Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), phòng chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa": Xây dựng Đảng về đạo đức

Nguyễn Xuyến| 23/05/2017 10:04

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và thường xuyên tự chỉnh đốn nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu để làm tròn sứ mệnh lịch sử lớn lao của mình.

Xây dựng Đảng được giới hạn ở ba nội dung: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Về mặt lý luận, xây dựng Đảng về tư tưởng đã bao hàm xây dựng Đảng về đạo đức.

Đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm mô hình trồng hoa trong nhà lồng của ông Trần Văn Quân ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa). Ảnh: P.T

Đại hội XII của Đảng, với nhận thức toàn diện, đã mở rộng nội dung xây dựng Đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Đây là lần đầu tiên, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức được tách thành một nội dung độc lập, được đặt ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng Đảng về đạo đức là sự bổ sung hết sức cần thiết trong đổi mới tư duy về xây dựng Đảng, phù hợp với nhu cầu xây dựng Đảng hiện nay.

Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại, thúc đẩy lẫn nhau, là cơ sở, tiền đề và hệ quả của nhau. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức nếu tách rời với đạo đức, hoặc xem nhẹ đạo đức sẽ dẫn tới tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Xây dựng Đảng về đạo đức trong tình hình hiện nay là điểm mấu chốt làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ, xứng đáng là Đảng cầm quyền.

Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng và thực hiện những chuẩn mực giá trị đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên. Chủ thể của xây dựng Đảng về đạo đức là toàn Đảng, toàn dân và bản thân từng đảng viên. Đối tượng xây dựng Đảng về đạo đức là từng tổ chức đảng, đảng viên. Mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng tổ chức đảng đoàn kết, có văn hóa, đội ngũ đảng viên tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, nghiêm chỉnh thực hiện những quy định về tư cách của người đảng viên trong Điều lệ Đảng và các quy định khác của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có  nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Trong Di chúc để lại cho muôn đời con cháu, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên bằng lời nói mà còn bằng chính tấm gương sống của bản thân mình. Người suốt đời tự rèn luyện và lúc nào cũng nghiêm cẩn khép mình vào đạo đức. Tấm gương đạo đức của Người là tuyệt vời trong sáng và trọn vẹn.

Hội nghị lần thứ 4 BCHTW khóa XII ban hành nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã chỉ ra một cách có hệ thống 9 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống và 9 biểu biện về “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ. Theo đó, Đảng yêu cầu phải “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức”.

Xây dựng Đảng về đạo đức gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị O5-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và Quy định về những điều đảng viên không được làm. Đây là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị, địa phương…

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện mình, hành động theo những chuẩn mực đạo đức, các nguyên tắc, quy định của Đảng.

Người còn cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là “căn bệnh gốc, bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh con, xấu xa, hư hỏng, lỗi thời”.

Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương, nhất là gương mẫu về đạo đức, trách nhiệm, lối sống…Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Hiện nay, các cấp ủy đảng và từng đảng viên đang thực hiện phê bình và tự phê bình theo Kế hoạch 04-KH/TW, ngày 16/11/2016 của Bộ Chính trị. Mỗi tổ chức đảng, đảng viên đối chiếu với 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã xác định, tự soi xét bản thân mình, thật thà nhận khuyết điểm, xác định rõ nguyên nhân, quyết tâm sửa chữa bằng những cam kết hành động cụ thể. Đây là giải pháp có tính đột phá khi xây dựng đảng về đạo đức.

Xây dựng Đảng về đạo đức gắn chặt với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức làm cho Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, chặt chẽ về tổ chức, trong sạch về đạo đức và lối sống, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tự hào và tin yêu của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), phòng chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa": Xây dựng Đảng về đạo đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO