còn ở các trang trại, lò giết mổ hay ở các nhà vườn.

Đoàn liên ngành tỉnh kiểm tra VSATTP tại một quán ăn ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil)

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai Tháng hành động vì VSATTP năm 2015 mới đây, ông Nguyễn Văn Thái, Chi cục phó Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp - PTNT) cho rằng, trong quá trình kiểm tra VSATTP, nhất là đối với các loại rau, củ quả và thịt thì chủ yếu là nhìn bằng mắt và “đoán” hoặc dùng test để thử.

Tuy nhiên, những cách này cũng chỉ xác định được tức thời là sản phẩm có bị dùng hóa chất hay không. Còn hàm lượng dùng hóa chất có ở mức cho phép hay không, ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào thì không thể xác định được.

Cùng với đó, nếu khi phát hiện ra sản phẩm dùng hóa chất cũng không ai dám đứng ra chịu trách nhiệm niêm phong hàng để gửi đi xét nghiệm vì mất nhiều thời gian, phải hơn một tuần. Nếu sản phẩm bị nhiễm hóa chất vượt mức cho phép thì cơ quan chức năng có thể xử phạt, nhưng ngược lại, nếu ở mức cho phép thì khi đó ai sẽ bồi thường số sản phẩm niêm phong đã bị hư hỏng.

Cần cộng đồng trách nhiệm

Thực tế cho thấy, vì lợi nhuận nên nhiều người bán các mặt hàng rau củ quả, thịt hay các sản phẩm từ thịt không đảm bảo được hết các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định là điều đang diễn ra hàng ngày. Cùng với đó, công tác quản lý, kiểm tra các mặt hàng này cũng còn nhiều khó khăn, bất cập nên gây nhiều nguy cơ đến sức khỏe cho người sử dụng là điều khó tránh khỏi.

Vì vậy, Tháng hành động vì VSATTP năm nay, Bộ Y tế đã chọn chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, với việc kêu gọi toàn xã hội cần cộng đồng trách nhiệm trong việc hạn chế tình trạng mất VSATTP. Trong đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, người kinh doanh cũng như người sử dụng là điều cốt lõi, thiết yếu.

Bản thân cá nhân, cơ sở sản xuất, chế biến cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm để có những sản phẩm sạch, vì sức khỏe cộng đồng. Việc xây dựng các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn cũng là hình thức cần thiết để cung cấp nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý khi có cơ sở, cá nhân vi phạm về VSATTP. Đặc biệt, người tiêu dùng phải luôn thận trọng, tỉnh táo trong việc lựa chọn, mua các loại thực phẩm thiết yếu sử dụng trong bữa ăn hàng ngày để hạn chế được tình trạng “bệnh từ miệng mà vào”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bệnh từ miệng mà vào”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO