Thức ăn đường phố - tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Vũ Trang| 21/05/2018 14:07

Tiện lợi, tiết kiệm thời gian và hợp túi tiền nên những năm gần đây, thức ăn đường phố trở nên khá phổ biến, nhất là đối với người dân đô thị. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi, loại thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

ADQuảng cáo

Nhiều quán hàng rong tại các cổng trường trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa tiềm ẩn nguy cơ mất VSATTP

Khuất mắt cho qua...

Thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có mặt bằng hạn chế, phần lớn dùng nhà ở để kinh doanh hoặc thuê mặt bằng tại những vị trí tạm thời, không ổn định, chủ yếu ở những nơi đông người qua lại, dễ ô nhiễm môi trường như các đầu mối giao thông, chợ, trường học, bệnh viện… Bên cạnh đó, ở các hàng quán bán thức ăn đường phố, vẫn phổ biến tình trạng thức ăn sống, chín để lẫn lộn, sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, vệ sinh bàn tay không bảo đảm…

Dạo quanh các quán ăn vỉa hè trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, điều dễ nhận thấy là tất cả những người bán hàng đều không đeo tạp dề và không dùng găng tay để chuẩn bị món ăn cho khách, nếu có thì cũng rất sơ sài theo kiểu cho có. Ngoài ra, việc kinh doanh diễn ra trên vỉa hè, không chủ động được nguồn nước nên chén đũa sau khi phục vụ cũng chỉ được rửa sơ sài. Bên cạnh một số quán ăn cố định, có bàn ghế đầy đủ, còn có nhiều xe di động phục vụ các món ăn như bánh mỳ, thịt quay, chả viên… cũng nở rộ.

Rõ ràng, chỉ với “những điều trông thấy” cũng đủ hiểu rằng việc bảo đảm VSATTP với thức ăn đường phố là điều không thể. Đó là chưa kể đến đa phần nguyên liệu phục vụ tại các quán ăn đường phố, vỉa hè đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo quy định tại Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế thì người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn về VSATTP và có giấy xác nhận; phải được khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe; người mắc các bệnh truyền nhiễm không được tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm; nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có đủ nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh…

Tuy nhiên, xem ra hầu như không có cơ sở, điểm bán thức ăn đường phố nào bảo đảm đúng theo quy định. Thậm chí, khi được hỏi về các quy định này, nhiều chủ quán còn tỏ ra ngơ ngác. Chị N.T.T, chủ một hàng bún, cháo trên đường Hùng Vương (Gia Nghĩa) cho biết: “Những quy định chỉ dành cho các nhà hàng, quán ăn lớn thực hiện thôi, chứ ngồi trên vỉa hè bán nồi bún, nồi cháo như chúng tôi thì tính làm gì”.

Ngay tại đường Quang Trung, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa), năm 2013 được chọn thí điểm triển khai mô hình “thức ăn đường phố”. Mô hình gồm 25 cơ sở, trong đó có 11 cơ sở cố định và 14 cơ sở di động. Trung tâm Y tế thị xã đã tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về các điều kiện bảo đảm VSATTP cho các chủ cơ sở, đồng thời, tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng với loại hình cố định và bán hàng rong... Tuy nhiên, đến nay, việc chấp hành các quy định bảo đảm VSATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố ở đây vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

ADQuảng cáo

Một thực tế nữa là hiện nay, mặc dù nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất VSATTP, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn tỏ ra “dễ dãi”, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sao cho an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Chị Nguyễn Thị Vân Anh ở phường Nghĩa Thành cho biết: “Nếu đòi hỏi hợp vệ sinh thì chỉ có ở nhà tự chế biến, chứ đã đi ăn ở hàng quán bên ngoài, nhất là quán ăn vỉa hè thì chỉ cần hợp khẩu vị của mình là được, còn vấn đề vệ sinh thì phải chấp nhận khuất mắt cho qua”…

Học sinh vẫn "vô tư" sử dụng các loại thức ăn đường phố

Khó quản lý, kiểm soát

Thực tế, lâu nay, việc sử dụng thức ăn bán sẵn đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Thực phẩm nấu sẵn vừa tiện lợi, vừa đa dạng, nhất là ở các đô thị.

Theo phân cấp, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố do cấp xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý, nhưng thực tế đều không có lực lượng chuyên trách về vấn đề VSATTP mà thường cử một cán bộ y tế kiêm nhiệm nên còn có nhiều bất cập. Việc quản lý chỉ mới dừng lại ở việc tổ chức cho các cơ sở ký cam kết bảo đảm VSATTP là chính và kêu gọi người tiêu dùng “cần thông minh” trong việc lựa chọn thực phẩm.

Điều đáng nói, những quy định, chế tài xử phạt đối với cơ sở hàng rong, thức ăn đường phố còn khá nhiều “lỗ hổng”. Đơn cử, cơ sở hàng rong thường bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong khi quy định lại không bắt buộc lưu mẫu trong ngày. Đây thực sự là mối nguy hại lớn, bởi khi xảy ra ngộ độc thì hầu như các mẫu đã bán hết mà không kịp thời ngăn chặn, khiến số lượng bệnh nhân tăng thêm. Cũng vì thế, khi các cơ quan chức năng tới kiểm tra cũng khó biết được chính xác là nguồn gốc mẫu nào bị ôi thiu, không bảo đảm VSATTP, nên không thể tìm ra được nguồn gốc cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn. Điều này đồng nghĩa với việc khó kiểm tra, xử phạt tận gốc, mà chỉ “cắt” được phần “ngọn”.

Theo thống kê của ngành Y tế, hiện nay, ngành đang quản lý 3.247 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong đó có 679 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Thế nhưng, việc thống kê, quản lý và kiểm soát các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn vẫn chưa thực sự chính xác và gặp nhiều khó khăn bởi đặc tính lưu động, không có trụ sở, đó là chưa kể một số cơ sở chỉ kinh doanh theo thời vụ.

Hàng năm, các ngành chức năng của tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm kiểm soát vấn đề bảo đảm VSATTP trên địa bàn tỉnh và đã mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, phải nói rằng, chuỗi hoạt động tập trung và có chiều sâu này chỉ diễn ra trong thời gian cao điểm, chưa đủ để có thể làm thay đổi thực trạng mất VSATTP ở loại hình kinh doanh thức ăn đường phố. Vì sau đó, đâu lại vào đấy như “ném đá ao bèo”, hoạt động của các hàng quán kinh doanh thức ăn đường phố lại trở về nguyên trạng, tiềm ẩn nguy cơ mất VSATTP mà chỉ cần nhìn sơ qua cung cách bán hàng “thiếu đủ thứ” của người kinh doanh thức ăn đường phố cũng sẽ thấy không an lòng...

Thiết nghĩ, trong khi chờ sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng thì điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, cân nhắc kỹ trong việc chọn lựa, sử dụng các loại thức ăn đường phố để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thức ăn đường phố - tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO