Đảng viên Điểu Kêu, tấm gương sáng ở Đắk N’Drung

Quốc Sỹ-Y Krăk| 20/09/2017 10:53

Nhắc đến ông, người dân trong xã Đắk N’Drung (Đắk Song), kể cả người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số thường dùng từ “nể phục”. Ông làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia công tác xã hội, có trách nhiệm với cộng đồng, luôn giúp đỡ hộ nghèo trong xã vươn lên trong cuộc sống. Đó là đảng viên Điểu Kêu ở bon Tu Soay, hiện là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) xã Đắk N’Drung.

ADQuảng cáo

Tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi

Ban đầu tiếp xúc, cảm nhận của chúng tôi về ông là một người trầm tính, hiền lành, chắc chắn, có đôi mắt đầy ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Xuyên suốt cuộc nói chuyện, ông toàn kể về chuyện làm ăn, chuyện trồng cây gì, nuôi con gì; chuyện hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong xã, trong bon sản xuất, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Những lời ông nói như một thước phim quay chậm, từ đó dần hiện ra được cuộc sống của ông và gia đình từ khi mới bắt đầu lập nghiệp cho đến bây giờ.

Cơ ngơi tiền tỷ được xây dựng bởi công sức lao động của đảng viên Điểu Kêu và gia đình

Lúc mới lập gia đình, với vốn liếng ít ỏi là mảnh đất chưa đầy 1 ha trồng cà phê của cha mẹ để lại, ông băn khoăn phải làm cách nào để cà phê phát triển thật tốt. Từ đó, ông luôn tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Bên cạnh canh tác trên đất rẫy của gia đình, ông còn đi làm thuê để tích lũy vốn, kinh nghiệm và kỹ năng trong trồng trọt.

Trước đây, nhiều hộ đồng bào khác trong xã, trong bon, mỗi khi thiếu ăn, thiếu tiền thì họ đành phải bán bớt đi phần đất sản xuất của gia đình để trang trải cuộc sống. Với ông lại khác, ông tâm niệm đất chính là nguồn lực, là nơi phải bám lấy mới giúp con người có được cuộc sống ổn định, thậm chí làm giàu trên đất nông nghiệp. Nếu thiếu cái ăn, cái mặc, ông cùng gia đình tìm mọi cách xoay xở, vay mượn, thậm chí chấp nhận ăn uống tạm bợ, mặc quần áo cũ cũng được để dành dụm mua thêm đất, tập trung chăm sóc cây trồng.

Tài sản lớn nhất của ông ban đầu từ 1 ha đất, rồi dần dần, ông tích góp tiền từ sản xuất, chăn nuôi, mua thêm và phát triển nhiều hơn... Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, ông trồng hai loại cây chủ lực là cà phê và hồ tiêu. Hiện tại, gia đình ông có hơn 10 ha, trong đó, tiêu hơn 4 ha và cà phê khoảng 6 ha (trong đó 3 ha đang thời kỳ kinh doanh). Với đức tính cần cù, ham học hỏi, ông Điểu Kêu đã nhờ cán bộ khuyến nông tư vấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng; tích cực tham gia các buổi hội thảo đầu bờ; tham quan nhiều mô hình để về áp dụng cho vườn cây nhà mình.

Cùng với đó, ông vay các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để đầu tư vào sản xuất…Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lại có thêm vốn để mua phân bón, cây giống có chất lượng nên hiện nay vườn cà phê, hồ tiêu của gia đình ông phát triển tốt, cho năng suất cao và ổn định.

Với ông, siêng năng trong lao động sản xuất là niềm vui, là việc làm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Trong vườn nhà ông, luôn có khoảng 20 con bò để phục vụ việc lấy phân bón cho cây trồng. Cách ông ủ phân bò cũng khác biệt. Hàng tuần, ông gom lại một đống thật to, vây quanh, che đậy thật kín, không để nước vào. Khi phân khô, hoai mục, ông gạt lên, trộn thêm một ít lân và đem bón cho cây trồng. Ông không trộn thêm vôi vào phân bò và lân vì điều đó sẽ làm cây tiêu phát triển quá nhanh, bọng nước nhưng sau một thời gian, cây tiêu sẽ xuống dốc, không đậu trái hoặc trái rất ít.

Bên cạnh đó, việc bón các loại phân hữu cơ khác, ông cũng tính toán và chăm chút không kém. Đã từ lâu, ông chỉ mua phân sinh học của một công ty phân môi trường ở Hà Nội. Đây là loại phân vi sinh được sản xuất từ bã cây dược liệu. Theo ông, chỉ bón sau khi làm cỏ, một cây cà phê bỏ từ 400-500gram.

Khi vườn cà phê bị già cỗi, ông lại tìm tòi giống khác để thay thế hoặc tái canh bằng các phương pháp. Hiện tại, ông chuyển đổi phần lớn diện tích cà phê bằng giống cao sản. Loại cà phê này đạt chuẩn hơn, trái sai, chất lượng và giá thành cao hơn. Diện tích cà phê còn lại, ông dự kiến sẽ phá bỏ trong năm sau để trồng mới hoàn toàn các loại giống chất lượng hơn.

Đối với cây tiêu, theo ông, đây là loại cây rất “mẫn cảm”. Vì chăm sóc rất khó, không tưới hoặc tưới nhiều nước thì tiêu sẽ chết; bón phân quá nhiều hoặc ít, không bón, tiêu cũng chết. Do vậy, chăm sóc cây tiêu, kể cả việc chọn trụ tiêu là cây sống cũng phải kỹ càng. Ông luôn chú ý việc thay thế hoặc chống đỡ trụ kịp thời khi bị hoai mục hoặc gãy đổ. Việc làm này để cho cây tiêu phát triển liền mạch, bảo đảm cho quá trình sinh trưởng, phát triển, nhất là trong giai đoạn đậu trái.

Phần lớn người dân trong xã Đắk N’Drung nhận định, trong sản xuất, ông Điểu Kêu luôn đi đầu về áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong việc cải tạo vườn tạp, đưa giống mới năng suất cao vào trồng. Nhờ vậy, năng suất cà phê, hồ tiêu của gia đình ông luôn cao nhất bon Tu Soay và trong xã. Bình quân, cà phê của gia đình ông đạt năng suất 5-6 tấn/ha; hồ tiêu cũng xấp xỉ 15 tấn/ha. Nhiều năm trở lại đây, với 3 ha cà phê, 4 ha hồ tiêu, cộng với nuôi bò, heo, mỗi năm gia đình ông có tổng thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Hiện nay, gia đình ông Điểu Kêu có tổng trị giá tài sản lên đến 20 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Ông thường xuyên thăm hỏi, vận động người dân chăm lo lao động sản xuất

Tấm gương sáng về trách nhiệm với cộng đồng, về tấm lòng nhân ái

Với những thành quả đạt được trong sản xuất kinh doanh giỏi của ông Điểu Kêu, đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk N'Drung rất khâm phục, vì ông làm cái gì cũng được, cũng hiệu quả. Thuyết phục bởi thực tế cách làm hiệu quả của ông, nhiều người, kể cả một số hộ người Kinh đã học tập làm theo. Tất nhiên, ông luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân về kinh nghiệm, kỹ thuật và vốn sản xuất. Mô hình “vườn, rẫy, chuồng” của ông trở thành nơi thường xuyên đón và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con ở địa phương.

Từ mô hình kinh tế hộ của chính gia đình mình, ông đã tạo việc làm thời vụ cho 20 lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp bà con có thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Ông cũng sẵn sàng hỗ trợ giống hồ tiêu cho bà con trong bon cải tạo cây trồng. Với những hộ thực sự khó khăn về nguồn vốn đầu tư sản xuất thì ông cho vay mà không lấy lãi. Trong số hàng chục hộ nhận sự giúp đỡ của ông, đến nay đều tổ chức sản xuất hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững như ông Nguyễn Văn Bính ở thôn Đắk Kual 5, ông Điểu Sớ và ông Ma Nuê ở bon Rung Lu...

Năm 2003, khi còn làm phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk N’Drung, ông luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. Ông còn nhiệt tình đến từng chi hội thôn, bon, thường xuyên đến tận nhà, tận vườn hướng dẫn, khuyến khích bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn tạp, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đúng kỹ thuật và quy trình. Sự gương mẫu, tích cực của ông đã góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào thi đua cũng như công tác xây dựng Hội Nông dân ở Đắk N’Drung có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-Cụm trưởng Cụm thi đua 5 tỉnh Tây Nguyên tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong lao động, sản xuất, công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Tây Nguyên

Từ năm 2015 đến nay, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBMTTQ xã Đắk N’Drung, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã. Ở vị trí công tác mới, ông đã tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, là nhân tố quan trọng trong xây dựng và củng cố khối đoàn kết ở địa phương.

Những việc làm của ông đã góp phần giúp đảng viên, tổ chức đảng, các tổ chức đoàn thể thêm gần dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, đặc biệt lời nói của ông luôn được bà con tin tưởng nghe theo. Cũng nhờ đó mà từ năm 2002 đến nay, Đắk N’Drung không có bon, làng nào, không có người dân nào bị kẻ xấu lôi kéo, kích động, lừa gạt tham gia vào những vụ việc vi phạm pháp luật; góp phần ổn định và giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Một trong những việc làm đầy nghĩa tình của ông và gia đình là từ năm 2004 đến nay đã nhận nuôi dưỡng 8 trẻ mồ côi. Khi nhận nuôi, cháu lớn nhất 10 tuổi, cháu nhỏ nhất chưa đầy 1 tuổi. 8 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được ông đón về nhà, chăm lo như chính con đẻ của mình và được học hành chu đáo. Lớn lên ông đứng ra dựng vợ, gả chồng, tạo điều kiện làm ăn để các cháu có cuộc sống ổn định. Không phân biệt con trai hay con gái, con đẻ hay con nuôi, mỗi khi các con trưởng thành có gia đình riêng, ông đều hỗ trợ mỗi người 1 ha đất sản xuất và 100 triệu đồng để xây nhà ở.

Ông còn chú trọng hướng nghiệp, hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, động viên các cháu chăm chỉ làm ăn, đừng để thua thiệt người khác. Chính sự quan tâm thiết thực này mà các con của ông sau khi lập gia đình đều có công ăn việc làm và cuộc sống khấm khá. Và bây giờ, ông bà hạnh phúc nhất là nhìn thấy những người con nuôi đều có cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Lâu lâu, các cháu lại về thăm bố mẹ nuôi, giúp đỡ ông bà những việc trong gia đình, biếu ông bà những món quà nho nhỏ… nhưng làm ông thấy thật quý báu, mãn nguyện vô cùng với công sức mình bỏ ra.

Nhận xét về đảng viên Điểu Kêu, ông Điểu Khánh Rin, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk N’Drung khẳng định: "Ông Điểu Kêu là một cá nhân điển hình tiên tiến của địa phương trong phát triển kinh tế. Ông thực sự là tấm gương sáng để lớp cán bộ kế cận như chúng tôi và thế hệ cán bộ, đảng viên trẻ noi theo... Những cá nhân như Điểu Kêu thực sự là hạt nhân nòng cốt để Đắk N’Drung thực hiện thắng lợi phong trào thi đua yêu nước của địa phương". Khi được hỏi về ông, chị Thị Thái, người con gái nuôi thứ 3 chỉ biết nhìn ông cười trìu mến và nói trong xúc động: “Cảm ơn bố mẹ, vì đã cho anh chị em cuộc sống như ngày hôm nay. Nếu không có bố mẹ, anh chị em chúng con không biết sẽ ra sao”.

Với những thành tích nổi bật trong công tác xã hội, trong phát triển kinh tế, ông đã được chính quyền các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen. Mới đây, ông là đại biểu đồng bào dân tộc thiểu số duy nhất ở Đắk Nông và là 1 trong 12 cá nhân tham dự Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của cụm thi đua 5 tỉnh Tây Nguyên diễn ra ngày 20/7 vừa qua. Ông cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-Cụm trưởng Cụm thi đua 5 tỉnh Tây Nguyên tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong lao động, sản xuất, công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Tây Nguyên.

Theo ông Điểu Kêu, muốn chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh tích cực tuyên truyền vận động thì cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu thực hiện trước, làm trước; gần gũi hướng dẫn, thậm chí cầm tay chỉ việc cho họ. Lúc đó, người dân mới nghe, mới tin và làm theo. Ông cười và nói: “Như mọi người hay nói đó, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Mình là cán bộ, là đảng viên thì phải làm thử trước, có hiệu quả, có thành công rồi mới nói, mới chỉ cho người dân làm theo được, nhất là trong phát triển kinh tế”.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng viên Điểu Kêu, tấm gương sáng ở Đắk N’Drung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO