Ý thức người dân góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19

Hoàng Bảo| 31/03/2020 16:52

Thời gian gần đây, khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, mỗi người dân trong tỉnh đã tự nâng cao ý thức tự bảo vệ an toàn bản thân, gia đình và xã hội, góp phần cùng các cấp, ngành phòng, chống dịch hiệu quả.

ADQuảng cáo

Hiện nay, mỗi lần đi chợ, bà Phúc mua thức ăn cho vài ngày để hạn chế đến nơi đông người

Tốt nhất là tự đề phòng

Những ngày này, hoạt động chính của gia đình chị Nguyễn Thị Oanh ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) là lên rẫy và ở trong nhà. Theo chị Oanh, khi đọc báo thấy thông tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “nhà nào ở nhà đó” vì dịch bệnh đang ngày càng phức tạp, nên chị quyết định tạm thời nghỉ việc bán vé số từ ngày 30/3 để hạn chế  tiếp xúc với nhiều người. Vì những ngày thường, việc bán vé số của chị thường đi đến nhiều nơi khác nhau, chủ yếu những nơi đông người, quán xá, nên không tránh được việc tiếp xúc với rất nhiều người khác nhau, nhất là có những người ở địa phương khác.

Chị Oanh cho biết: “Dù công việc chính phải tạm nghỉ, nhưng tôi vẫn không lo lắng. Tôi nghĩ ăn gì cũng được, miễn sao có sức khỏe rồi hết dịch lại tiếp tục đi bán lại. Có thể ngày thường khi có thêm nguồn thu, gia đình ăn thêm thịt, thêm cá, nay ít đi thì mình bớt đi một món, nhưng bù lại mình yên tâm rất nhiều”.

Những ngày không bán vé số, chị Oanh lại phụ chồng đi làm nương rẫy, tối đến lại cùng gia đình ngồi theo dõi tình hình dịch bệnh qua ti vi. Cũng theo chị Oanh, ý thức mỗi người là điều quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch. Bởi nếu ai cũng có ý thức dù nhỏ như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, hạn chế đến nơi đông người hay dừng tổ chức tiệc lúc này thì sẽ hạn chế được dịch bệnh. Hơn nữa, nhiều lúc trong quá trình tiếp xúc mình không biết được họ ở đâu tới, nên tốt nhất tự đề phòng.

Góp sức bằng cách tuân thủ các quy định

Cũng như chị Oanh, bà Trần Thị Phúc ở phường Nghĩa Trung cho rằng, ý thức phòng, chống dịch của mỗi người là điều quan trọng nhất để khống chế dịch lây lan ra diện rộng. Những ngày này, khi thấy Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương ngày đêm nghĩ tìm giải pháp phòng, chống dịch để bảo đảm sự an toàn cho người dân, bà Phúc không khỏi chạnh lòng. Bà nghĩ, mình không giúp được việc gì lớn lao thì mình góp sức bằng cách tuân thủ các quy định của địa phương trong phòng, chống dịch bệnh. Mỗi ngày, chỉ cần đi đâu về hay làm gì xong, bà đều rửa tay bằng xà phòng theo đúng hướng dẫn để phòng bệnh cho mình và gia đình.

Bà Phúc cho biết: “Mình cứ làm cái gì để thấy yên tâm là được. Bởi dịch bệnh không ai muốn, nhưng phòng được thì mình cứ phòng. Hơn nữa, đeo khẩu trang, rửa tay là việc quá dễ, ai cũng làm được thì tại sao mình không làm”.

ADQuảng cáo

Không những vậy, trước đây, bà Phúc đều đi chợ theo ngày, thậm chí có khi ngày đi tới 2-3 lần, chưa kể ra chợ gặp người quen nhiều lúc còn đứng nói chuyện dăm ba câu. Vậy mà hơn 1 tuần nay, một lần đi chợ, bà đều mua thức ăn cho vài ngày để hạn chế đi.

Bà Phúc cho biết: “Từ khi có yêu cầu hạn chế đi đến nơi đông người, nhất là khi dịch bệnh phức tạp, tôi đã mua thêm 1 tủ đông để bảo quản thức ăn. Thay vì ngày đi 1-2 lần thì nay, mỗi lần đi chợ, tôi mua thức ăn cho vài ngày. Tôi thấy, việc đi chợ như vậy, không chỉ tiết kiệm được thời gian, không phải phát sinh thêm chi phí do thích cái này, cái kia mà trên hết hạn chế đến nơi đông người. Thức ăn mua dùng trong vài ngày hay cả tuần, tôi thấy vẫn tươi ngon chứ không có vấn đề hư hỏng”.

Thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, Quán cà phê Núi, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch

Sẵn sàng tạm thời đóng cửa quán

Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 15 về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều cửa hàng, quán ăn, quán cà phê, qua nắm được thông tin trên tivi thì đã chủ động tạm thời đóng cửa. Điều này cho thấy ý thức phòng, chống dịch của người dân đã được nâng cao. Chỉ khi họ nhận thức, ý thức, hiểu được tầm quan trọng của mỗi cá nhân trong công tác phòng, chống dịch trên tinh thần "Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống dịch", “Mỗi phường, xã, thôn bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài phòng chống dịch” như Thủ tướng Chính phủ đã nói thì việc chống dịch mới thành công.

Chị Đỗ Thị Tâm, ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung cho biết: “Tôi bán hàng ăn cách đây hơn 10 năm, trung bình mỗi ngày có hàng trăm khách ra vào thường xuyên, nhất là buổi sáng, nên khi có yêu cầu đóng cửa, tôi sẵn sàng đóng ngay. Tôi nghĩ, việc thì làm cả đời chứ không phải ngày một ngày hai, sức khỏe mới là điều quan trọng. Hơn nữa, lượng khách vào ăn đông, mình không biết khách từ đâu đến hay có ở những địa bàn có dịch về không, nên việc đóng cửa hàng là rất cần thiết để vừa phòng bệnh cho mình, cho khách và những người khác nữa”.

Tại cuộc họp nghe Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 báo cáo tình hình và đưa ra các quyết sách do Thường trực Chính phủ tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tinh thần tiếp tục thần tốc trong công việc, cương quyết dồn mọi nguồn lực để dập các ổ dịch: “Tinh thần là tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc. Do đó, việc người dân tự nâng cao ý thức chấp hành tốt các quy định, yêu cầu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, đồng sức, đồng lòng cùng chung một hướng thì sẽ góp phần đáng kể vào công tác phòng, chống dịch của địa phương nói chung, cả nước nói chung.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý thức người dân góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO