Vườn Quốc giaTà Đùng: Phối hợp cùng người dân gìn giữ rừng đặc dụng

20/01/2020 11:43

Để quản lý hàng nghìn ha rừng đặc dụng, thời gian qua, Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng đã kết hợp cùng người dân cùng tham gia tuần tra, bảo vệ rừng hiệu quả. Đối với những người dân tham gia giữ rừng, họ cũng có cuộc sống dần ổn định và yên tâm, gắn bó với nghề rừng.

ADQuảng cáo

Ngoài giá trị về môi trường, rừng ở VQG Tà Đùng còn có giá trị cao về cảnh quan

Ở tuyến đầu giữ rừng

Những ngày đầu mùa khô này, thay vì chỉ đi tuần tra rừng định kỳ, hôm nay, ông Lương Văn Dển cùng gần chục người trong tổ nhận khoán rừng ở VQG Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong phải đem thêm dao phát, quốc, xẻng để dọn thực bì. Theo ông Dển, ngay từ cuối mùa mưa, các tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng đã được triển khai nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng. Vì vậy, chỉ cần nắm được thông tin do cán bộ kiểm lâm thông báo phát dọn, làm đường băng cản lửa là tổ nhận khoán chuẩn bị dụng cụ đầy đủ.

Được các cán bộ kiểm lâm VQG Tà Đùng hướng dẫn cách phát, dọn cây cỏ, cây bụi nằm dưới tán rừng thông hơn 4 năm tuổi, ông Dển cũng như những người trong tổ nhận khoán biết thêm cách bảo vệ rừng trồng trước nguy cơ bị “giặc lửa” xâm hại. “Nếu không phát, dọn sạch thực bì thì rừng rất dễ bị cháy. Nhất là với rừng thông, công việc “dọn” rừng phải càng cẩn thận. Chỗ nào nhiều thực bì khô, mọi người phải tranh thủ gom, rồi đốt từng ít một”, ông Dển lý giải việc phòng, chống cháy rừng.

Lực lượng kiểm lâm và các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng tham gia đốt, phát dọn thực bì

Cũng theo ông Dển, ngoài nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng, ở trong mùa khô này, các tổ nhận khoán còn phải tăng cường tuần tra rừng với mật độ cao hơn. Mùa này, ngoài chuyện người dân đốt nương rẫy dễ gây cháy rừng thì tình trạng vào rừng săn bắt thú rừng cũng nhiều. Chính vì vậy, những người nhận khoán quản lý bảo vệ rừng như ông Dển phải đi tuần tra nhiều hơn. Khi thường xuyên gặp, tiếp xúc với lực lượng quản lý bảo vệ rừng thì tình hình xâm hại rừng ở đây cũng giảm hẳn…

Kiểm lâm cùng người dân bảo vệ rừng

VQG Tà Đùng hiện có hơn 21.000 ha rừng và đất rừng. Diện tích rừng trải rộng từ phía các xã Phi Liêng, Đạ K’nàng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) và kéo dài về các xã Đắk R’măng, Đắk Som, thuộc huyện Đắk Glong. Với địa bàn giáp ranh rộng, trong khi đó lực lượng quản lý bảo vệ giới hạn, nên việc kết hợp cùng người dân quản lý bảo vệ rừng luôn được đơn vị đặc biệt chú trọng. Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Tà Đùng cho biết: “Để nâng cao trách nhiệm cho người dân, đơn vị đã giao cho hơn 200 hộ dân ở các xã giáp ranh thuộc huyện Đam Rông và Đắk Glong quản lý bảo vệ hơn 6.000 ha rừng. Với việc giao rừng cho người dân quản lý bảo vệ đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xâm hại rừng”.

Ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, VQG Tà Đùng còn trồng hàng trăm ha rừng ngập nước

ADQuảng cáo

Cũng theo ông Đồng, để công tác giao khoán rừng, cũng như tuần tra rừng của người dân và lực lượng kiểm lâm được hiệu quả thì việc xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng luôn được triển khai chặt chẽ. Theo đó, cứ mỗi trạm quản lý bảo vệ rừng, đơn vị sẽ bố trí một lực lượng kiểm lâm nhất định. Tương ứng với các trạm này là các tổ quản lý bảo vệ rừng. “Với việc bố trí hợp lý giữa lực lượng chuyên trách kiểm lâm và nguồn lực từ các tổ nhận khoán, nên công tác tuần tra, phát hiện, xử lý những trường hợp xâm hại rừng luôn được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Cũng qua tuần tra bảo vệ thì chính lực lượng kiểm lâm đã hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nhận khoán từng bước nâng cao nhận thức trong giữ rừng. Mặt khác, một khi các hộ nhận khoán hiểu rõ về giá trị rừng, họ cũng góp phần tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư địa phương hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Văn Đồng phân tích.

Được biết, trong những năm qua, hàng nghìn ha rừng đặc dụng ở VQG Tà Đùng luôn được quản lý bảo vệ chặt chẽ. Chính vì vậy, các vụ việc xâm hại rừng thường được người dân cũng như lực lượng quản lý bảo vệ rừng phát hiện, ngăn chặn kịp thời...

Đường băng cản lửa được các hộ nhận khoán rừng đốt, dọn đúng kỹ thuật

Nâng cao đời sống cho người dân

Để người dân yên tâm với công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng, ông Khương Thanh Long, Giám đốc VQG Tà Đùng cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là bảo đảm thu nhập ổn định. Theo ông Long, hàng năm, mỗi hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng ở VQG Tà Đùng nhận được từ 15-20 triệu đồng tiền giao khoán. Ngoài ra, nếu tham gia các hoạt động khác như: Trồng rừng, chăm sóc rừng thì còn được đơn vị hỗ trợ để tăng thêm thu nhập. “Có nguồn thu ổn định từ việc nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nên người dân yên tâm hơn với công việc. Khi người dân gắn bó với hoạt động giữ rừng đã góp phần giúp đơn vị giảm được rất nhiều áp lực từ công tác quản lý bảo vệ rừng, trong giai đoạn hiện nay”, ông Khương Thanh Long cho biết.

Diện tích rừng ngập nước góp phần tái tạo hệ sinh thái và cảnh quan hồ Tà Đùng

Là người tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng đã nhiều năm, ông K’Brế ở xã Đắk Som cho biết thêm, tham gia giữ rừng ông còn có cơ hội giao lưu, nâng cao đời sống tinh thần. “Hàng năm, VQG đều tổ chức gặp mặt, hay giao lưu thể thao. Qua những lần tham gia, tình cảm của những người dân với VQG Tà Đùng càng được thắt chặt, gắn bó hơn. Chúng tôi luôn xem nơi đây như là ngôi nhà chung của mọi người giữ rừng”, ông K’Brế bộc bạch.

VQG Tà Đùng có khoảng 2.000 loài động, thực vật

VQG Tà Đùng nằm ở phía Đông của cao nguyên Đắk Nông, phía Tây của cao nguyên Di Linh và phía Tây Nam của vùng núi cao Chư Yang Sin. Đây là nơi giao thoa về địa lý – sinh học của khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ.

Qua điều tra của các nhà khoa học ghi nhận, VQG Tà Đùng có khoảng 2.000 loài động, thực vật; trong đó, có 1.406 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 760 chi và 192 họ của 6 ngành thực vật khác nhau. Có 574 loài động vật được ghi nhận, trong đó có 62 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 248 loài có tên trong Sách đỏ IUCN…

Những kết quả trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở VQG Tà Đùng luôn được ngành Lâm nghiệp đánh giá cao. Có được thành quả này phải kể đến công tác giao khoán rừng và đồng hành cùng người dân địa phương tham gia rừng luôn được đơn vị thực hiện chu đáo, chặt chẽ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn Quốc giaTà Đùng: Phối hợp cùng người dân gìn giữ rừng đặc dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO