Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: Cần khắc phục hạn chế để thực hiện tốt giai đoạn tiếp theo

Ngọc Dũng| 17/07/2017 10:27

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã góp phần tích cực cho sự phát triển về mọi mặt của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

ADQuảng cáo

Một số cơ chế, chính sách về nông nghiệp ban hành chưa hiệu quả, thiếu tính khả thi và chậm sửa đổi

Nhiều hạn chế từ thực tiễn

Qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cho thấy bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện chương trình cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Việc huy động nguồn vốn là một trong những điều kiện quan trọng, quyết định hiệu quả trực tiếp của việc thực hiện các mục tiêu.

Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, việc huy động nguồn vốn chưa đạt được mục tiêu đề ra, chủ yếu là dựa vào ngân sách Nhà nước, chiếm đến trên 74% (quy định 40%). Nguồn vốn huy động trong nhân dân chiếm trên 20% (quy định khoảng 10%). Trong khi vốn tín dụng đầu tư chỉ đạt 2,6% (quy định 30%) và vốn huy động từ các doanh nghiệp chỉ đạt 1,9% (quy định 20%). Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Đạo, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, tình trạng này là do cơ chế lồng ghép các nguồn lực chưa rõ ràng, cụ thể. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng tại các ngân hàng thương mại phục vụ sản xuất còn khó khăn. Các ngân hàng chưa thật sự vào cuộc trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất liên quan đến xây dựng NTM.

Tương tự, việc thực hiện các tiêu chí cũng gặp nhiều hạn chế.  Mặc dù 100% xã đã được các huyện phê duyệt và công bố quy hoạch chung, nhưng qua giám sát, chất lượng quy hoạch chưa cao. Việc phát triển hạ tầng là yếu tố tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Thế nhưng, quá trình thực hiện, các đơn vị lại chủ yếu tập trung đầu tư cho một số lĩnh vực như hạ tầng giao thông, trường học. Việc đầu tư xây dựng các công trình nhà văn hóa cấp xã, cấp thôn chưa được chú trọng. Một số công trình sau khi được đầu tư chưa phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn, nhất là các công trình chợ, nước sạch tập trung...

Trong công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đã được quan tâm, nhưng việc lập quy hoạch các dự án nông nghiệp hiện còn nhiều bất cập. Công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Một số cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn ban hành chưa hiệu quả, thiếu tính khả thi và chậm sửa đổi. Ngành nông nghiệp thiếu cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

ADQuảng cáo

Nhiều chương trình, dự án nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn chồng chéo, khó lồng ghép, dẫn đến phân tán nguồn lực, kém hiệu quả. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo đạt thấp trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh.

Nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế nêu trên một phần là do hoạt động của Ban chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp xã chưa làm hết năng lực của mình. Thậm chí, một số cán bộ làm công tác tuyên truyền, nhưng không hiểu hết nội dung nên khi triển khai người dân không đồng thuận. Vai trò giám sát của người dân, cộng đồng trong việc lập quy hoạch, triển khai thực hiện chương trình còn mờ nhạt. Việc lựa chọn danh mục đầu tư gần như cấp xã hoàn toàn quyết định, không tổ chức họp dân để phát huy vai trò giám sát của cộng đồng.

Rà soát lại từng tiêu chí để có giải pháp tháo gỡ

Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra trong giai đoạn tiếp theo, tại phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh mới đây, các đại biểu đã phân tích và đưa ra nhiều giải pháp.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hoa cho rằng: “Để nâng cao chất lượng thực hiện các mục tiêu đề ra, trước tiên phải tập trung kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là phải bố trí nguồn cán bộ phụ trách ổn định, phải có trình độ chuyên môn. Mỗi cán bộ phải hiểu và nắm rõ về bản chất, mục tiêu của chương trình thì tuyên truyền và triển khai thực hiện trong nhân dân mới đạt hiệu quả”.

Về việc nhiều chương trình, công trình khi về đến địa phương nhưng không phát huy được hiệu quả, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Đạo cho rằng: “Qua giám sát, theo dõi thì có một số chương trình đầu tư về cho xã mà xã không biết. Nhiều xã cho rằng, tự mình phải “độc lập tác chiến” vì ngân sách của huyện một đường, ngân sách của tỉnh một nẻo, dự án này một kiểu, dự án kia kiểu khác. Vì vậy, cấp xã phải được phân cấp triệt để về vốn, bởi vì chương trình này do cấp xã quyết định, là chủ đầu tư, quản lý công trình trên cơ sở đề xuất của người dân. Sở Nông nghiệp - PTNT cần phải quản lý chặt chẽ, không để tình trạng quy hoạch một nơi mà làm một nẻo, nâng mức đầu tư lên”.

Trên cơ sở phân tích những yếu kém, hạn chế trong cả giai đoạn thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan cần nghiêm túc rà soát và phân loại hiệu quả thực hiện các tiêu chí. Đối với những tiêu chí đạt cao thì cần phát huy và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện. Đối với những tiêu chí đạt thấp và khó đạt cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để có hướng khắc phục triệt để trước khi vào thực hiện ở giai đoạn mới. Việc huy động vốn cũng cần thực hiện một cách khoa học và cân đối trong cơ cấu nguồn vốn, tránh trường hợp tạo gánh nặng cho nguồn vốn từ ngân sách. Cấp tỉnh và huyện phải hỗ trợ cấp xã trong vấn đề thực hiện cơ chế huy động vốn phù hợp với đặc điểm của từng xã. Các huyện cần đứng ra tác động, tạo cơ chế phù hợp để huy động thêm nguồn lực đóng góp từ các ngân hàng, doanh nghiệp, tăng thêm nguồn lực hỗ trợ các xã trong thực hiện mục tiêu đề ra. Mỗi xã cũng phải có cơ chế tài chính riêng để chủ động và tích cực trong quá trình thực hiện chương trình. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng cần linh động và phải dựa trên nhu cầu thực tế sử dụng của người dân, tránh trường hợp chạy theo số lượng, dẫn đến tình trạng bỏ hoang không sử dụng, nhất là các công trình chợ ở các xã.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: Cần khắc phục hạn chế để thực hiện tốt giai đoạn tiếp theo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO