Trách nhiệm và tình thương ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh| 01/02/2021 09:09

Trong những năm qua, Trung tâm bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh đứng chân trên địa bàn huyện Đắk Mil đã nhận được sự giúp đỡ của các sở, ban ngành, các tổ chức, cá nhân và thực sự là mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh.

ADQuảng cáo

Chăm sóc bằng tình thương và trách nhiệm

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng, trong nhiều năm qua, Trung tâm đã chú trọng xây dựng bộ máy hoàn chỉnh và phù hợp với điều kiện thực tế.  Trung tâm hiện có 31 cán bộ, nhân viên, phần lớn được đào tạo chuyên ngành công tác xã hội, tâm lý xã hội và thường xuyên được tham dự các lớp tập huấn chuyên ngành.

Mặc dù còn nhiều khó khăn cả về vật chất, tinh thần nhưng đơn vị luôn xác định rõ vai trò, nhiệm vụ là luôn sát cánh bên các đối tượng, người già cô đơn, không nơi nương tựa và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trung tâm không quản khó khăn, vất vả để phục vụ các đối tượng yếu thế bằng tất cả tình yêu thương nhân ái và trách nhiệm, với mục tiêu mang đến đời sống vật chất và tinh thần tốt nhất cho các mảnh đời kém may mắn, giúp các cụ và các cháu thực sự có một mái ấm gia đình, quên đi nỗi cô đơn, hiu quạnh.

Các đối tượng BTXH luyện tập thể dục, tăng cường vận động

Hiện hầu hết các cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường và được trang bị tương đối đầy đủ như: quần áo, giày dép, nón mũ, cặp sách và có nơi ăn ở đàng hoàng. Trong năm học 2020- 2021, có 8 cháu đang theo học tại các trường trên địa bàn huyện Đắk Mil và trường nghề. Nhìn chung, các cháu biết đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, có kết quả học tập, rèn luyện tốt.

Giúp đối tượng sống lạc quan, vui vẻ

Các nhân viên luôn sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng để kịp thời an ủi, động viên và điều chỉnh phương pháp, kỹ năng chăm sóc, giúp đối tượng sống lạc quan, vui vẻ. Trung tâm đặc biệt chú trọng vấn đề dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, với khẩu phần ăn hàng ngày thường xuyên được thay đổi, bảo đảm dinh dưỡng thiết yếu.

Đa số các cụ đều khỏe mạnh, minh mẫn, thực hiện tốt các hoạt động theo bố trí của Trung tâm. Đối với các cháu khuyết tật đặc biệt nặng được nhân viên trực tiếp tắm giặt, phục vụ ăn uống chu đáo. Ngoài ra, Trung tâm còn cấp phát sổ để quản lý theo dõi tình trạng bệnh của từng đối tượng, có phác đồ điều trị, phục hồi chức năng hiệu quả.

ADQuảng cáo

Nhóm từ thiện ủng hộ lương thực, thực phẩm, nấu bữa ăn cho đối tượng tại Trung tâm

Đối với đối tượng khuyết tật, ngoài việc chăm sóc về dinh dưỡng, y tế thì hằng ngày còn tự phục vụ, được tham gia lao động trị liệu, phục hồi chức năng như dọn vệ sinh, làm cỏ, tập thể dục, dưỡng sinh… Các ngày lễ, tết... Trung tâm tổ chức trang trọng, ấm cúng cho các đối tượng tham gia các hoạt động.

Đối với các đối tượng lang thang, cơ nhỡ sau khi được tiếp nhận, cán bộ chuyên môn tìm hiểu thông tin, sàng lọc đủ điều kiện mới cho tái hòa nhập cộng đồng, còn không thì tổ chức nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm. Tất cả các đối tượng được chăm sóc, làm quy trình trợ giúp, đáp ứng kịp thời nhu cầu tâm sinh lý và sức khỏe. Đối với những người cao tuổi bị bệnh nặng mất, Trung tâm tổ chức lo hậu sự chu đáo, vẹn toàn, phù hợp với phong tục.

Hiện nay, Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 72 đối tượng; trong đó, 51 đối tượng được Trung tâm trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, số còn lại được gửi tại Trung tâm BTXH tỉnh Ðắk Lắk. Cụ thể có 8 trẻ mồ côi, 7 trẻ em khuyết tật trí tuệ, vận động, thần kinh tâm thần, 10 người khuyết tật, 10 người cao tuổi không nơi nương tựa và 16 người tâm thần đặc biệt nặng.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh

Nỗ lực khắc phục khó khăn

So với nhiều địa phương khác, Trung tâm BTXH Đắk Nông vẫn còn rất khó khăn, cơ sở vật chất chật chội, chưa hoàn thiện. Việc bố trí khu riêng biệt cho đối tượng, nhất là đối tượng khuyết tật, thần kinh tâm thần chưa được chu đáo. Hệ thống thoát nước chưa được lắp đặt nên quá trình xử lý nước thải còn khó khăn, chưa đạt vệ sinh.

Một khó khăn nữa là nhân viên trực tiếp chăm sóc đối tượng BTXH còn thiếu so với quy định của ngành. Đặc biệt, mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho từng đối tượng hiện khá thấp, đối tượng cao nhất cũng chỉ trên 900.000 đồng/người/tháng nên việc chăm sóc bữa ăn hàng ngày gặp không ít khó khăn, nhất là những lúc vật giá tăng.

Nhóm từ thiện Tâm hướng thiện (Đắk Mil) tặng quà các đối tượng BTXH tại Trung tâm BTXH tỉnh.

Trước những khó khăn trên, cùng với kiến nghị cấp trên để tháo gỡ, Trung tâm nỗ lực xoay sở, kết nối với các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để có thêm sự hỗ trợ về tinh thần, vật chất. Nhiều nhóm từ thiện thường xuyên tặng quà cho các đối tượng. Những dịp lễ, tết, nhiều đơn vị thăm nom, tặng quà và động viên. Hàng năm, Sacombank Đắk Nông hay Công an tỉnh Đắk Nông… đều dành tặng hàng trăm suất quà giúp đối tượng vơi bớt phần nào khó khăn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm và tình thương ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO