Tạo lực đẩy cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (kỳ 2): Cần cú “hích” mạnh hơn

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 02/10/2018 10:02

Bên cạnh kết quả đạt được, đánh giá về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 04, Tỉnh ủy cũng thẳng thắn nhận định: So với tiềm năng, yêu cầu thực tiễn, nông nghiệp Đắk Nông hiện vẫn chưa có sự phát triển đồng bộ theo các vùng lợi thế. Việc ứng dụng công nghệ cao đa phần mới dừng lại ở các mô hình, bằng sự tiên phong của một bộ phận nông dân, doanh nghiệp, còn vai trò hỗ trợ từ phía nhà nước còn mờ nhạt...

ADQuảng cáo

Mô hình chưa được nhân rộng, lan tỏa

Ông Đinh Xuân Thu, chủ trang trại Thu Thủy, xã Nâm N’Jang (Đắk Song), một trong những người tiên phong về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện trang trại đã có 20 ha hồ tiêu được chứng nhận quốc tế USDA- Oganic (Mỹ) và hệ thống nhà kính, nhà lưới lên đến 3.000 m2 trồng các loại rau, quả.

Trang trại hồ tiêu của ông Đinh Xuân Thu theo chuẩn USDA- Oganic vẫn là mô hình duy nhất của tỉnh nhiều năm nay

Nhiều năm nay, đã có hàng ngàn lượt nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đến tham quan, tìm hiểu cách thức sản xuất hồ tiêu của gia đình. Với tư cách là Ủy viên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ông biết rằng chất lượng sản phẩm hồ tiêu của tỉnh vẫn chưa cao, việc phát hiện dư lượng các chất cấm vẫn còn xảy ra. Đồng nghĩa với điều này, dù thấy được cái lợi nhưng không ít nông dân vẫn chưa thấy được tầm quan trọng thật sự, lâu dài của việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Họ vẫn vì lợi ích kinh tế mà lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để chạy theo năng suất, sản lượng. 

Ông Thu cho biết: Mô hình chỉ dừng lại là mô hình nếu nhà nước không "mạnh tay" định hướng, hỗ trợ nông dân ở một số khâu trong quy trình sản xuất. Bản thân tôi, để sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận quốc tế và phát triển theo quy trình như hiện nay cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn, cả những thất bại. Bởi quá trình phát triển, bản thân tự tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật; tự lo về hồ sơ, thủ tục, vốn chứ vai trò của Nhà nước chưa thật sự là trụ cột. Nhiều chính sách hết sức ưu việt như vay vốn không cần thế chấp theo Nghị định 55 của Chính phủ, hỗ trợ đầu tư NNCNC, nông nghiệp sạch nhưng khi triển khai vào thực tế của tỉnh gặp nhiều rào cản”.

Rau, củ sản xuất trong nhà kính của gia đình ông Thu đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp

Theo thống kê, đến năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 3.200 mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, các công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác là 1.557 mô hình, còn lại là của nông hộ. Mặc dù trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao nhưng vẫn chưa được nhân rộng thành vùng, đại trà. Sự liên kết, hợp tác với doanh nghiệp của nông dân để bao tiêu sản phẩm chưa nhiều nên tình trạng được mùa mất giá liên tục diễn ra, hiệu quả kinh tế bình quân trên một ha đất canh tác vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước.

Nhà nước chưa là “đầu tàu”

Có thể nói, qua nhiều năm triển khai NQ 04, vai trò của Nhà nước trong công tác định hướng, triển khai, quản lý còn bộc lộ nhiều yếu kém. Trong đó, ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn còn chưa giải quyết được những vấn đề căn cơ về quản lý nhà nước.

Đơn cử, một trong những nhiệm vụ, giải pháp đã được NQ 04 nêu ra đối với lĩnh vực trồng trọt là: Chú trọng đầu tư, nâng tầm nhóm cây trồng chủ lực của tỉnh gồm cà phê, hồ tiêu, cao su. Thực tế thì bên cạnh những kết quả đạt được cho thấy việc phát triển nhóm cây trồng chủ lực vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó, nói về vai trò quản lý nhà nước, đầu tiên là vấn đề về quy hoạch, định hướng nhưng cả hai nội dung này còn khá xa rời thực tiễn sản xuất của nông dân. Riêng đối với quy hoạch, cả cà phê, hồ tiêu và cao su đều không theo kịp thực tiễn, chưa có hệ thống cơ chế đi kèm để triển khai, quản lý quy hoạch.

Cụ thể, đối với hồ tiêu, việc chạy theo phong trào diễn ra khắp tỉnh. Năm 2012, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh Đắk Nông đạt hơn 16.000 ha. Đến năm 2016, diện tích hồ tiêu của Đắk Nông vượt 27.000 ha, tăng hơn 11.000 ha so với 4 năm trước. Đắk Song từ một huyện có diện tích hồ tiêu gần như thấp nhất tỉnh, nhưng đến năm 2016 đã đạt 13.837 ha, tăng hơn 46 lần so với năm 2012.

Tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh Đắk Nông năm 2017 đạt trên 28.500 ha, gấp hơn 2 lần diện tích quy hoạch của tỉnh. Diện tích hồ tiêu vượt xa quy hoạch đã gây ra nhiều hệ lụy cho nông dân và chính quyền. Dễ nhận thấy nhất, khi diện tích hồ tiêu tăng thì diện tích rừng cũng bị suy giảm vì nhu cầu lấy đất trồng và lấy gỗ làm trụ tiêu. Trồng ồ ạt thì không tuân thủ kỹ thuật dẫn đến dịch bệnh phát sinh gây hại nhiều diện tích hồ tiêu của nông dân. Ngoài ra, sức cạnh tranh của sản phẩm cây trồng này cũng ngày càng thấp do sản lượng nhiều, cung vượt cầu, trong khi chất lượng chưa cao cũng là nguyên nhân đẩy giá hồ tiêu xuống thấp trong những năm gần đây…

Mỗi năm có hàng trăm ha hồ tiêu của nông dân bị bệnh, chết. Trong ảnh: Hồ tiêu bị bệnh của nông dân phường Nghĩa Tân, TX. Gia Nghĩa

ADQuảng cáo

Đối với cây cà phê, việc vượt xa quy hoạch cũng diễn ra từ nhiều năm nay. Theo kế hoạch của tỉnh thì cần từng bước rà soát, loại bỏ những diện tích cà phê ở những vùng có điều kiện sinh thái không thích hợp, không để phát triển tự phát cà phê ngoài vùng quy hoạch. Thế nhưng, ở nhiều địa phương, khi giá cà phê tăng, một bộ phận nông dân vẫn tự phát mở rộng diện tích ngoài vùng quy hoạch dẫn đến diện tích cà phê vượt quá quy mô theo định hướng chung.

Theo Quyết định số 1987, năm 2012 của Bộ Nông nghiệp - PTNT về phát triển ngành cà phê thì tổng diện tích cà phê của Đắk Nông đến năm 2020 là 69.000 nhưng hiện đã đạt mức trên 129.000 ha, vượt gần 60.000 ha. Cũng do mở rộng diện tích ồ ạt, không theo quy hoạch, hàng năm cứ đến mùa khô, các địa phương trong vùng trọng điểm cà phê của tỉnh liên tục bị khô hạn, thiếu nước tưới, gây thiệt hại lớn.

Đây cũng chính là những hạn chế trong quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp. Chưa kể, các nhiệm vụ chính đã nêu trong NQ 04 về chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao vẫn còn nhiều hạn chế. Đến nay, tỉnh chưa có trung tâm sản xuất cây giống đạt chuẩn, được chứng nhận, người dân chủ yếu mua cây giống trôi nổi, chất lượng không cao.

Công nghệ sau thu hoạch chưa được chú trọng nên chủ yếu nông sản bán dạng thô, hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý chưa tạo được động lực thật sự. Nhiều chính sách về vốn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật của nhà nước đưa ra nhưng chưa đi vào thực tiễn do các cấp, ngành chưa thực sự "xắn tay" vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt.

Chưa có con số cụ thể nhưng trên thực tế, số mô hình được nhà nước định hướng, hỗ trợ chiếm tỷ lệ rất ít. Theo UBND tỉnh, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện chương trình NNƯDCNC, ngân sách tỉnh mới đầu tư được khoảng 40 tỷ đồng cho chương trình. Số vốn này chủ yếu phục vụ cho việc xây dựng các dự án vùng trọng điểm lương thực hàng hóa, đề án phát triển đàn bò, quy hoạch chuyển đổi cây trồng và xây dựng cơ sở hạ tầng và khoảng 42 tỷ đồng vốn khoa học công nghệ… Đến nay, tỉnh mới thực hiện được chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho số ít doanh nghiệp, với số tiền hỗ trợ khoảng 5 tỷ đồng. Các huyện, thị xã đầu tư cho NNƯDCNC khoảng 160 tỷ đồng.

Gia đình ông Đặng Văn Ngữ, xã Đức Mạnh, Đắk Mil có thu nhập ổn định từ cây thanh long ruột đỏ

Cần lực đẩy lớn hơn

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là một hướng đi đúng nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Trong số những hạn chế về định hướng, chính sách hỗ trợ của nhà nước có lẽ giải quyết vấn đề về vốn là một trong những bài toán lớn được đặt ra. Thực tế, Chính phủ đã có nhiều nghị định ưu đãi trong lĩnh vực này nhưng vẫn chưa đi vào thực tế sản xuất trên địa bàn tỉnh. Không tiếp cận được chính sách, không có vốn, ngoài nguyên nhân xuất phát từ chính doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân thì “rào cản” còn đến từ các tổ chức tín dụng.

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thì hầu hết hội viên phản ánh, các ngân hàng thương mại của tỉnh rất nghi ngại cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cụ thể như vay theo Nghị định 55, vay tái canh, nhất là NNƯDCNC. Bởi đây là lĩnh vực có khả năng sinh lời thấp, nhiều rủi ro do đầu tư ban đầu lớn, thu hồi vốn chậm. Phương án sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả, không theo chuỗi giá trị, nông sản được mùa mất giá, chưa có nhãn hiệu, thương hiệu là những điểm yếu làm "mất điểm" của bên vay.

Cùng chung cảnh ngộ với hộ cá thể, tính đến hết tháng 8/2018, toàn tỉnh mới chỉ có gần 700/4.400 (chiếm gần 16%) doanh nghiệp được tiếp cận vốn qua hệ thống ngân hàng thương mại với tổng vốn khoảng 2.500 tỷ đồng. Trong đó, gói vay cho NNƯDCNC, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp, từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với các chương trình cho vay khác hầu như vẫn còn bỏ ngỏ với số đơn vị được vay hiện chỉ "đếm đầu ngón tay".

Tại các hội nghị đánh giá thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển NNƯDCNC, Tỉnh ủy đã đánh giá việc thực hiện nghị quyết qua thực tế trong cuộc sống vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, vai trò của Đảng, Nhà nước trong công tác này chưa nhiều mà chủ yếu là nông dân tự làm là chính. Các mô hình chủ yếu là nhà nước đi theo nông dân, lấy kết quả của nông dân để đánh giá, tổng kết chứ vai trò đi đầu, hướng dẫn của Nhà nước chưa cao.

Ngành Nông nghiệp đến nay vẫn chưa tham mưu được cho tỉnh một chính sách cụ thể để triển khai nghị quyết hiệu quả. Nhiều quy hoạch, kế hoạch của ngành bộc lộ sự thiếu thực tế, không bắt kịp thị trường. Vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã có nhưng cơ sở hạ tầng thiếu thốn, việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuât còn yếu kém nên chưa trở thành "hạt nhân" lan tỏa công nghệ cao. Chính vì vậy, để NNƯDCNC phát triển đồng bộ, nhất thiết phải cần một lực đẩy lớn hơn từ phía nhà nước bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ  và có tính thực thi cao.

3 nhóm nhiệm vụ, 8 nhóm giải pháp của NQ 04

NQ 04 đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ lớn đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lĩnh vực nông nghiệp. 8 nhóm giải pháp gồm: Tổng kết thực tiễn và xác định nhiệm vụ, mục tiêu cho từng giai đoạn phát triển; quy hoạch và quản lý quy hoạch; các chính sách khuyến khích phát triển; ứng dụng khoa học công nghệ và lựa chọn các dự án, lĩnh vực ưu tiên đầu tư; huy động các nguồn lực, liên kết hợp tác phát triển; đẩy mạnh công tác khuyến nông khuyến ngư; ứng dụng công nghệ sinh học và tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động.

>> Kỳ cuối: Để nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một mũi đột phá

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo lực đẩy cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (kỳ 2): Cần cú “hích” mạnh hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO