Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tạo sức chiến đấu cho Đảng (kỳ 4): Phải thường xuyên, liên tục, lâu dài và quyết liệt

Hoàng Bảo thực hiện| 15/05/2017 13:52

Sinh hoạt chi bộ là hoạt động thường xuyên có vai trò, tác dụng to lớn đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và tiến hành công tác xây dựng nội bộ của Đảng ở cơ sở, bảo đảm cho tổ chức đảng và mỗi đảng viên phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Vì vậy, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ không những là việc cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài mà còn phải quyết liệt.

Một buổi sinh hoạt đảng của Chi bộ bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song). Ảnh: N.L

Bảo đảm các quy định, hướng dẫn của cấp trên

Theo đồng chí Trần Duy Thọ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, để công tác tổ chức sinh hoạt chi bộ bảo đảm các quy định, hướng dẫn của cấp trên về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trước tiên, các huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng đến chi bộ, cán bộ, đảng viên về Chỉ thị 10 của Ban Bí thư Trung ương, Hướng dẫn số 09 của Ban Tổ chức Trung ương và Chương trình hành động số 26 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 22 của Trung ương Đảng (khóa X) “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”.

Trên cơ sở đó, hàng năm, các cấp ủy đảng cần xây dựng kế hoạch cử cấp ủy viên phụ trách địa bàn, tham dự sinh hoạt với các chi bộ; đồng thời làm tốt việc chỉ đạo, định hướng nội dung, hình thức sinh hoạt trong từng thời gian và cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan, giúp các chi bộ thực hiện tốt nội dung sinh hoạt. Việc lãnh đạo, chỉ đạo củng cố kiện toàn các chi bộ yếu, kém, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động của cấp ủy, chi bộ cũng như thường xuyên làm tốt công tác chính trị tư tưởng cần được gắn với nội dung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Đặc biệt, bằng việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, các cấp ủy, chi bộ tập trung chăm lo phát triển đảng viên, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ đảng viên, nhất là đội ngũ cấp ủy viên.

Cần thiết thực và phù hợp với đặc điểm từng loại hình chi bộ

Việc đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chi bộ phải bảo đảm tính thiết thực và phù hợp với đặc điểm từng loại hình chi bộ cũng như duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ. Các nội dung sinh hoạt cần được thực hiện đầy đủ các bước, theo trình tự hướng dẫn của cấp trên, nhất là thực hiện tốt quy chế dân chủ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Hàng năm, các chi bộ đăng ký lịch họp chi bộ với các đảng bộ cơ sở và các huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh để theo dõi, tham gia sinh hoạt đột xuất nhằm kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo. Các chi bộ cần nắm vững một số nội dung, biện pháp để vận dụng vào thực tế ở các loại hình chi bộ, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt.

Cụ thể, chi bộ lựa chọn đúng các vấn đề cần tập trung lãnh đạo để đưa ra sinh hoạt như vấn đề trọng tâm, trọng điểm nổi lên trong từng thời gian cần phải được giải quyết, nhiều người quan tâm, chi phối nhiều đến tư tưởng, tổ chức và hoạt động của địa phương, đơn vị...

Để lựa chọn đúng vấn đề cần tập trung chỉ đạo, chi ủy, bí thư phải nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, của cấp trên, đặc điểm tình hình nhiệm vụ của đơn vị, nhất là nhiệm vụ được cấp trên giao cho từng thời gian nhất định… Phải có sự bàn bạc, thống nhất trong chi ủy và trao đổi với thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong lựa chọn các vấn đề cần tập trung lãnh đạo, sau đó phân công người chuẩn bị nội dung.

Tùy theo nội dung đã lựa chọn, chi ủy phân công cán bộ, đảng viên hoặc tổ chức có liên quan cùng cấp ủy chuẩn bị hoặc cung cấp thông tin, tư liệu, số liệu để chuẩn bị nội dung sinh hoạt. Chi ủy họp để thảo luận, bàn bạc trước khi đưa ra hội nghị chi bộ về kết quả của việc chuẩn bị nội dung là dự thảo nghị quyết (báo cáo kiểm điểm tình hình, phương hướng trong thời gian tới…). Chi ủy cần thảo luận bàn bạc, bổ sung những vấn đề cần thiết, dự thảo nghị quyết, dự kiến các vấn đề đưa ra thảo luận và kết luận trong sinh hoạt chi bộ.

Phát huy vai trò của người chủ trì

Việc tổ chức, điều hành sinh hoạt chi bộ phải theo quy trình đã được hướng dẫn. Người chủ trì phải nắm vững nội dung, quy trình sinh hoạt cũng như linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, khơi gợi cho đảng viên phát biểu đúng trọng tâm, tạo không khí dân chủ, cởi mở, phát huy được trí tuệ, nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc, tính kỷ luật trong sinh hoạt đảng.

Trên cơ sở những nội dung thảo luận, biểu quyết để hình thành nên nghị quyết của chi bộ. Trong kết luận của chủ trì không thể thiếu ba nội dung chính đó là nhận xét tinh thần, thái độ của các thành viên trong cuộc họp; kết luận các vấn đề một cách rõ ràng, căn cứ vào tình hình, tính chất của buổi sinh hoạt để tiến hành biểu quyết (có thể biểu quyết toàn bộ hoặc từng phần, từng vấn đề cụ thể); nêu rõ những vấn đề được nhất trí, được biểu quyết thông qua và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu. Tránh tình trạng kết thúc sinh hoạt chi bộ, nhưng không có kết luận hội nghị, dẫn tới mỗi người nhận thức hiểu và nói theo cách riêng của họ, không nhất quán các vấn đề trong sinh hoạt. Toàn bộ diễn biến của cuộc sinh hoạt chi bộ được ghi chép đầy đủ, chính xác trong sổ biên bản họp thường kỳ của chi bộ.

Tổ chức thực hiện nghị quyết là khâu hiện thực hóa chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chi bộ trong thực tiễn. Do vậy, trách nhiệm của bí thư và thủ trưởng cơ quan, đơn vị là phải thống nhất kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết, cụ thể về thời gian, nội dung công việc và lực lượng để tiến hành. Chi bộ giao nhiệm vụ cho cấp ủy viên, đảng viên đối với nội dung cụ thể và quy định thời gian hoàn thành, báo cáo kết quả.

Công tác kiểm tra cũng cần được  tăng cường để kịp thời uốn nắn và rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện. Chi bộ bảo đảm  tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu-3 tính chất này có sự gắn kết chặt chẽ, không tách rời nhau trong sinh hoạt.

Có thể nói, chất lượng sinh hoạt của chi bộ là một trong những yếu tố quyết định sức sống, sự tồn tại, phát triển của Đảng. Không tổ chức sinh hoạt chi bộ hoặc tổ chức sinh hoạt chi bộ, nhưng chất lượng sinh hoạt thấp thì chi bộ không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Thực tiễn cho thấy, những chi bộ trong sạch vững mạnh là những chi bộ đã duy trì nền nếp sinh hoạt đều đặn, có chất lượng, đúng quy định với nội dung và hình thức phong phú, thiết thực...Vì vậy, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ và tổ chức đảng gắn liền với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng ở chi bộ là việc cần làm thường xuyên, liên tục và cần phải có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

*****

Phải phát động, động viên tất cả đảng viên góp ý, thảo luận

Lê Xuân Đình, đảng viên bon Bu N’drung, xã Đắk Búk So (Tuy Đức)

Sinh hoạt chi bộ không phải là bí thư nói, bí thư nghe mà phải phát động, động viên tất cả đảng viên tham gia góp ý, thảo luận. Bởi khi đảng viên góp ý thì khi ra nghị quyết, chính đảng viên sẽ là người thực hiện trước để làm gương cho nhân dân nhằm đưa nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống. Và để chất lượng sinh hoạt được nâng lên thì đòi hỏi người đứng đầu chi bộ phải thực sự công tâm, khách quan trong mọi vấn đề. Người đứng đầu phải chứng minh cho đảng viên và quần chúng nhân dân thấy, họ là người đủ sức, đủ tâm, đủ tầm để “chèo lái con thuyền” của Đảng, của nhân dân.

Đảng viên làm thì dân sẽ tin và làm theo

Vi Hoa Lư, đảng viên tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung, Gia Nghĩa

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thì cần phải nâng cao chất lượng đảng viên. Cấp ủy, người đứng đầu cần phải có giải pháp thiết thực để động viên, cổ vũ, khích lệ đảng viên trẻ, đảng viên còn ngại ngùng, e dè nói lên tiếng nói của mình, nhất là dám đấu tranh, tự phê bình và phê bình những cái chưa làm được, hiến kế để chi bộ có hướng giải quyết thích hợp. Đã đứng trong hàng ngũ của Đảng thì phải xác định là tuyệt đối tin vào Đảng, suy nghĩ cho Đảng. Bởi chi bộ lãnh đạo trực tiếp, người thực hiện chính là đảng viên và quần chúng nhân dân, nên khi đảng viên làm thì dân sẽ tin và làm theo.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết

Phan Văn Hợp, Bí thư Huyện ủy Đắk Song

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Hướng dẫn 09 của Ban Tổ chức Trung ương, một trong những giải pháp cần thiết đó là phân công huyện ủy viên phụ trách địa bàn hàng tháng, hàng quý xuống sinh hoạt tại các tổ chức đảng nhằm gắn kết thông tin từ trên xuống cơ sở cũng như theo dõi xem việc sinh hoạt có đúng theo Hướng dẫn không, còn thiếu sót điểm nào để kịp thời giúp đỡ. Trong cuộc họp, cấp ủy phải nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình, coi việc sinh hoạt chi bộ là một trong những nội dung quan trọng để định hướng, giáo dục tư tưởng, phát huy tính dân chủ cho đảng viên trong đánh giá thực hiện nhiệm vụ. Sau sinh hoạt, chi bộ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xem nghị quyết đề ra có thực hiện được không, thực hiện như thế nào và thực hiện đến đâu…

Người đứng đầu phát huy vai trò hạt nhân, trung tâm của sự đoàn kết

Nguyễn Văn Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Búk So (Tuy Đức)

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, người đứng đầu cần phải phát huy vai trò là hạt nhân, trung tâm của sự đoàn kết. Người đứng đầu không chỉ nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực công tác mà phải hòa đồng với đảng viên, quần chúng nhân dân. Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ không nên quá dài, hay quá ngắn mà phải đáp ứng đủ thời lượng triển khai nhiệm vụ, khơi dậy tính tích cực của đảng viên, phát huy tính dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Nghị quyết của chi bộ không phải cái nào cũng giống nhau mà có thể chỉ cần nói riêng 1 vấn đề quan trọng, nổi bật nhất, cần làm ngay, tập trung vấn đề nóng. Chọn 1 đến 2 việc quan trọng nhất để giải quyết, bổ sung cung cấp thông tin thời sự cho cán bộ, đảng viên. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cần thường xuyên thực hiện, chứ không sáo rỗng, rập khuôn, không lợi dụng các vấn đề tư tưởng để chì chiết, gây bức xúc cho đảng viên mà phải trên tinh thần giúp đỡ nhau để hoàn thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tạo sức chiến đấu cho Đảng (kỳ 4): Phải thường xuyên, liên tục, lâu dài và quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO