Cư Jút phát triển các điểm du lịch gắn với Công viên địa chất Đắk Nông

20/01/2020 10:51

Để phát huy tốt những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Cư Jút đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở để huyện xây dựng kế hoạch, định hướng, đầu tư phát triển du lịch gắn với Công viên địa chất Đắk Nông nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong tương lai.

ADQuảng cáo

Huyện Cư Jút có nhiều sông, hồ, thác ghềnh như: Thác Trinh Nữ, thác LinDa, thác 7 nhánh, thác D’ray H’linh, Hồ Trúc. Cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện còn mang đậm bản sắc văn hóa của nhiều vùng miền, dân tộc. Trong đó, có các nghi lễ, lễ hội như: Lễ rước ghế Kpan, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước của người Ê đê; lễ cấp sắc của người Dao…

Bảng thông tin về CVĐC Đắk Nông tại huyện Cư Jút

Cư Jút nằm trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông. Do vậy, với mục tiêu phát triển bền vững, huyện đã có kế hoạch xây dựng các sản phẩm du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa gắn với tham quan các cộng đồng dân tộc tại chỗ. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được những địa chỉ du lịch đặc trưng, có thể phát triển thành các điểm du lịch tầm cỡ để thu hút cộng đồng.

Một trong các địa chỉ du lịch văn hóa ở Cư Jút là buôn Nui, xã Tâm Thắng. Buôn Nui là nơi quần tụ của đồng bào Ê đê, nằm cạnh quốc lộ 14, có 278 hộ với 1.578 khẩu. Đời sống của người dân ở đây chủ yếu bằng nông nghiệp, chăn nuôi và trồng cây công nghiệp như tiêu, cà phê, điều và các nghề đan lát mây tre, dệt thổ cẩm, rượu cần… Hiện nay, người Ê đê ở buôn Nui vẫn duy trì, bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hình ảnh bến nước, nhà dài chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí của mỗi người dân. Các lễ hội truyền thống như: Ăn cơm mới, mừng nhà mới, lễ cúng vòng đời,… thường xuyên được tổ chức. Các loại nhạc cụ truyền thống như: Cồng chiêng, Đinh năm, Đinh tút, hát dân ca, Airay, Kứt cùng với dệt thổ cẩm, đan lát thủ công từ mây tre và các món ăn truyền thống như cơm lam, thịt nướng, cà đắng, rượu cần... vẫn được bảo tồn và gìn giữ cho tới ngày nay. Đến nay, buôn Nui là một trong những điểm tham quan nằm trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông đã và đang được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư một cách có hệ thống nhằm giúp du khách có một cái nhìn tổng quan về đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của bà con.

Trung tâm thông tin CVĐC Đắk Nông tại huyện Cư Jút

ADQuảng cáo

Làng văn hóa người Dao, cách trung tâm xã Đắk Wil khoảng 1 km, cũng là một địa điểm nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Dân tộc Dao có một nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc thể hiện qua nhiều phong tục, nhiều điệu múa đẹp, nhiều bài hát hay, kho tàng truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn, ca dao, thành ngữ, câu đố... Hiện, bà con làng Dao vẫn còn giữ được nhiều phong tục như: Hôn nhân, lễ cấp sắc, các ngày lễ, tết truyền thống. Đặc biệt, Lễ hội cấp sắc là nghi lễ quan trọng của người Dao cũng thường xuyên được tổ chức.

Về ẩm thực, đồng bào Dao có khá nhiều món ăn truyền thống như: Xôi nhiều màu, bánh chưng, bánh dầy, bánh rán, bánh giò, bánh trôi, bánh chay, bánh đúc, bánh sừng bò, bánh ngô… Làng văn hóa người Dao được UBND huyện đưa vào quy hoạch là một trong những điểm du lịch của huyện, nhằm phát triển làng Dao thành một điểm du lịch văn hóa trong thời gian tới cần triển khai thực hiện.

Vườn bưởi da xanh của ông Triệu Văn Hùng ở thôn Đồi Mây, xã Đắk Wil (Cư Jút) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Ở Cư Jút còn có vườn cây ăn trái nằm ở các thôn Đồi Mây, xã Đắk Wil, cũng là địa điểm du lịch canh nông mới, thu hút được nhiều người tham quan. Tổng diện tích vườn cây 113 ha, chủ yếu là xoài, cam, quýt, nhãn, vải, ổi, cóc, bưởi da xanh,... Ngoài thôn Đồi Mây, các thôn 8, thôn 9, xã Đắk Wil, việc trồng cây ăn trái cũng phát triển khá nhanh, khả năng diện tích sẽ được các hộ nông dân mở rộng 150 ha vào năm 2020. Đây là một loại hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch canh nông và được du khách đánh giá cao theo tuyến du lịch tham quan trên địa bàn huyện kết hợp với du lịch văn hóa làng Dao, gắn với Công viên địa chất Đắk Nông...

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các điểm du lịch trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông như: Núi lửa Băng Mo, thác nước Băng Rúp thuộc thác Trinh Nữ, điểm dừng chân cầu 14… có thể kết nối tuyến tua du lịch với các huyện Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Glong và các thành phố du lịch ngoài tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cư Jút phát triển các điểm du lịch gắn với Công viên địa chất Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO