Tuyên truyền loại bỏ thói quen rải vàng mã: “Mưa dầm thấm lâu”

Mỹ Hằng| 13/06/2019 09:00

Lâu nay, ở các đám tang, việc rải, đốt vàng mã có lẽ không xa lạ gì đối với người dân trên địa bàn tỉnh. Việc làm này không những tốn kém tiền bạc mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

ADQuảng cáo

Khi có người mất, ngoài việc chuẩn bị lo hậu sự tươm tất, các gia đình còn có thói quen mua vàng mã cùng với các loại vật dụng để cúng, đốt cho người đã khuất. Do đó, mỗi khi đưa tang, nhiều gia đình thường rải rất nhiều vàng mã dọc trục đường mà xe tang chạy qua để gọi là “mua đường”.

Việc làm này được giải thích với lý do rất đơn giản, người chết cũng về nơi ở mới, cần có tiền bạc để chi tiêu ở cõi âm nên phải mua vàng mã về đốt và rải từ nhà đến nghĩa địa để người chết đi đường không bị ma quỷ làm khó và biết đường quay về nhà. Việc làm này cũng nhằm để tỏ lòng thương tiếc người thân đã mất, vừa để xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình.

Tình trạng rải tiền vàng mã khi đưa tang vẫn còn diễn ra trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa

Không chỉ rải tiền giả, nhiều đám tang còn rải cả tiền thật. Những loại tiền có mệnh giá nhỏ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng cũng được tang chủ vô tư rải xuống ở các ngã ba, ngã tư hay khi đi qua cầu. Điều đáng nói là nhiều người đi đường thấy tiền rải xuống đã không ngần ngại đuổi theo để nhặt, bất chấp tai nạn giao thông có thể xảy ra.

Có thể nói, việc rải vàng mã trên đường đưa tang là một thói quen mang nặng tín ngưỡng dân gian nhưng cũng gây ra không ít phiền toái cho người đi đường, các hộ gia đình sống dọc theo trục đường chính mà xe tang đi qua.

ADQuảng cáo

Chị Nguyễn Thị Hiên, nhà ở đường 23/3 cho biết: “Nhà tôi ở trục đường chính nên nhiều khi đám tang đi ngang qua họ rải tiền vàng âm phủ, gặp gió bay loạn xạ vào nhà”. Anh Nguyễn Chung cũng nói: “Mỗi khi đám tang đi qua là biết ngay vì giấy vàng mã bay tứ tung, trông rất nhếch nhác và mất vệ sinh môi trường”

Điều đáng nói nữa là ngày nay, các loại tiền, vàng mã được in rất sắc sảo và còn có cả nhà lầu, xe hơi, máy tính, đến cả các vật dụng như áo quần, giày dép cũng được gia chủ đốt, gửi cho người đã mất. Trong khi đó, chi phí để mua các loại vàng mã là một con số không hề nhỏ.

Chị Bùi Thị Hiền, chuyên buôn bán vàng mã ở phường Nghĩa Trung cho biết: “Trung bình một đám tang mua tất cả các loại giấy tiền vàng mã và các loại vật dụng bằng giấy để cúng, đốt cho người mất cũng hơn 1 triệu đồng. Còn gia đình nào có điều kiện thì có thể mua lên đến vài triệu là chuyện thường”.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực trong việc tang, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 27 về việc “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, vấn đề thực hiện tang ma cũng đã có những quy định để chấm điểm thi đua. Cùng với đó, Thông tư 04 của Bộ VHTT-DL quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng nêu rõ: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang; không rắc vàng mã trên đường đưa tang”…

Theo đó, thời gian qua, với chức năng và nhiệm vụ của mình, ngành Văn hóa cũng đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở đưa nội dung thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào hương ước của từng thôn, buôn, bon. Tuy nhiên, việc vận động, tuyên truyền người dân không đốt, rải vàng mã khi đưa tang là việc làm hết sức tế nhị và nhạy cảm. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để người dân nhận ra thói quen này không phù hợp với việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền loại bỏ thói quen rải vàng mã: “Mưa dầm thấm lâu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO