Đảng còn tín nhiệm, dân còn tin thì vẫn “Vác tù và hàng tổng”!

Hoàng Bảo| 20/01/2020 11:55

Đó là tâm sự chung của đội ngũ bí thư cấp thôn, bon sau sắp xếp lại bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Mặc dù bước đầu công việc nhiều hơn, một người “gánh từ hai đến ba vai”, song nhìn chung đội ngũ cán bộ cơ sở không nản mà luôn làm việc bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất.

ADQuảng cáo

“Hai vai” có nhiều thuận lợi

Hơn 1 năm nay, ông Nguyễn Duy Mạnh, ở bon Bu Sốp, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) được cấp ủy địa phương tín nhiệm giao nhiệm vụ bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận bon. Với “hai vai”, khi trực tiếp bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, ông mới thấy công việc mới không hề đơn giản. Bởi Mặt trận là cấp gần dân, sát dân, mọi phong trào, hoạt động đều dựa vào dân để thực hiện, nên đòi hỏi thời gian ông dành cho công việc cũng nhiều hơn.

Qua những lần xuống dân, ông Nguyễn Duy Mạnh (bên trái) phần nào biết được nghị quyết chi bộ đề ra triển khai thực hiện thế nào để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp

Qua một thời gian, ông nhận thấy, việc làm một lúc “hai vai” có nhiều thuận lợi hơn suy nghĩ ban đầu. Đó là ông được gần gũi hơn với bà con, từ đó hiểu biết, nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân một cách trực tiếp nhất. Đặc biệt, qua những lần xuống dân, ông phần nào biết được nghị quyết chi bộ đề ra triển khai thực hiện thế nào, phù hợp hay không, phân công công việc, trách nhiệm của các cá nhân đúng chưa để từ đó có sự điều chỉnh.

Ông Mạnh cho biết: Việc nhiều thì có nhiều thật, nhưng càng làm càng thấy tâm huyết, đam mê và tâm đắc. Mặc dù làm công tác mặt trận đúng như “làm dâu trăm họ”, nhưng khi đã làm rồi mình mới hiểu bà con cần gì, nghĩ gì từ các phong trào, hoạt động của Mặt trận, của thôn. Đặc biệt, qua một thời gian đảm nhận hai vai trò, càng đi, tôi càng hiểu bà con mình luôn đoàn kết, tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ, chính quyền, ủng hộ cán bộ hết mình. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với công việc, phát huy vai trò của người cán bộ, đảng viên không ngại khó, ngại khổ.

Trong quá trình vận động triển khai các phong trào, hoạt động, ông Mạnh cũng luôn tranh thủ gặp gỡ cán bộ lão thành, già làng, người có uy tín trong bon để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu thêm về văn hóa của đồng bào để có cách ứng xử, tuyên truyền phù hợp. Vì vậy, dù mới bước đầu đảm nhận hai vai trò cùng một lúc, nhưng ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được bà con tin tưởng, ủng hộ.

Phải hy sinh lợi ích cá nhân

Sau sắp xếp theo tinh thần Nghị quyết 18, ông Đàm Văn Thình ở thôn 4, xã Đắk D’rông (Cư Jút) được phân công làm bí thư chi bộ kiêm chi hội trưởng cựu chiến binh thôn. Theo ông Thình tâm sự, thêm nhiệm vụ đồng nghĩa với việc thêm trọng trách, trách nhiệm, trước làm một thì nay phải làm gấp đôi, thậm chí gấp ba bốn lần thì mới quen được các đầu việc.

Khi làm chi hội trưởng cựu chiến binh, ông phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu các văn bản, Điều lệ Hội cũng như các chủ trương, chính sách bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho hội viên. Chưa kể, cựu chiến binh là những người đã từng tôi luyện qua môi trường quân ngũ, gương mẫu từ lời ăn, tiếng nói, am hiểu nhiều lĩnh vực và có uy tín với bà con. Vì vậy, ông luôn nhắc nhở bản thân, nói phải đúng và trúng, không cần nói dài mà trọng tâm, trọng điểm để hội viên tin tưởng như người bí thư chi bộ nói với cán bộ, đảng viên của mình.

Vì vậy, dù việc chi bộ hay việc chi hội, ông đều lên kế hoạch, nghiên cứu kỹ rồi mới phổ biến cho cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân. Có lúc việc nhiều, ông nghĩ hay mình nghỉ vì sợ không thể chu toàn hết mọi việc. Nhưng sau khi nghĩ lại, ông nhận ra là người cán bộ, đảng viên khi được giao nhiệm vụ thấy khó mà thoái thác thì có lỗi với Đảng, với dân, nên tiếp tục gắn bó với công việc.

ADQuảng cáo

Trên tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động ban hành Nghị quyết số 18, ngày 12/6/2018 “Về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đến thời điểm này, tất cả các địa phương trong tỉnh đã cơ bản sắp xếp hoàn thành các chức danh cán bộ thôn, tổ dân phố theo tinh thần Nghị quyết 18 đề ra. Toàn tỉnh đã giảm được 1.875 người ở thôn, tổ dân phố so với trước. Sau sắp xếp cần thời gian tiếp cận với công việc mới, nhưng bước đầu bộ máy ở cấp thôn đều vận hành tốt, không rườm rà và đang từng bước nâng cao chất lượng theo đúng tinh thần “nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động”.

Ông Thình cho biết: Trước đây, là bí thư chi bộ, tôi đi vận động ít hơn vì đã phân công cho ban tự quản thôn và các tổ chức đoàn thể cùng thực hiện. Nhưng nay, tôi kiêm thêm chi hội trưởng cựu chiến binh thì mọi việc của thôn tôi đều tham gia hết, chưa sót việc gì. Như trong vận động người dân, ngoài phát trên loa thông báo, tôi còn tranh thủ đi vào những buổi tối để không ảnh hưởng đến công việc đồng áng của bà con, nhất là thời điểm mùa màng như thế này.

Vợ ông thường nói ông “việc nhà thì nhác, việc nhà khác thì siêng”. Lúc đó, ông chỉ cười xòa và nói: Không siêng không được, bà muốn “vác” có được “vác” đâu, được “vác” là vinh dự đấy… Ông Thình tậm sự: Nói chung, những công việc này làm phải nhiệt tình, phải có trách nhiệm và phải hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích tập thể. Nhiều người gặp bảo tôi nghỉ cho khỏe, nhưng tôi kiên định lắm, khi nào mà cán bộ, đảng viên và người dân không cho làm thì tôi nghỉ, chứ tôi không xin nghỉ.

Cũng theo ông Thình, việc sắp xếp bộ máy bước đầu sẽ có những khó khăn nhất định, nhất là những người kiêm nhiệm nhiều việc cùng một lúc, nhưng theo thời gian khi mọi việc đã vào guồng quay của nó thì sẽ trôi chảy, thuận lợi, đâu sẽ vào đấy.

Làm được gì cho bà con thì cứ làm

Tương tự, sau sắp xếp bộ máy thôn, ông Vũ Ngọc Ký, bí thư chi bộ được phân công kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn 3, xã Nam Bình (Đắk Song). Mặc dù thêm việc, nhưng nhờ làm bằng cái tâm, lòng nhiệt huyết, đam mê nên công việc nào ông cũng hoàn thành xuất sắc.

Ông Ký cho biết: Từ một việc đến hai việc tất nhiên sẽ có cái khó, cái mới đòi hỏi phải dành thời gian, công sức nhiều hơn, cho nên vất vả hơn là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, tôi luôn nghĩ rằng, mọi việc đề ra, người dân là người thực hiện nên phải phát huy được dân chủ trong dân. Bởi khi dân đồng thuận, ủng hộ thì hai việc chứ nhiều việc hơn, việc khó hay dễ cũng sẽ hoàn thành. Do đó, tôi luôn lấy dân làm gốc, mọi việc tôi triển khai đều xuất phát từ dân “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng lợi".

Cũng với suy nghĩ đó, dù đảm nhận “hai vai” cùng một lúc, nhưng ông Ký chưa bao giờ kêu ca hay phàn nàn mà luôn lạc quan, làm việc bằng tinh thần cao nhất vì đã có bà con ủng hộ. Như Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019, dù thời điểm thu hoạch mùa màng, nhưng khi được ông thông báo, bà con đều đến dự đông đủ, đúng giờ. Hay trong làm đường bê tông nông thôn, ông chỉ tổ chức có 3 cuộc họp dân là đã thành công. Trong vòng hơn 2 tháng các con đường bê tông trong thôn đã hoàn thành, trong đó huy động từ người dân là 508 triệu đồng. Trong vận động quỹ vì người nghèo, khi họp dân, bà con tự nguyện đóng tại chỗ, có người đưa đến tận nhà ông để đóng góp, giúp ông không phải đi lại nhiều.

Cũng vì niềm tin của người dân dành cho mình, nên làm gì ông Ký cũng luôn nghĩ cho dân trước. Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2020, ông đã đi vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm được trên 200 kg gạo để hỗ trợ cho hộ nghèo.

Ông Ký tâm sự: Dân nghĩ cho mình, ủng hộ mình trong mọi hoạt động thì mình cũng phải hết lòng vì dân, nhất là những gia đình nghèo, yếu thế trong xã hội. Do đó, tôi nghĩ làm được gì cho bà con thì mình cứ làm, nhỏ cũng được, ít cũng được, chủ yếu là tấm lòng và sự quan tâm để bà con có thêm động lực trong cuộc sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng còn tín nhiệm, dân còn tin thì vẫn “Vác tù và hàng tổng”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO