Huy động tối đa các nguồn lực để đạt chỉ tiêu về thủy lợi

Hồng Thoan thực hiện| 14/08/2017 10:40

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015- 2020 đưa ra chỉ tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu bảo đảm nguồn nước tưới cho 80% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp đã và đang tích cực tham mưu, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT.

ADQuảng cáo

Công trình thủy lợi thôn 5, xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) có đường đỉnh đập được kiên cố bảo đảm an toàn vận hành

PV: Ông cho biết một số thông tin về thực trạng cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu tưới cho cây trồng từ các công trình thủy lợi hiện nay trên địa bàn tỉnh?

Ông Lê Trọng Yên: Toàn tỉnh hiện có 214 công trình hồ, đập, trong đó có 186 hồ chứa, 17 đập dâng và 11 hệ thống trạm bơm, kênh tiêu úng. Cụ thể, Công ty TNHH MTV khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý 198 công trình, các địa phương quản lý 14 công trình và các công ty nông, lâm nghiệp quản lý 2 công trình. Thực trạng chung các công trình thủy lợi của tỉnh nhìn chung đều ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có 1 hồ chứa có dung tích trên 10 triệu m3.

Hầu hết các công trình hồ, đập đã được xây dựng, khai thác từ hàng chục năm nay nên hiện đã bị xuống cấp, hư hỏng. Trong số đó, có hơn 1/3 số công trình được đầu tư xây dựng trước năm 2004, do các nông, lâm trường tự xây dựng. Nhiều công trình không được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn, công tác thi công đập đất không được đầm nén, không được kiên cố, tràn tạm, không có cống lấy nước... Thời gian qua, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ đập nên đã góp phần cải thiện phần nào về chất lượng, khả năng tưới của các công trình. Nếu như năm 2015, khả năng đáp ứng tưới của các công trình đạt 68% thì hiện nay đã đạt trên 70% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới.

PV: Trước thực tế trên, ngành đã và đang tập trung tham mưu, thực hiện những nhóm giải pháp trọng tâm nào để đáp ứng nhu cầu nước tưới theo chỉ tiêu đề ra?

Ông Lê Trọng Yên: Trước hết, ngành đã thực hiện việc điều tra, khảo sát, đánh giá rõ thực trạng từng công trình. Từ đó đã lập được danh mục cần nâng cấp, sửa chữa, đầu tư theo hướng ưu tiên công trình cấp bách, trọng điểm gắn với vùng sản xuất lương thực, hàng hóa của tỉnh để thực hiện trước. Cùng với đó, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch phát triển thủy lợi trên địa bàn tỉnh gắn với điều kiện biến đổi khí hậu.

Cụ thể, ngày 11/11/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1799 phê duyệt các công trình thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp 55 công trình và xây dựng mới 50 công trình, với tổng vốn ước tính khoảng 1.800 tỷ đồng, để tăng 12.600 ha cây trồng được tưới nước chủ động từ công trình thủy lợi. Song song đó, các giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai các mô hình về tưới nước tiết kiệm, trồng rừng, nâng cao năng lực tham gia của cộng đồng dân cư cũng đã và đang được ngành đẩy mạnh thực hiện trong những năm gần đây.

PV: Như vậy, nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa, xây mới trong lĩnh vực thủy lợi là khá lớn, vậy tính khả thi trong phân bổ, bố trí nguồn lực như thế nào thưa ông?

Ông Lê Trọng Yên: Cùng với việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách của Nhà nước thì ngành thực hiện chủ trương tranh thủ mọi nguồn vốn hợp pháp của các chương trình, dự án, vốn vay để phân kỳ đầu tư theo các kế hoạch dài hạn và trung hạn. Năm 2015, Sở Nông nghiệp - PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, các cấp, ngành liên quan lập danh mục công trình đăng ký đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020.

ADQuảng cáo

Trước tình hình nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương hạn hẹp, Sở đã tham mưu UBND tỉnh lập 3 dự án kêu gọi đầu tư bằng vốn vay ODA gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất (vốn ADB); Sửa chữa nâng cao an toàn đập (vốn WB); Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh (Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông) bị ảnh hưởng bởi hạn hán (vốn ADB).

Từ đầu năm đến nay, bằng nguồn vốn thủy lợi phí và các nguồn vốn hợp pháp khác, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã triển khai sửa chữa cấp bách và sửa chữa lớn 4 công trình thủy lợi. Bên cạnh đó 29 công trình bị hư hỏng xuống cấp do Công ty quản lý cũng được các dự án triển khai sửa chữa, bảo đảm an toàn công trình.

Cụ thể: 18 công trình đã được đưa vào dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” (WB8); 11 công trình đã được đưa vào dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên” (ADB). Chính vì thế mà góp phần nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu tưới cho cây trồng từ 68% của năm đầu thực hiện nghị quyết lên 70% như hiện nay.

Anh Trần Đức Trung, tổ 5, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm trong sản xuất gần 1 ha rau xanh

PV: Ngoài các nguồn vốn đã nêu, để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu tưới cho cây trồng thì việc huy động sức dân trong vấn đề này như thế nào thưa ông?

Ông Lê Trọng Yên: Theo thống kê, tỷ lệ cây trồng có nước tưới trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại đã đạt 70%. Trong đó, công trình thủy lợi mới đáp ứng được khoảng 40% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, còn lại 30% diện tích cây trồng được tưới từ sông suối, đập tạm, ao, hồ chứa nước nhỏ, giếng khoan, giếng đào của nhân dân. Từ đây, các công trình ao, hồ chứa nước nhỏ của hộ dân, nhóm hộ dân, hợp tác xã, tổ hợp tác chính là một giải pháp đang được ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm, khuyến khích phát triển.

Toàn tỉnh hiện đã có trên 19.500 ao, hồ chứa nước của người dân nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp - PTNT xây dựng Đề án hỗ trợ người dân đào ao chứa nước nhỏ. Đề án này đang trong quá trình xem xét thông qua với các yếu tố quan trọng sẽ được tính đến như việc xây dựng ao, hồ nhỏ tại các vị trí sinh thủy mạch ngầm, lưu vực, thềm suối…

Phương thức triển khai là nhân dân tự đầu tư hoặc nhân dân đầu tư, Nhà nước hỗ trợ. Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào ao, hồ nhỏ tùy vào địa bàn xã, thôn, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở cân đối ngân sách tỉnh, huyện. Khi đề án được thông qua, người dân được hỗ trợ kỹ thuật, máy móc, thiết bị nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt, tránh làm ảnh hưởng, thay đổi các yếu tố về mạch, nguồn nước tự nhiên ở các sông, suối nhỏ.

Cùng với đó, việc huy động sức dân vào thực hiện tiêu chí này còn thể hiện ở chỗ khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia có hiệu quả vào các tổ, nhóm dùng nước. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho nông dân về việc sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, không xâm phạm hành lang an toàn, không tự ý vận hành, xâm hại đến hệ thống các công trình thủy lợi, san sẻ áp lực với nhà nước trong đầu tư ở lĩnh vực này.

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động tối đa các nguồn lực để đạt chỉ tiêu về thủy lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO