Xây dựng nguồn nhân lực du lịch không thể theo kiểu “ăn xổi”

Mỹ Hằng| 23/09/2022 05:56

Để từng bước đưa du lịch trở thành một trong ba trụ cột phát triển kinh tế, xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, mến khách và chuyên nghiệp, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch đang được Đắk Nông đặt ra một cách nghiêm túc.

ADQuảng cáo

Vừa thiếu, vừa yếu

Theo thống kê, hiện nay lực lượng lao động trong ngành du lịch tỉnh có khoảng 1.000 người, chủ yếu là lao động phục vụ tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn. Tỷ lệ lao động có trình độ từ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 27,5%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn về du lịch chỉ khoảng 17%.

Tình trạng sử dụng lao động trong gia đình chưa được đào tạo bài bản để tự quản lý và kiêm luôn cả nhân viên phục vụ tại nhiều cơ sở lưu trú vẫn còn khá phổ biến nên kỹ năng nghề nghiệp chưa cao. Trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Số lao động tại các nhà hàng, khách sạn không ổn định, thường xuyên thay đổi. Đây là một cản trở lớn đối với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông.

Tại các cơ sở du lịch ở Tà Đùng do thiếu nhân viên du lịch nên thường du khách phải tự trải nghiệm, khám phá

Có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao

Mới đây, Sở VHTT-DL đã xây dựng và tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, ban hành Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2023 - 2027. Dự thảo kế hoạch đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.

Theo ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc Sở VHTT-DL, kế hoạch hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chuyên nghiệp hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch. Qua đó, góp phần nhanh chóng đưa du lịch tỉnh Đắk Nông phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, đạt được mục tiêu trở thành ngành một trong ba trụ cột về kinh tế của tỉnh.

ADQuảng cáo

Theo kế hoạch, đội ngũ nguồn nhân lực du lịch của tỉnh được xây dựng theo hướng có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch, hình thành lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật ngày càng cao.

Đội ngũ nhân lực tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp... sẽ được quan tâm đào tạo

Đa dạng hình thức đào tạo

Hình thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đa dạng, với việc ký kết hợp đồng với các trường chuyên đào tạo về du lịch; mời các giảng viên, chuyên gia trong từng lĩnh vực nghiệp vụ du lịch. Cán bộ quản lý, công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch được khuyến khích tự nâng cao trình độ đào tạo và tham gia các khóa học nâng cao trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ.

Đặc biệt, tỉnh khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch bằng việc tạo lập mối quan hệ tương trợ giữa Nhà nước - nhà trường - nhà kinh doanh và người học. Các doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo tại chỗ cho quản lý, nhân viên và cử người tham gia các chương trình đào tạo viên để đào tạo lại, góp phần giảm bớt nguồn kinh phí và ngân sách Nhà nước.

Nguồn nhân lực phục vụ du lịch của tỉnh sẽ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu

Việc liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch và tăng cường quan hệ giao lưu, trao đổi và hợp tác với các tỉnh trong khu vực và cả nước trong công tác đào tạo, sử dụng nhân lực ngành du lịch được tăng cường.

Ông Lê Ngọc Quang khẳng định: “Vì mục tiêu phát triển du lịch về lâu dài của Đắk Nông, vấn đề nguồn nhân lực trong ngành du lịch phải được quan tâm đúng mức, không thể theo kiểu “ăn xổi” được. Có như vậy, Đắk Nông mới có thể nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, thu hút du khách gần xa đến địa bàn tỉnh, thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nguồn nhân lực du lịch không thể theo kiểu “ăn xổi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO