"Mắt" của rừng Bu Nơr

Hoàng Thanh| 16/02/2021 06:05

Ở bon Bu Nơr, xã Quảng Tâm (Tuy Ðức) có đôi vợ chồng già người M’nông từ nhiều năm nay thầm lặng tham gia bảo vệ, giữ rừng cộng đồng. Với sự nỗ lực của hai vợ chồng và bà con, hàng trăm héc ta rừng luôn xanh tươi, đứng vững giữa đại ngàn, không bị xâm phạm, tàn phá.

ADQuảng cáo

Giữ gìn di sản của tổ tiên

Từ trung tâm xã Quảng Tâm vượt hơn 10 km đường dốc khúc khuỷu, trơn trượt, chúng tôi mới tới được bìa rừng - nơi ông Điểu Nơi (SN 1959) cùng vợ là bà Thị Xuân (SN 1960) đang "cắm chốt". Chúng tôi khá bất ngờ bởi chốt giữ rừng của ông bà là căn nhà lá đơn sơ, mang dáng dấp nhà truyền thống của đồng bào M’nông.

Đi ra từ cánh cửa thấp, duy nhất của căn nhà, ông Điểu Nơi vồn vã đón tiếp, rồi mời chúng tôi vào nhà. Bên bếp lửa giữa căn nhà ấm áp, xua tan đi cái giá lạnh của núi rừng, ông kể rất nhiều chuyện về đất và người ở nơi này. Trong đó, căn nhà giữ rừng của ông bà hiện nay là trung tâm của bon Bu Nơr ngày xưa.

Theo ông Điểu Nơi, ông được sinh ra ngay chính tại nơi này, lúc bấy giờ bon Bu Nơr chỉ có chưa đầy chục nóc nhà. Bà con, bon làng sinh sống dựa vào núi rừng. Rừng chở che, cung cấp cho bà con, bon làng mọi thứ, nước thì đã có suối, cái ăn hằng ngày ngoài lúa rẫy còn có rau rừng, thịt thú rừng...

Những năm kháng chiến chống Mỹ, bà con bon Bu Nơr còn tham gia nuôi giấu, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cán bộ cách mạng và bộ đội. Khi biết việc này, năm 1960, địch đã bắt bà con phải dời bon ra ngoài tại địa điểm như hiện nay.

Chốt giữ rừng của vợ chồng ông Điểu Nơi.

Phải rời xa nơi chôn rau cắt rốn, đất của ông bà tổ tiên, bà con ai cũng buồn lắm. Ông Điểu Nơi chia sẻ: “Buồn nhất là khi bà con rời đi, rừng ở đây liên tục bị tàn phá. Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc, nhiều người còn phá rừng để lấy đất trồng cây công nghiệp, thật xót xa”.

Đến khi tỉnh Đắk Nông thành lập, hưởng ứng chủ trương Nhà nước giao cho bà con quản lý, bảo vệ rừng, ông Điểu Nơi tham gia ngay. Ông Điểu Nơi làm Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr ngay từ ngày đầu thành lập.

Ông thường xuyên dặn dò con cháu: "Rừng của tổ tiên để lại, từng che chở, bảo vệ cha ông, cách mạng trong những năm kháng chiến chống giặc. Rừng cũng đã nuôi sống và cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Các con, các cháu phải nhớ dù thế nào cũng không được phá rừng, phải bảo vệ rừng, giữ rừng không để mất đi báu vật của cha ông để lại”.

Đến năm 2013, khi các con đã trưởng thành, có gia đình riêng, ông bà quyết định quay lại chốn cũ ở, vừa có điều kiện giữ rừng và cũng là nơi gắn bó với ông bà, tổ tiên. Hằng ngày, ông thường xuyên duy trì việc tuần tra rừng. Dấu chân ông in khắp nẻo, ông thuộc từng gốc cây, từng con suối. Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng mắt ông vẫn rất tinh tường và được bà con ví như "mắt" của cánh rừng Bu Nơr.

ADQuảng cáo

Tình yêu rừng như thấm vào máu thịt

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức, Ban quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr hiện có 38 thành viên, được giao bảo vệ gần 2.000 ha rừng. Trong đó, năm 2005, bà con bon Bu Nơr được giao quản lý, bảo vệ 1.016 ha (thuộc các tiểu khu 1409 và 1489). Đến năm 2013, UBND tỉnh có chủ trương thu hồi 853,7 ha đất rừng (thuộc các tiểu khu 1495, 1488 và 1481) do Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng quản lý và giao cho Ban quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr bảo vệ luôn. Từ đó, bon lập chốt bảo vệ rừng, chia ca tuần tra cùng lúc 2 khu rừng.

Nơi vợ chồng ông Điểu Nơi cắm chốt bảo vệ chủ yếu thuộc các tiểu khu 1495 và 1488. Theo bà Thị Xuân, từ khi tham gia Ban quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr chưa ngày nào ông Điểu Nơi bỏ một buổi tuần rừng, dù có phải ca trực của mình hay không.

Ông Điểu Nơi nhớ lại: “Vào năm 2018, có đối tượng thuê người vào phá 2 ha rừng thuộc tiểu khu 1488. Khi phát hiện, tôi một mặt báo ngay cho lực lượng chức năng, mặt khác kiên quyết không cho chúng cưa, chặt cây nữa. Tối đó, đối tượng phá rừng là Tráng A Sung, người Mông đã dùng súng đe dọa tôi và anh em. Tuy nhiên, tôi không sợ mà cùng anh em nhất quyết nhổ hết trụ tiêu của đối tượng đã trồng. Hiện nay, tại diện tích này cây rừng đã lên xanh, “vết sẹo” của rừng cũng dần lành lặn".

Với Điểu Nơi và bà con bon Bu Nơr, tình yêu đối với rừng như đã thấm vào máu thịt. Nếu không có tình yêu với rừng của bà con có lẽ những cánh rừng này đâu còn như hôm nay.

Trong rừng còn rất nhiều cây to là nhờ công sức, tâm huyết bảo vệ rừng của bà con bon Bu Nơr

Còn sức còn tham gia bảo vệ rừng

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức, tính từ năm 2013 đến nay, ông Điểu Nơi cùng các thành viên Ban quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr đã kịp thời ngăn chặn hàng chục vụ phá rừng có diện tích từ 1 ha trở lên và thông báo, phối hợp với lực lượng chức năng thu 56 súng tự chế, 10 xe máy cày dùng để chở gỗ và hàng trăm bẫy thú rừng các loại.

Tuy nhiên, vào đầu năm nay, bà con bon Bu Nơr hơi buồn vì tỉnh đang có chủ trương thu hồi 2 tiểu khu 1481 và 1488 giao cho Công ty Nam Tây Nguyên bảo vệ.

Ông Điểu Nơi cho biết: “Chúng tôi giữ rừng vì tình yêu với rừng, muốn giữ lại cho con cháu mai sau. Thực tế, nhiều chủ rừng để rừng bị mất, trong khi rừng chúng tôi giữ đang xanh tươi thế này, nay lại giao cho người khác, nên thấy như mất đi một đứa con vậy. Chừng nào còn sức, tôi còn tham gia bảo vệ rừng”.

Chia tay, ông Điểu Nơi tiễn chúng tôi ra hết bìa rừng. Còn ông, một tay cầm xà gạc cùng anh em lại âm thầm đi vào rừng tiếp tục công việc của mình. Với những “đôi mắt” và tình yêu với rừng của bà con nơi đây, chắc hẳn không một tên lâm tặc nào có thể lộng hành, tàn phá rừng được.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Mắt" của rừng Bu Nơr
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO