Kịch bản cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015-2020: Lộ trình phù hợp, khoa học và bảo đảm yếu tố bền vững

Đức Diệu| 29/08/2017 09:22

Mặc dù đã có một kịch bản khá rõ ràng cho tăng trưởng kinh tế trong cả giai đoạn 2015-2020, song những gì đang diễn ra lại chưa đi theo kế hoạch vạch sẵn. Đây đang là vấn đề đặt ra cho cơ quan chức năng để làm sao bảo đảm tốc độ tăng trưởng đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020).

ADQuảng cáo

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI đã đưa ra mục tiêu, trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế nội tỉnh đạt bình quân hàng năm trên 9%. Đây là chỉ tiêu tổng quát, có liên quan đến nhiều chỉ tiêu trọng yếu nên việc đề ra giải pháp để thực hiện được xem như yếu tố quyết định.

Dự án Điện phân Nhôm Đắk Nông đang tích cực triển khai xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2019 sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển. Ảnh: Lê Phước

“Vỡ trận”… đã rõ

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu về tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 9%, Đắk Nông đã xây dựng kịch bản, phân chia mục tiêu phấn đấu cho từng năm trên cơ sở dự báo, dự đoán tình hình phát triển.
Cụ thể, theo kịch bản ban đầu, mục tiêu trong năm 2016, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế Đắk Nông đạt 9,62%; năm 2017 là 6,93%; năm 2018 là 11,86%, năm 2019 là 7,63% và năm 2020 là 9,12%. Với kịch bản này, mặc dù tốc độ tăng trưởng từng năm có sự chênh lệch khá lớn song vẫn bảo đảm mức tăng trưởng bình quân cho cả giai đoạn trên 9% theo mục tiêu nghị quyết.

Giải thích câu hỏi vì sao, tốc độ tăng trưởng của tỉnh lại được dự báo với “bản đồ hình sin”, ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Đây không phải là mục tiêu cảm tính mà được  xây dựng trên cơ sở dự báo tình hình phát triển kinh tế thực tiễn. Bởi vì, nền kinh tế Đắk Nông trong giai đoạn trước cũng như giai đoạn này vẫn chủ yếu phát triển trên 2 “trục” là nông nghiệp và công nghiệp. Trong đó, nông nghiệp chúng ta tuy đang có những chuyển biến tích cực song dự báo từ nay đến 2020 vẫn chưa có sự bứt phá lớn mà vẫn duy trì tốc độ phát triển chậm. Bởi các cơ chế, chính sách trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa thể tác động mạnh và nhanh đến tốc độ phát triển của ngành này. Như vậy, để có sự phát triển mang tính bứt phá, trong giai đoạn này, Đắk Nông chỉ có thể dựa vào công nghiệp mà cụ thể ở đây là sản xuất alumin và nhôm. Từ đây, kịch bản cho tăng trưởng được đưa ra trên cơ sở tính toán tổng quát tốc độ tăng trưởng chung và tăng trưởng do sự góp mặt của 2 sản phẩm công nghiệp mới này.

Vì vậy, năm 2016, khi mà dự báo Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động, có sản phẩm khoảng 500.000 tấn/năm thì kịch bản cho tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Đắk Nông sẽ tăng đột biến so với năm 2015. Và theo kịch bản này, đương nhiên, năm 2017, tốc độ tăng trưởng sẽ chững lại bởi công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ cũng không tăng là bao so với 2016.

Sang năm 2018, theo kịch bản, Nhà máy Nhôm sẽ hoạt động và có sản phẩm. Nếu đúng như cam kết về công suất, sản lượng thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta trong năm 2018 sẽ đạt mức trên 11,86% và sẽ giảm dần về tốc độ ở một vài năm sau, do sản lượng sản xuất phát sinh không đáng kể, trong khi các ngành công nghiệp phụ trợ mới sau nhôm vẫn chưa có sản phẩm đầu ra. Kịch bản là vậy nhưng trên thực tế, bên cạnh tốc độ phát triển của các ngành chủ lực khác vẫn nằm trong dự báo thì ngành công nghiệp lại không theo “đường ray” đã vạch sẵn nên kịch bản đề ra gần như “vỡ trận”.

Thực tế đã cho thấy, do chậm tiến độ theo cam kết, năm 2016, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đến quý IV mới bắt đầu có sản phẩm. Từ đây, tốc độ tăng trưởng cả năm chỉ đạt 7,08%. Sang năm 2017, với sự góp mặt của ngành công nghiệp mới này, tốc độ tăng trưởng kinh tế Đắk Nông cả năm dự báo sẽ đạt 8,22%.

Đối với Dự án Nhà máy Điện phân Nhôm, theo cam kết ban đầu thì khoảng tháng 10/2017 là hoàn thành việc xây lắp, đầu 2018 bắt đầu sản xuất và cho ra sản phẩm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, dự báo đến khoảng đầu quý IV/2018, nhà máy mới bắt đầu hoạt động và cho ra sản phẩm. Vì thế, mục tiêu 2018, phấn đấu tăng trưởng kinh tế Đắk Nông đạt 11,86% như kịch bản ban đầu là rất khó.

“Cơm chưa ăn, gạo vẫn còn”

ADQuảng cáo

Như vậy, 2 năm đầu thực hiện chỉ tiêu nghị quyết, không chỉ kịch bản cho tăng trưởng xem ra “vỡ trận” mà mục tiêu bình quân của cả 2 năm về tốc độ tăng trưởng cũng chưa đạt 9%. Đồng nghĩa với việc những năm còn lại, kinh tế Đắk Nông sẽ phải có sự tăng trưởng vượt bậc hơn nữa để bù vào “khoảng hụt” của 2 năm đầu trong cả giai đoạn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây mới chỉ “vỡ trận” theo kịch bản ban đầu, chứ chúng ta chưa thể khẳng định sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn.

Bởi vì, xét cho cùng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đưa ra mục tiêu tăng trưởng là dựa trên sự đồng thuận, trí tuệ của toàn Đảng bộ cùng những luận cứ khoa học mang tính thực tiễn về kinh tế - xã hội của địa phương trên cơ sở dự báo, dự đoán cho cả giai đoạn. Việc chúng ta “hụt hơi” về chỉ tiêu tăng trưởng trong những năm đầu của giai đoạn 5 năm kế hoạch phần lớn là do nguyên nhân khách quan. Ngoài những diễn biến bất lợi từ thời tiết, giá cả nông sản thì việc chậm tiến độ so với cam kết của 2 dự án lớn chính là nguyên nhân dẫn đến con số tăng trưởng chưa đạt như mong muốn.

Thế nhưng, nếu như năm 2016, chúng ta bị hụt khoản thu về alumin theo dự kiến thì sang năm 2017, khoản này lại đang đóng góp lớn cho tăng trưởng. So với kịch bản ban đầu, năm 2017, chúng ta chỉ đưa ra con số tăng trưởng 6,93% thì thực chất đã vượt lên với dự kiến 8,22%.

Tương tự, nếu năm 2018, Dự án Điện phân Nhôm chậm tiến độ so với dự kiến thì khoản thu này sẽ tăng cao đột biến vào 2019. Như vậy, nếu xét ở giai đoạn dài hơi thì đây cũng như kiểu “cơm chưa ăn, gạo vẫn còn” chứ không thể mất đâu được. Có chăng, theo giai đoạn 5 năm kế hoạch, việc chậm trễ này đã kéo theo chúng ta phải “sắp xếp lại kịch bản” tăng trưởng cho các năm còn lại một cách hợp lý hơn.

Chỉ đạo về vấn đề này, tại cuộc họp UBND tỉnh mới đây, đồng chí Lê Diễn, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh:

Quyết tâm thực hiện mục tiêu là rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta phát triển nhưng không phải bằng mọi giá mà cần có lộ trình phù hợp, khoa học, bảo đảm yếu tố bền vững. Bên cạnh đó, ngoài sự phát triển nhanh, các cấp, ngành cũng cần quan tâm đến chất lượng của nền kinh tế, không nóng vội, đốt cháy giai đoạn…

“Tăng tốc” nhưng… không phải bằng mọi giá

Theo ông Lưu Văn Trung, hiện tại, nếu rà soát, đánh giá để đưa ra kịch bản khả thi cho tăng trưởng những năm còn lại là thiếu cơ sở. Bởi vì, chúng ta không thể “đếm cua trong lỗ” mà phải có sự rà soát, phân tích kỹ hơn trên cơ sở dự báo và cập nhật sát tình hình phát triển chung cũng như một số lĩnh vực chủ lực. Đến hết quý II năm 2018, là thời điểm bản lề của giai đoạn 5 năm, cũng là lúc nắm chắc tiến độ Dự án Điện phân Nhôm. Đây chính là thời điểm phù hợp nhất để tỉnh nhìn lại những kết quả đạt được, những tồn tại,  yếu kém và đưa ra kịch bản hợp lý cho những năm còn lại của giai đoạn.

Trên thực tế, quan điểm của Tỉnh ủy là không điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu, kể cả mục tiêu tăng trưởng mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra. Đây chính là quan điểm mang tính quyết tâm, nhất quán trong lãnh đạo của Tỉnh ủy đòi hỏi các cấp, chính quyền phải nỗ lực vào cuộc. Từ quan điểm này cho thấy, dù là kịch bản nào thì thời gian còn lại của giai đoạn 5 năm, chúng ta cũng phải tạo được sự bứt phá cần thiết trên các lĩnh vực để bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt xấp xỉ 10%/năm.

Để làm được điều này, ngoài việc tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… tỉnh cũng đã “điểm mặt” một số sản phẩm mới mang tính đột phá để tập trung “tăng tốc”.

Cũng theo ông Trung, trên thực tế, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như hạ tầng Cụm công nghiệp Nhân Cơ, Dự án điện gió ở Đắk Song và các dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản đã có chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai 2 đề án về quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao và giống cây trồng chất lượng cao. Một tín hiệu đáng mừng là giá trị alumil xuất khẩu đang có xu hướng tăng. Cộng với Dự án Điện phân Nhôm khi đi vào sản xuất, có sản phẩm thì giá trị tăng thêm từ 2 sản phẩm này cùng với việc bán điện thương phẩm chính là những nguồn thu khá lớn tạo nên đột phá cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Qua đây cho thấy, chất lượng nền kinh tế phải là yếu tố hàng đầu cho mục tiêu phát triển. Từ định hướng đó, chúng ta mới có một kịch bản khả thi cho tăng trưởng để vừa bảo đảm cả yếu tố quy mô, chất lượng, tính kế thừa và bền vững ở những giai đoạn tiếp theo trên lộ trình xây dựng, phát triển tỉnh nhà.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kịch bản cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015-2020: Lộ trình phù hợp, khoa học và bảo đảm yếu tố bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO