Trong gia đình, trẻ em trai và trẻ em gái đều bình đẳng trong vui chơi, học tập

Hoàng Hoài| 31/08/2015 14:47

Hiện nay, không chỉ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số mà ngay cả ở trung tâm thành thị, trong nhiều gia đình vẫn còn tồn tại tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, đối xử không bình đẳng giữa trẻ em trai và gái, với nhiều mức độ khác nhau.

ADQuảng cáo

Trẻ em trai và gái đều có quyền bình đẳng trong học tập, vui chơi, giải trí

Sinh đứa con đầu là gái, nên vợ chồng chị Nguyễn Thị T ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) luôn mong ngóng đứa thứ 2 là con trai để “nối dõi”. Do đó, hễ ai chỉ cách nào chị cũng đều răm rắp làm theo từ “canh trứng” cho đến ăn uống kiêng khem, cầu tự và cuối cùng cũng sinh được một đứa con trai kháu khỉnh.

Những tưởng “có nếp có tẻ” thì gia đình vui vẻ, nhưng chỉ vì “trọng nam, khinh nữ”, mà anh chị dành phần lớn tình thương cho đứa con trai nhỏ. Dần dần như vậy, vô tình đứa con gái chị lúc trước hoạt bát  hay nói cười, nay ít nói, lầm lì, có khi khách đến nhà hỏi cũng không trả lời.

Khác với chị T, chị Lê Thị H ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) sau khi sinh đứa con gái đầu, do sinh khó nên không còn khả năng mang thai. Từ đó, gia đình chồng thường xuyên chì chiết chị là “không biết đẻ”, và còn cho rằng vì đứa cháu gái này mà nhà không có ai “chống gậy” sau này. Cũng từ đó, cuộc sống gia đình chị luôn trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình mà tư tưởng áp đặt của người lớn đã tác động không tốt đến tâm lý của bé gái. Con gái chị H từ cách ăn mặc đến tính cách, hành động, đi đứng cũng bắt chước giống con trai để mong được ông bà, cha mẹ thương yêu.

ADQuảng cáo

Có thể nói, trong mỗi gia đình, khái niệm về bình đẳng giới không chỉ gói gọn trong mối quan hệ giữa vợ và chồng, mà còn là bình đẳng giữa con trai, con gái, giữa nam và nữ. Thế nhưng, chỉ vì tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, nhiều gia đình đã cố tình quên đi quyền bình đẳng của trẻ em gái và điều này đã để lại những hậu quả khó lường.

Hiện nay, trước sự phát triển của y học, một bộ phận phụ nữ khi mang thai đã đến các phòng khám tư nhân để “canh trứng” nhằm đạt mục đích mang thai con trai cao hơn. Đáng buồn hơn, có những trường hợp khi biết giới tính thai nhi là gái thì sẵn sàng nhờ cậy sự can thiệp để bỏ chờ lần sau cho có con trai. Cũng chính vì điều này dẫn đến tình trạng nạo phá thai, lựa chọn giới tính của thai nhi trước khi sinh đã làm cho nhiều đứa trẻ khi còn trong bụng mẹ đã bị tước đoạt quyền được sinh và được sống. Chính những việc làm này đã vô tình dẫn đến sự mất cân bằng về giới tính.

Việc bất bình đẳng giới giữa bé trai và bé gái còn biểu hiện ở sự phân công chênh lệch các công việc đối với trẻ em trai và trẻ em gái trong gia đình. Tại nhiều gia đình, trẻ em gái phải bắt đầu làm việc khi còn ít tuổi, khi đến trường học xong về nhà phải giúp bố mẹ làm các công việc nhà trong gia đình như nấu ăn, dọn dẹp, trông em, giặt giũ quần áo…Trong khi đó, trẻ em trai lại được nghỉ ngơi, cùng bạn tham gia vào các hoạt động giải trí khác.

Thiết nghĩ, gia đình là trường học đầu tiên của trẻ, mọi cử chỉ hành vi của người lớn đều được trẻ em tiếp thu và hình thành trong nhân cách của trẻ. Trẻ em trai và trẻ em gái đều cần được bình đẳng trong việc chăm sóc, bảo vệ, được sống, học tập, nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi như nhau.

Vì vậy, các cấp, ngành, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền giáo dục các vấn đề giới, bình đẳng giới trong gia đình nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật Bình đẳng giới cho người dân. Đẩy mạnh giáo dục về giới trong hệ thống nhà trường, giúp cho trẻ nhận thức được những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và có hệ thống.

Mỗi cá nhân, gia đình cần có những hiểu biết, hành động thiết thực trong việc xóa bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” cũng như tình trạng phân biệt đối xử về giới giữa trẻ em trai và gái. Việc bình đẳng giới cần phải được đề cao để có cách ứng xử phù hợp, nhất là đối xử bình đẳng giữa trẻ em trai và gái để các em có điều kiện phát triển toàn diện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong gia đình, trẻ em trai và trẻ em gái đều bình đẳng trong vui chơi, học tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO