Việt Nam tăng hai bậc, cải thiện đáng kể tình trạng đói nghèo

TTXVN| 24/10/2019 09:34

Báo cáo Chỉ số đói nghèo toàn cầu (GHI) 2019 của Cơ quan viện trợ Concern Worldwide từ Ireland và tổ chức Welt Hunger Hilfe của Đức cho biết Việt Nam đã cải thiện đáng kể chỉ số đói nghèo trong bảng xếp hạng đói nghèo toàn cầu, cao hơn một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

ADQuảng cáo

Lớp học mầm non tại xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Theo báo cáo trên, Việt Nam đứng thứ 62 trên tổng số 119 nền kinh tế trong bảng xếp hạng toàn cầu, tăng hai bậc so với năm ngoái. Với vị trí năm nay, Việt Nam đứng trên một số nước láng giềng Đông Nam Á như Myanmar, Indonesia, Philippines, Campuchia và Lào.

Điểm GHI được tính toán dựa trên bốn chỉ số bao gồm suy dinh dưỡng, gầy so với chiều cao, thấp còi ở trẻ em và trẻ em tử vong. Cụ thể, chỉ số GHI của Việt Nam đã giảm từ 28,3 trong năm 2000 xuống còn 15,3 trong năm 2019. Chỉ số GHI càng cao thì tình hình đói nghèo càng nghiêm trọng. Nếu chỉ số GHI bằng 0 tức là quốc gia không có tình trạng đói nghèo trong nước.

ADQuảng cáo

Báo cáo trên đánh giá Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm suy dinh dưỡng và xóa đói nghèo.

Năm ngoái, Chính phủ đã phát động chương trình "Thanh toán nạn đói" nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và tăng trưởng chậm thông qua cải thiện dinh dưỡng và sản xuất thực phẩm bền vững. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi gầy so với chiều cao đã giảm từ 9% năm 2000 xuống còn 6,4% trong năm nay và tỷ lệ thấp còi ở trẻ em đã giảm gần một nửa từ 42,9% năm 2000 xuống 24,6% năm 2019.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) gần đây đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam nỗ lực hơn nữa để chống suy dinh dưỡng trẻ em bằng cách tài trợ cho các chương trình liên quan đến dinh dưỡng, xây dựng các kế hoạch đa ngành để giải quyết các yếu tố cơ bản của suy dinh dưỡng và sớm thực hiện can thiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam tăng hai bậc, cải thiện đáng kể tình trạng đói nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO