Lắng nghe dân để xây dựng Đảng, chính quyền (kỳ 1): Tổ chức nhiều diễn đàn cho nhân dân góp ý

Hoàng Hoài| 20/09/2018 09:49

Lắng nghe dân để xây dựng Đảng, bộ máy chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được các cấp Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) trong tỉnh Đắk Nông tập trung thực hiện. Đây được xem là một bước quan trọng trong việc thể chế cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

ADQuảng cáo

Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ: Nhân dân là người chịu sự lãnh đạo của Đảng, là “tai mắt” của Đảng, mọi việc làm của Đảng, của cán bộ, đảng viên đều được nhân dân cảm nhận, đánh giá, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều diễn đàn khác nhau để phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Mở rộng quyền dân chủ của nhân dân

Thời gian qua, MTTQ xã Tâm Thắng (Cư Jút) đã tạo nhiều diễn đàn để nhân dân tham gia góp ý cho các tổ chức đảng, bộ máy chính quyền và cán bộ, đảng viên từ thôn, buôn đến cấp xã. Hộp thư góp ý xây dựng Đảng, chính quyền được đặt ngay cửa ra vào của trụ sở UBND xã để nhân dân trực tiếp gửi thư góp ý, phản ánh những điều “mắt thấy tai nghe” về cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng, chính quyền ở địa phương.

Hộp thư góp ý xây dựng Đảng, chính quyền được MTTQ xã Tâm Thắng đặt ngay tại cửa ra vào UBND xã để người dân dễ dàng tham gia góp ý

Theo ông Trần Minh Đường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tâm Thắng, ban đầu, Mặt trận có nhận được một số ý kiến phản ánh về tác phong, lề lối làm việc của cán bộ ở bộ phận “một cửa” như vừa tiếp dân vừa làm việc riêng; chưa nhiệt tình hỗ trợ người dân giải quyết công việc. Từ những lá thư góp ý này, MTTQ đã tham mưu UBND xã kiểm tra xem thời gian người dân phản ánh ai là người tiếp công dân để kịp thời nhắc nhở. Nhờ đó, hiện nay, cán bộ được góp ý đã có sự chuyển biến rõ nét, không chỉ đi làm đúng giờ, tận tình hướng dẫn mà còn tham mưu rút ngắn một số thủ tục để tiết kiệm thời gian cho bà con.

Ngoài hộp thư góp ý đặt tại UBND xã, MTTQ xã còn vận động nhân dân góp ý lồng ghép thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, họp dân ở thôn, buôn về những vấn đề thiếu sót, chưa làm được của cá nhân, tập thể cấp xã, cấp thôn.

Theo ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, qua góp ý chính đáng của nhân dân, cán bộ xã ngày càng trưởng thành hơn, niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền ngày càng nâng lên. Nhiều năm nay, xã không có tình trạng đơn thư vượt cấp, hay khiếu nại, tố cáo kéo dài. Nhân dân luôn phát huy vai trò dân chủ, sẵn sàng góp ý một cách chân thành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Việc lắng nghe dân từ nhiều kênh đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đồng thời là hình thức mở rộng quyền dân chủ của nhân dân với phương châm Đảng nói, dân tin, Mặt trận vận động, chính quyền thực hiện, dân ủng hộ.

Thông qua góp ý của nhân dân, cán bộ tiếp dân ở xã Tâm Thắng đã chuyển biến tích cực, nhiệt tình, niềm nở và sẵn sàng giúp đỡ nhân dân khi liên hệ công việc

Nhân dân là “tai mắt” của cấp ủy, chính quyền

Năm 2017, lần đầu tiên, Ủy ban MTTQ thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý xây dựng Đảng, chính quyền với sự tham gia của 100 người là trưởng, phó ban công tác mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội thôn, bon. Những người tham gia hội nghị đã thẳng thắn đóng góp ý kiến vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương. Bên cạnh đó, người dân đã mạnh dạn chỉ rõ những hạn chế của một số đảng viên ở khu dân cư như chây ì, hoạt động kém, bỏ sinh hoạt.

Từ góp ý này, cuối 2017, Đảng ủy thị trấn đã xác minh thực tế và quyết định xóa tên 2 đảng viên. Đáng nói hơn, cũng qua kênh nhân dân, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy thị trấn đã kịp thời phát hiện những dấu hiệu sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo của những người đứng đầu về việc cấp bồn chứa nước của dự án do ADB tài trợ cho các hộ nghèo, dân tộc thiểu số tại chỗ đang sinh sống ở vùng khó khăn về nguồn nước, thiếu nước. Từ quá trình kiểm tra sai phạm, Đảng ủy thị trấn và Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Krông Nô tiếp tục phát hiện ra những sai phạm khác của các cá nhân đứng đầu để làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp. Vụ việc đã được nhân dân đánh giá cao, niềm tin của người dân vào Đảng, chính quyền cũng được củng cố.

Bên cạnh góp ý trực tiếp, MTTQ thị trấn còn khuyến khích nhân dân góp ý qua hình thức gián tiếp bằng văn bản, rồi tổng hợp, phân loại, xem xét, kiểm tra thực tế về tính chính xác và kiến nghị lên cấp ủy, chính quyền. Theo ông Phạm Ngọc Hộ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Đắk Mâm, nhân dân chính là “tai mắt” của cấp ủy, chính quyền. Lắng nghe dân là tốt, nhưng Mặt trận chủ trương lắng nghe một cách có chọn lọc, tránh những trường hợp vì mâu thuẫn cá nhân dẫn đến bôi nhọ cán bộ, đảng viên, tổ chức. Từ hiệu quả của hội nghị này, năm 2018, MTTQ thị trấn mở rộng việc góp ý tới đông đảo nhân dân. Người dân mạnh dạn góp ý với tinh thần “nói thẳng, nói thật” để xây dựng bộ máy chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

ADQuảng cáo

Căn cứ đánh giá, phân loại cán bộ hàng năm

Năm 2017, đại diện các tổ chức mặt trận và đoàn thể chính trị- xã hội tại các khu dân cư, trường học, cơ quan thuộc xã Thuận Hà (Đắk Song) đã tham gia đóng góp ý kiến thông qua văn bản cho cấp ủy, chính quyền và cán bộ, công chức, viên chức. Với tinh thần, trách nhiệm cao, những người tham gia đã làm việc tích cực, góp ý một cách nghiêm túc, thẳng thắn, chân thành và mang tính xây dựng cao.

MTTQ xã Thuận Hà (Đắk Song) tổ chức cho nhân dân thôn 2 góp ý cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã, thôn

Chị Nguyễn Thị Nhiên, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn 2 cho biết: “Cái mới là người dân không nói trực tiếp mà góp ý thông qua phiếu, không công khai tên họ. Tôi thấy việc góp ý bằng văn bản này bảo đảm tính khách quan, công bằng hơn và tế nhị hơn. Mặc dù có thẳng thắn thế nào thì khi nói trước mặt người được góp ý, chúng tôi vẫn có phần nào đó ngại ngùng”.

Bà Vũ Thị Bích, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn 2 bày tỏ: “Ở đây, chúng tôi góp ý dựa trên tinh thần xây dựng là chính, chỉ ra cho anh em mình những ưu điểm, hạn chế để khắc phục. Con người chẳng có ai hoàn hảo, tất nhiên những mặt được thì ta dễ thấy, còn mặt chưa được thì khó thấy hơn. Do đó, khi chúng ta đứng ngoài quan sát và thấy được thì nên chỉ ra cho anh em”.

Theo ông Trần Khắc Hiệu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thuận Hà, việc lấy ý kiến theo Quyết định 218 có ý nghĩa rất lớn trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và xây dựng đội ngũ cán bộ phục vụ nhân dân. Sau mỗi buổi góp ý, Mặt trận tiến hành tổng hợp ý kiến của từng cá nhân, rồi tham mưu và công khai cho các đối tượng được góp ý biết để tiếp tục phát huy những ưu điểm và xây dựng kế hoạch sửa chữa khuyết điểm. Những ý kiến đóng góp của nhân dân cũng được xem là một trong những căn cứ để đánh giá phân loại chất lượng tổ chức, cá nhân cuối năm. Đồng thời, đây còn được coi là căn cứ để sang năm tổ chức, đơn vị xem đã sửa chữa, khắc phục được đến đâu, thực hiện như thế nào.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hà Nguyễn Hồng Thê, qua đợt lấy ý kiến do Mặt trận phối hợp tổ chức, xã có 3 cá nhân thuộc bộ phận “một cửa” được góp ý nhiều nhất về thái độ, tinh thần tiếp dân chưa nhiệt tình, niềm nở... Qua đó, Đảng ủy, UBND xã đã yêu cầu các cá nhân này tự kiểm điểm, giải trình, rút kinh nghiệm và kịp thời sửa chữa, nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ có hình thức xử lý thích hợp.

Nhiều “kênh” để nhân dân góp ý

Theo ông Phạm Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, trên thực tế, để phát huy vai trò dân chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân được thực hiện định kỳ, thường xuyên và đột xuất như thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, họp cộng đồng, đối thoại với người đứng đầu, đối thoại với người đứng đầu, thùng thư góp ý, phiếu góp ý, trực tiếp góp ý cho cán bộ mặt trận… Hàng tháng, Mặt trận các cấp đều tổng hợp tình hình, ý kiến, kiến nghị của nhân dân, báo cáo cấp ủy, chính quyền những vấn đề liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Thông qua đó, các cấp ủy, chính quyền đã nhận được nhiều thông tin từ quần chúng có giá trị, giúp nhận định sát tình hình, đánh giá tổ chức đảng, đảng viên cụ thể và thực chất hơn.

Có thể nói, đa số ý kiến của quần chúng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, chính quyền với tinh thần trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nội dung góp ý có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những hạn chế và có địa chỉ cụ thể. Chẳng hạn, các cấp ủy cần có giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên; một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm xây dựng đoàn kết nội bộ; công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên có nơi thiếu chặt chẽ; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ sở đối với các đoàn thể chính trị - xã hội; chính quyền các cấp cần chăm lo hơn nữa đến các hộ gia đình thuộc diện nghèo khó…

Đối với cán bộ chủ chốt cấp xã, người dân góp ý cần trực tiếp, sâu sát tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên công tác tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp chưa gương mẫu trong lời nói và việc làm, không ít đảng viên là công an, cán bộ tư pháp, hộ tịch, y tế, địa chính…còn biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân trong giải quyết công việc...

Qua những ý kiến góp ý của quần chúng, các cấp ủy, chính quyền đã kịp thời rút kinh nghiệm, chỉ đạo cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm, giải trình theo yêu cầu, trong đó không ít trường hợp bị xử lý kỷ luật theo quy định mà minh chứng rõ nét nhất là ở thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô).

>>Kỳ 2: Xây dựng mối liên hệ các bên bền chặt, thống nhất, đồng thuận

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe dân để xây dựng Đảng, chính quyền (kỳ 1): Tổ chức nhiều diễn đàn cho nhân dân góp ý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO