Luân chuyển cán bộ: Cách làm và kết quả bước đầu ở Đắk Mil

Lam Giang| 26/06/2014 09:37

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Huyện ủy Đắk Mil đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác luân chuyển cán bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đến cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa các cấp, các ngành, địa phương với nhau.

Qua thực tế cho thấy, đây là cơ hội để tạo nguồn cán bộ dồi dào, có trình độ chuyên môn cao, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, được rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo ngay ở cơ sở.

Đồng chí Ngô Sĩ Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Đắk N'drót (Đắk Mil) cùng cán bộ xã xuống cơ sở kiểm tra tình hình thực hiện đường giao thông nông thôn

Theo đó, để công tác luân chuyển cán bộ diễn ra thuận lợi, đem lại hiệu quả thiết thực, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao cho Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và chỉ đạo các cấp ủy cơ sở tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ.

Trên cơ sở đó, hàng năm, huyện và từng địa phương xây dựng kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ cho phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, cấp ủy các cấp đã quán triệt phương châm “Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ”, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, tư tưởng cục bộ ngay từ cơ sở.

Do vậy, các phương án tăng cường, luân chuyển cán bộ được thực hiện đúng mục đích, yêu cầu đề ra. Điển hình như đầu năm 2013, đồng chí Ngô Sĩ Tùng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện được luân chuyển về Đảng ủy xã Đắk N'drót, giữ chức Bí thư Đảng ủy xã.

Những ngày đầu mới về nhận công tác ở cơ sở, với nhiều điều mới mẻ, khác xa so với chuyên môn từng đảm nhiệm, đồng chí Tùng đã xác định muốn xây dựng lòng tin với nhân dân, đưa phong trào đi lên, phải gần dân, dựa vào dân và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở…

Trên tinh thần đó, ngoài việc cùng với cấp ủy đề ra quy chế làm việc, đồng chí còn tích cực xuống cơ sở tìm hiểu, thăm hỏi, vận động nhân dân lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tham gia đóng góp xây dựng hạ tầng…

Như trước việc con đường bê tông ở thôn 6, đơn vị thi công đổ bê tông dừng ngay ở đoạn gần ngã 3, để lại vài mét đất đá lổn nhổn vừa mất thẩm mĩ vừa gây khó khăn trong quá trình lưu thông của bà con. Trước thực trạng đó, sau khi xuống tận nơi kiểm tra, đồng chí Tùng đã trực tiếp yêu cầu nhà thầu phải tiếp tục hoàn thiện tuyến đường để đảm bảo thuận tiện đi lại của bà con…

Những biện pháp đồng bộ trên đã nhanh chóng gây dựng được lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã. Không những tin tưởng, nghiêm túc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương, người dân còn tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hay như đồng chí Trần Xuân Hà, năm 2011 khi được luân chuyển về giữ chức Chủ tịch UBND xã Long Sơn - một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện. Ban đầu đồng chí cũng bắt gặp rất nhiều ánh mắt nghi ngại của người dân nơi đây.

Tuy nhiên, với quan điểm của người đảng viên này là ở bất cứ việc gì, dù khó khăn, phức tạp đến đâu, nếu đi thẳng, đi sâu để nắm vững tình hình, gần dân, sát dân, hiểu dân thì sẽ giải quyết được hết. Nên sau một thời gian, đồng chí Hà đã chiếm được sự tin tưởng, kỳ vọng của bà con bằng những thay đổi cụ thể trong điều hành công việc.

Cùng với đồng chí Tùng và Hà thì từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Huyện ủy Đắk Mil đã thực hiện luân chuyển, điều động từ huyện về xã 17 cán bộ, đảng viên tại 9/10 xã, thị trấn. Riêng năm 2013, huyện đã điều động, luân chuyển 8 cán bộ từ huyện về xã và ngược lại.

Trong đó, xã ít nhất là 2 đồng chí, xã nhiều nhất là 3 đồng chí. Theo đồng chí Lê Văn Tấn, Bí thư Huyện ủy Đắk Mil thì nhìn chung các cán bộ luân chuyển, điều động đều đã phát huy tốt vai trò của mình ở đơn vị mới.

Cụ thể, những cán bộ huyện luân chuyển từ ngành này sang ngành khác luôn tích cực, chủ động tham mưu cho huyện trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đạt hiệu quả cao, thiết thực.

Đối với cán bộ cấp huyện luân chuyển về xã, thị trấn đều là những người am hiểu hệ thống chính trị cơ sở và những nét đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình công tác, giúp cơ sở giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Cái được nữa là các cán bộ luân chuyển đều được đào tạo cơ bản, tiếp cận nhanh với công việc và môi trường công tác, thể hiện rõ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có uy tín đối với nơi luân chuyển đến. Thông qua đó, cán bộ luân chuyển đã góp phần tạo nên động lực và khí thế làm việc mới, lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Nhiều cán bộ qua luân chuyển trưởng thành về cách nghĩ, cách làm và bản lĩnh cũng như tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế, có quan điểm, cách nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện. Hơn nữa, việc luân chuyển cũng tạo điều kiện để cán bộ có dịp rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách, trưởng thành hơn, nhất là cán bộ trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luân chuyển cán bộ: Cách làm và kết quả bước đầu ở Đắk Mil
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO