Chú trọng bồi dưỡng kiến thức xây dựng Đảng cho cấp ủy cơ sở

TS. Nguyễn Thế Tư| 29/12/2015 10:08

Nhiệm kỳ 2015-2020, trình độ kiến thức các mặt của cấp ủy cơ sở cao hơn nhiệm kỳ 2010-2015. Cụ thể, số cấp ủy viên tốt nghiệp Trung học phổ thông 97% (khóa trước 51%); Đại học, cao đẳng 76,97% (khóa trước 47%); trình độ lý luận chính trị trung cấp 80% (khóa trước 51%); lý luận cao cấp 21% (khóa trước 10%).

Sau đại hội, nhiều cấp ủy cơ sở đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo chính trị, ổn định tổ chức bộ máy. Song cũng có nhiều cấp ủy do có thay đổi về mặt nhân sự, một số đồng chí bí thư, ban thường vụ chưa qua công tác đảng. Hơn nữa, nhiệm kỳ này số cấp ủy viên mới chiếm khoảng 30-32%. Để nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy cơ sở hiện nay cần cập nhật, trang bị kiến thức xây dựng Đảng có ý nghĩa thực tiễn cấp bách.

Cấp ủy là cơ quan lãnh đạo tập thể ở mỗi cấp có vai trò lãnh đạo chính trị thực hiện nghị quyết của Đảng, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Là cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính bốn cấp - nơi quán triệt thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trực tiếp giáo dục, rèn luyện quản lý cán bộ, đảng viên; tổ chức đảng cùng với nhân dân tiến hành các hoạt động sản xuất, công tác, tổ chức đời sống, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Bởi vậy, nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy cơ sở là hết sức cấp thiết nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của Đảng. Những kiến thức cơ bản cần được trang bị gồm:

- Kiến thức về xây dựng và ban hành nghị quyết. Chức năng bao trùm của Đảng là lãnh đạo chính trị. Lãnh đạo chính trị trước hết phải xác định được các chủ trương, nghị quyết. Cấp ủy viên cần nắm những tri thức về lựa chọn vấn đề ra nghị quyết, thông tin thuận lợi, khó khăn, quy trình xây dựng nghị quyết, đến việc tổ chức thảo luận biểu quyết thông qua nghị quyết. Để nghị quyết đi vào cuộc sống cần khắc phục chủ quan duy ý chí. Bởi thực tiễn cuộc sống luôn vận động, phát triển, “Có việc địa phương này làm có lợi nhưng hại cho địa phương khác”. Do đó, đặt ra cho cấp ủy phải căn cứ vào tiềm năng thế mạnh của địa phương và tham khảo ý kiến của nhân dân để quyết định chính xác chủ trương, nghị quyết của cấp mình.

- Kiến thức, kỹ năng về điều hành sinh hoạt đảng. Chất lượng sinh hoạt Đảng ủy, Đảng bộ tùy thuộc rất lớn vào khâu chuẩn bị nội dung, nghệ thuật điều hành của bí thư, phó bí thư đảng ủy. Các cấp ủy viên cần nắm vững nội dung, mục đích, yêu cầu, đặc điểm tâm lý của từng đối tượng mà lựa chọn hình thức sinh hoạt phù hợp. Tập trung chuẩn bị nội dung công phu, đầy đủ, có trọng tâm trọng điểm, được thiết kế theo một trình tự logic, chặt chẽ; đồng thời dự kiến được những nội dung mà đảng viên sẽ hỏi, chất vấn để giải trình làm rõ. Rèn luyện kỹ năng diễn đạt, lập luận cũng là yếu tố tạo nên thành công của các cuộc họp trong sinh hoạt đảng.

- Nắm vững các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Đảng ta vận hành theo các nguyên tắc tập trung dân chủ (TTDC); tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; xây dựng khối đoàn kết thống nhất; gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Trong các nguyên tắc đó thì nguyên tắc TTDC được coi là xương sống của Đảng.  Giữ vững các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc TTDC - yếu tố tạo cho tập thể cấp ủy có trí tuệ, đoàn kết, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Cấp ủy phải thể hiện trong quy chế của Đảng bộ loại công việc nào tập thể cấp ủy thảo luận, quyết định, loại công việc nào cấp ủy viên quyết định rồi báo cáo sau. Đồng thời thựờng xuyên duy trì tốt chế độ tự phê bình và phê bình trong cấp ủy. Cần nắm vững mục đích, nội dung, tính chất, nguyên tắc khi tiến hành tự phê bình và phê bình. Khi thực hiện nguyên tắc này phải gắn với chế độ sinh hoạt đảng, phê bình trong tổ chức; đặt trong biên độ, tính chất công tác đảng, khác với phê bình ngoài xã hội.

- Cấp ủy viên cần nắm vững kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Cấp ủy cơ sở phần lớn giữ các chức danh chủ chốt của hệ thống chính trị. Lãnh đạo và quản lý ở cấp cơ sở đan xen, gắn kết rất chặt chẽ, trong lãnh đạo có quản lý và trong quản lý có lãnh đạo. Lãnh đạo là quá trình định hướng, xác định mục tiêu, biện pháp để thực hiện phương hướng, mục tiêu đã xác định. Còn quản lý là quá trình tổ chức, sắp xếp, bố trí công việc, kiểm tra, đôn đốc để thực hiện phương hướng, nghị quyết đã đề ra. Chức năng của cấp ủy và chính quyền cơ sở thống nhất ở mục tiêu nhưng khác nhau về chức năng. Chức năng của cấp ủy là lãnh đạo chính trị; chức năng của chính quyền là điều hành quản lý bằng pháp luật. Sự phân biệt có tính chất tương đối này nhằm giúp các cấp ủy viên, nhất là cấp ủy viên giữ các chức danh chủ chốt trong UBND, HĐND. Lượng kiến thức này sẽ giúp các cấp ủy viên phân định được chức năng, nhiệm vụ của mình, không chồng lấn về nhiệm vụ giữa Đảng- chính quyền- Mặt trận, đoàn thể.

- Kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng về vận động nhân dân. Cấp ủy viên không chỉ học dân, tin dân, hiểu dân, sửa đổi hành vi phục vụ dân tốt nhất mà còn phải có những tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chủ trương, quy định của địa phương, nhất là trong phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng bồi dưỡng kiến thức xây dựng Đảng cho cấp ủy cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO