Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020: Sớm khắc phục hạn chế, huy động tốt nguồn lực để đạt mục tiêu đề ra

Bình Minh| 20/08/2018 10:38

Theo mục tiêu phấn đấu đề ra đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 18 xã và 1 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Để đạt được mục tiêu này, ngoài nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2016-2018 thì việc linh hoạt huy động các nguồn lực trong xã hội có vai trò rất quan trọng.

ADQuảng cáo

Trong khi nguồn vốn đầu tư của nhà nước có hạn nên việc linh hoạt huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, người dân có vai trò rất quan trọng đến kết quả thực hiện xây dựng NTM. Ảnh: Mai Anh

Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế

Qua đánh giá của UBND tỉnh, kết quả chung về thực hiện chương trình NTM trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2018 đã đạt được những kết quả nhất định. Toàn tỉnh hiện có 10/61 xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt 11,97 tiêu chí, tăng 2,47 tiêu chí/xã so với năm 2015. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả chung đạt được, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trước tình trạng này rất cần các ngành, các cấp nhanh chóng vào cuộc giải quyết để không kéo tụt các bước tiến trong hành trình thực hiện các mục tiêu NTM đã đề ra.

Một trong những vấn đề bất cập hiện nay là công tác quán triệt, tuyên truyền ở nhiều địa phương còn chưa kịp thời và mới chỉ dừng lại ở diện rộng, thiếu chiều sâu dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa hiểu rõ, hiểu đúng mục tiêu, nội dung của chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt, một số địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao thì vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước, coi đây là việc của nhà nước, chứ chưa xác định được mình là chủ thể chính của chương trình NTM. Do đó, kết quả đạt được ở những nơi này chưa cao và có sự chênh lệch ngày càng lớn đối với các địa phương khác.

Việc huy động nguồn lực cho chương trình xây dựng NTM còn nhiều khó khăn, ngân sách đầu tư của nhà nước còn thấp so với yêu cầu thực tiễn. Vốn huy động đóng góp từ nhân dân còn hạn chế, vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp không nhiều. Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu mà nghị quyết của tỉnh đã đề ra.

Trong giai đoạn 2016-2018, vốn do Trung ương phân bổ có gần 289 tỷ đồng; vốn huy động của doanh nghiệp hơn 89 tỷ đồng và vốn huy động từ cộng đồng dân cư chỉ huy động được là hơn 145 tỷ đồng… Trên cơ sở này, UBND tỉnh cũng chỉ phân bổ về cho các đơn vị, địa phương thực hiện ở các nội dung chính của chương trình xây dựng NTM. Trong đó, các nội dung được phân bổ kinh phí nhiều như nâng cao năng lực và truyền thông về xây dựng NTM; chi phí quản lý, kiểm tra, giám sát ở các cấp; hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin-truyền thông; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao đời sống văn hóa của người dân nông thôn.

ADQuảng cáo

Một khó khăn, hạn chế nữa là trong thời gian qua việc bố trí cán bộ phụ trách công tác xây dựng NTM ở các cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã còn bất cập khi phải kiêm nhiệm nhiều việc khác, trong khi năng lực ở không ít nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, nhiều cán bộ được giao phụ trách NTM còn phải luân chuyển, chưa có chế độ đãi ngộ để khuyến khích tinh thần nên công tác tham mưu, tổng hợp báo cáo chưa sát thực về kết quả thực hiện NTM, từ đó chưa đánh giá đúng những tồn tại, hạn chế, cũng như đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả.

Mục tiêu phấn đấu trong năm 2018, toàn tỉnh có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh mỗi xã đạt 12,8 tiêu chí. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 18 xã và 1 huyện trở lên đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đạt bình quân từ 10 tiêu chí trở lên.

Tập trung triển khai các giải pháp then chốt

Trước những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM. Các ngành, địa phương rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn về trình độ, lập danh sách cử đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đòi hỏi đặt ra. Việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu, các dự án hỗ trợ thực hiện trên địa bàn để thực hiện các nội dung, mục tiêu của chương trình NTM cần được đẩy mạnh.

Công tác tuyên truyền, vận động các nội dung của chương trình để huy động sự vào cuộc, tự nguyện đóng góp tích cực từ phía doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế và đặc biệt là từ cộng đồng dân cư để “chung tay” cùng với nhà nước thực hiện hiệu quả chương trình phải tập trung thực hiện tốt hơn. Các địa phương cũng cần phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn và có các giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước. Nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trên cơ sở hỗ trợ về sản xuất, chăn nuôi, chuyển giao các kiến thức về khoa học, công nghệ, tiếp cận thị trường…

Chương trình NTM triển khai trên địa bàn tỉnh hiện nay đang ngày càng khai sâu rộng. Thế nhưng, trong điều kiện nguồn ngân sách đầu tư của Trung ương, địa phương có hạn thì việc phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, huy động đóng góp của doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội và sự cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị có vai trò rất quan trọng, đây cũng là yếu tố quyết định đến thành công của chương trình triển khai thực hiện trong thực tiễn.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020: Sớm khắc phục hạn chế, huy động tốt nguồn lực để đạt mục tiêu đề ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO