Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tạo sức chiến đấu cho Đảng (kỳ 3): Vẫn còn biểu hiện tính hình thức trong sinh hoạt chi bộ

Hoàng Hoài| 11/05/2017 10:45

Bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay, việc sinh hoạt của không ít chi bộ ở địa bàn tỉnh vẫn còn đó những hạn chế nhất định, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Đảng viên là... người một nhà

Mặc dù không có quy định nào cấm việc người trong một nhà không được sinh hoạt trong một tổ chức đảng, nhưng thực tế tại Chi bộ bon R’Dạ, xã Quảng Khê (Đắk Glong) thì đây lại trở thành một “rào cản” trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Qua tìm hiểu được biết, Chi bộ bon R’Dạ là một trong những chi bộ mới được thành lập; trong đó, Bí thư Chi bộ là anh K’Mai được tăng cường từ bon khác về; 3 đảng viên còn lại là 3 cha con trong một gia đình.

Cuộc sống của người dân ở bon R' Dạ, xã Quảng Khê (Đắk Glong) vẫn chưa có sự thay đổi gì so với khi mới thành lập. Chi bộ có 4 đảng viên, trong đó có 3 đảng viên trong 1 gia đình và thời gian qua không phát triển được đảng viên nào

Theo anh K’Mai, Bí thư Chi bộ bon R’Dạ, việc sinh hoạt chi bộ mà đảng viên là người trong một nhà có nhiều cái khó. Thứ nhất, chính là tính đấu tranh, tự phê bình và phê bình chưa cao. Bởi theo quan hệ gia đình thì cha nói con nghe, con cái không được cãi lời cha mẹ. Cũng vì nếp cũ này, nên khi ra sinh hoạt chi bộ, để nhắc nhở hay nhận xét một đảng viên nào thì họ vẫn thoát được tư tưởng nể nang với suy nghĩ cha con một nhà làm sao phê bình lẫn nhau được.

Hơn nữa, 3 cha con, nhưng hoàn cảnh ai cũng khó khăn, đều thuộc diện nghèo của xã, phải lo bươn chải kiếm sống, nên lấy đâu thời gian để mà thực hiện được hết chức trách, nhiệm vụ giao phó. Cũng từ đó kéo theo, việc phát triển đảng viên cũng là bài toán nan giải. Bởi gần 2 nhiệm kỳ trôi qua, nhưng chi bộ chưa kết nạp được đảng viên nào, đồng nghĩa với việc nghị quyết đề ra cũng không đạt.

Chưa kể, bí thư chi bộ là người không sống trong bon, cũng phải lo cho cuộc sống gia đình, nên không có thời gian để trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hay việc thực hiện nghị quyết như thế nào mà chủ yếu thông qua các chức danh khác báo cáo. Trong khi đó, để triển khai vấn đề gì đòi hỏi bí thư phải sâu sát cơ sở, gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thì lãnh đạo, chỉ đạo mới sát. Chính việc chi bộ còn những hạn chế, vướng mắc như vậy mà chất lượng sinh hoạt của chi bộ cũng không mấy khả quan.

“Im lặng là vàng”

Theo một số đảng viên sinh hoạt lâu năm tại Chi bộ tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), việc sinh hoạt và chất lượng sinh hoạt của chi bộ trong nhiệm kỳ này đã có những chuyển biến tích cực. Trước đây, người đứng đầu của chi bộ không lắng nghe và không ghi nhận các ý kiến góp ý của các đảng viên, nhất là khi những vấn đề góp ý liên quan đến cá nhân.

Có nhiều cuộc họp, bí thư chi bộ tranh cãi gay gắt với đảng viên, với thái độ nóng nảy, không đồng thuận. Thế nhưng, nhiệm kỳ mới này, từ khi thay đổi bí thư mới, mọi việc đã có chuyển biến tích cực. Bởi bí thư mới là nữ, luôn nhẹ nhàng và lắng nghe những ý kiến góp ý để sửa đổi cho phù hợp, từ đó, tính đoàn kết, thống nhất trong chi bộ cao hơn.

Tuy nhiên, điều mà một số đảng viên lâu năm ở Chi bộ tổ dân phố 2 như ông Vi Hoa Lư còn trăn trở, đó chính là đảng viên vẫn còn tình trạng ngại va chạm, còn theo kiểu “im lặng là vàng”. Dù bất cứ vấn đề gì nghị quyết đề ra, họ đều biểu quyết tán thành theo số đông chứ không hề có ý kiến nhận xét xem vì sao đồng ý hay không đồng ý.

Thực tế, mỗi cuộc họp chi bộ là dịp để đảng viên phát huy vai trò của mình nhằm nêu lên chính kiến trước các việc làm được hay chưa làm được, những vấn đề nào cần làm ngay... Đây không chỉ là quyền lợi mà còn thể hiện tính dân chủ, tính đảng của đảng viên trong sinh hoạt chi bộ, thế nhưng nhiều đảng viên lại chưa nhận thức rõ về vấn đề này.

Được biết, Chi bộ tổ dân phố 2 hiện có 53 đảng viên sinh hoạt, trong đó cán bộ nghỉ hưu về sinh hoạt nhiều, nhưng mỗi cuộc họp chỉ có khoảng vài ba ý kiến là xong. Chưa kể, mỗi vấn đề chi bộ nêu ra, đảng viên chỉ góp ý chung chung, qua loa, đại khái, dẫn đến tính đấu tranh chưa cao. Hầu như ai đã góp ý thì góp ý thường xuyên, còn đa số đảng viên còn lại thì có người chưa phát biểu lần nào dù là đồng ý.

Ông Vi Hoa Lư cho biết: “Thời chúng tôi, một trong những yêu cầu bắt buộc đầu tiên của sinh hoạt chi bộ đó chính là tính kỷ luật. Cụ thể, đã là đảng viên thì phải chấp hành nghiêm giờ giấc sinh hoạt theo quy định, nghỉ thì phải báo cáo lý do, xin phép".

Trước khi họp chi bộ, cấp ủy tổ dân phố 1, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) tiến hành họp trước để xác định những vấn đề cốt lõi, trọng tâm cần triển khai trong tháng tới

Khi người đứng đầu chưa phát huy vai trò

Là người đứng đầu của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song, nhưng năm 2015, ông Phạm Thái Hòa, Bí thư Chi bộ đã không làm tốt vai trò của mình.

Ông Hòa đã chỉ đạo các giáo viên cho điểm khống, làm giả học bạ cho 7 học viên. Kết luận thanh tra nêu rõ hành vi này là vi phạm pháp luật. Việc làm của ông Hòa đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và giáo viên trong nhà trường bởi ông chính là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của đơn vị. Với việc làm này, ông Hòa không chỉ bị cách chức Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song mà còn bị cảnh cáo về mặt Đảng.

Đồng chí Phan Văn Hợp, Bí thư Huyện ủy Đắk Song cho biết: Trường hợp ông Hòa chính là vi phạm vào những điều đảng viên không được làm là dối Đảng. Chính người đứng đầu không gương mẫu đã làm giảm đi niềm tin của đảng viên và ảnh hưởng đến sự nỗ lực, cố gắng của một tổ chức.

Còn không ít hạn chế, hình thức

Từ thực tế trên, cũng theo đánh giá của Tỉnh ủy, bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt và phát huy vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức đảng cũng còn hạn chế. Đó là, một số chi bộ duy trì chế độ sinh hoạt không đều, nội dung đơn điệu, hình thức rập khuôn theo thủ tục, dẫn đến không khí sinh hoạt trầm lắng, nặng về phổ biến, quán triệt nên không tạo được hứng thú, thu hút đảng viên tham gia góp ý, thảo luận.

Trong đánh giá thực hiện nghị quyết chưa phản ánh được hết kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chi bộ; chưa thể hiện cụ thể những việc đã làm được và chưa làm được, những hạn chế yếu kém và nguyên nhân, cũng như thiếu giải pháp tháo gỡ những khó khăn. Một số chi bộ tổ chức sinh hoạt chưa bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương về sinh hoạt chi bộ.

Một số chi bộ vẫn còn lúng túng trong việc định hướng xây dựng nghị quyết lãnh đạo và ra nghị quyết còn chung chung, không cụ thể, rõ ràng, thiếu tính khả thi, bỏ qua nhiều mặt cần quan tâm lãnh đạo. Nhiều chi bộ ít tổ chức sinh hoạt chuyên đề, lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề còn mang tính hình thức.

Ý thức của một số đảng viên trong việc thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng còn yếu, trong sinh hoạt ít tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nghị quyết. Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ chưa cao. Tính tiền phong, gương mẫu của một số đảng viên còn hạn chế. Nhiều đảng viên còn thụ động, ngại va chạm, thiếu tính chiến đấu. Một số đảng viên bàng quan, buông xuôi, thiếu trách nhiệm, bản thân không có quan điểm, chính kiến riêng...

Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số bí thư, cấp ủy chi bộ chưa được phát huy, thiếu năng động. Nhiều thư ký các buổi sinh hoạt chi bộ chưa có kinh nghiệm tổng hợp để ghi chép đầy đủ, chính xác các ý kiến phát biểu của đảng viên, kết luận của người chủ trì. Một số chi bộ, đồng chí chủ trì cuộc họp tóm tắt ý kiến phát biểu của đảng viên và kết luận những vấn đề lớn, quan trọng mà chi bộ đã thảo luận, thống nhất còn sơ sài, thiếu tính tổng quát, toàn diện...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tạo sức chiến đấu cho Đảng (kỳ 3): Vẫn còn biểu hiện tính hình thức trong sinh hoạt chi bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO