“Lá chắn” giữ rừng

Thụy Nguyên – Lê Phước| 20/01/2020 10:33

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã huy động các hộ dân sống gần rừng tham gia mô hình phát triển làm nông-lâm nghiệp kết hợp. Nhờ đó, đơn vị không chỉ hạn chế được tình trạng phá rừng mà còn khôi phục, phát triển được hàng trăm ha rừng cũng như tạo sinh kế cho hàng chục hộ nông dân...

ADQuảng cáo

Tạo sinh kế trên đất lâm nghiệp

Sau vài tuần nắng gắt đầu mùa khô, vào thời điểm cuối năm, từng đợt không khí lạnh đã kéo đến các cánh rừng thuộc cực Nam khu vực Tây Nguyên (ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức). Dưới cái nắng gắt mùa khô kết hợp với không khí khô hanh đã làm nhiều diện tích cây trồng của các hộ dân ven rừng rũ xuống vì thiếu nước và độ ẩm. Để hạn chế cây trồng chết, nhiều hộ trồng cây mắc ca trên diện tích đất lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã phải tất bật lo nguồn nước.

Do có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ, nên rừng ở Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên ít bị xâm hại

Nằm sát mép cánh rừng già là vạt đất rộng hơn 4 ha đã được gia đình chị Trần Thị Quyên, bon Bu Sóp, xã Quảng Trực, dọn sạch để trồng cây mắc ca. Xen lẫn với từng hàng mắc ca cao hơn 1 m còn có sầu riêng ghép đang bung chồi non. Theo chị Trần Thị Quyên, năm 2018, khi được Công ty vận động, rồi hỗ trợ 600 cây mắc ca và 400 cây sầu riêng thì gia đình đã mạnh dạn tham gia mô hình nông-lâm kết hợp. Ngoài số cây giống được hỗ trợ trị giá hơn 60 triệu đồng, gia đình còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đến kỳ thu hoạch, gia đình cũng chỉ phải trả một ít chi phí cho Công ty.

“Để lấy ngắn nuôi dài vườn cây thì gia đình phải đi làm thuê thêm ở ngoài. Khi vườn cây vào vụ thu hoạch ổn định và được Công ty tìm thêm đầu ra thì không phải lo lắng gì nữa”, chị Quyên kỳ vọng.

Tương tự như gia đình chị Quyên, vườn mắc ca hơn 2 ha đất của ông Điểu S’rót cũng phát triển khá đồng đều. Mặc dù là cây trồng mới, thế nhưng, với sự hỗ trợ tích cực của Công ty nên qua hai mùa mưa chăm sóc, đến nay, các khâu cắt, tỉa cành và bón phân đều được gia đình thực hiện thuần thục. Theo ông Điểu S’rót, dù vườn cây mới trồng, nhưng với mức phát triển như hiện nay, gia đình rất kỳ vọng đây sẽ là nguồn thu chính trong những năm tới.

Giữ ổn định hơn 19.000 ha rừng

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên có 70 cán bộ, viên chức, người lao động tham gia giữ hơn 19.000/23.000 ha rừng. Mặc dù phần lớn diện tích rừng giáp ranh với nương rẫy của người dân, nhưng trong những năm qua, tình trạng xâm chiếm, phá hoại rừng ở nơi đây xảy ra rất ít. Theo lãnh đạo đơn vị, ngoài nỗ lực của chủ rừng thì chính sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, các đơn vị liên quan và nhất là người dân sống ven rừng đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xâm hại rừng.

ADQuảng cáo

Phủ xanh hàng trăm ha đất trống

Nói về câu chuyện cùng nông dân làm mô hình nông-lâm kết hợp ở ven rừng, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết, để giữ rừng và phát triển rừng bền vững thì chính chủ rừng lẫn người dân sống gần rừng phải có cuộc sống ổn định. Qua tìm hiểu từ các đơn vị trong ngành Lâm nghiệp thì đơn vị đã mạnh dạn phối hợp với người dân cùng thực hiện mô hình nông-lâm kết hợp, đó là trồng cây lâm nghiệp (cây mắc ca-PV) xen với một số loại cây ăn quả. Sau thời gian nghiên cứu kỹ càng, đơn vị nhận thấy, loại cây lâm nghiệp phù hợp nhất để thực hiện mô hình này chính là mắc ca (Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định mắc ca thuộc diện lâm nghiệp - P.V). Bởi vì, mắc ca đã được trồng khảo nghiệm tại vùng đất Quảng Trực, phù hợp với phong tục tập quán sản xuất của người dân địa phương và hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.

Được chăm sóc đúng kỹ thuật, nên qua gần 2 năm, nhiều diện tích mắc ca của các hộ dân đã vươn cao

“Qua thực tế triển khai cho thấy, ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng sẽ rất khó thực hiện trồng rừng sản xuất trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Bởi vì, giá trị cây rừng hiện không thể cạnh tranh được với cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu… Vì vậy, để vừa phủ xanh được đất lâm nghiệp còn trống và phù hợp với quy hoạch trong nâng tỷ lệ che phủ rừng (bằng cây lâm nghiệp-PV) thì đơn vị đã vận động bà con trồng cây mắc ca. Trồng cây mắc ca vừa đạt mục đích phủ xanh đất rừng và vừa đạt mục tiêu nâng cao thu nhập cho những hộ dân sống ven rừng. Một khi người dân có nguồn thu ổn định thì không ai muốn quay vào rừng xâm hại để tìm kế sinh sống”, ông Bình phân tích.

Trong các năm 2018-2019, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã liên kết với hơn 51 hộ dân và hỗ trợ giống trồng hơn 120 ha cây mắc ca, cùng một số cây ăn quả trên những diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Mỗi ha Công ty hỗ trợ từ 15-20 triệu đồng tiền cây giống các loại. Ngoài ra, trên nhiều diện tích đất lâm nghiệp khác, Công ty cũng đã trồng hơn 300 ha cây cao su, mắc ca. Những diện tích đất ven rừng dần được phủ xanh này là "rào chắn" quan trọng để giữ rừng.

Cũng theo ông Bình, không chỉ hỗ trợ giống ban đầu, trong quá trình thực hiện mô hình nông-lâm kết hợp thì Công ty sẽ vận động người dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và hướng đến liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đơn vị cũng chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp chế biến nông sản để lo đầu ra cho các sản phẩm này. Khi vườn cây của người dân cho thu nhập ổn định thì Công ty chỉ lấy khoảng 10% lợi nhuận, nhằm phục vụ lại công tác quản lý rừng và đất đai.

Đến nay, mô hình làm nông-lâm kết hợp để phủ xanh đất trống lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên bước đầu đã có kết quả khả quan. Qua thống kê sơ bộ, đã có gần 200 ha đất lâm nghiệp của Công ty từng bị người dân lấn chiếm trước đây giờ đã được phủ xanh bằng chính cây lâm nghiệp. Từ kết quả ban đầu, Công ty dự định sẽ phủ xanh thêm nhiều phần đất lâm nghiệp trống khác bằng chính mô hình nông-lâm kết hợp này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lá chắn” giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO